Tố cáo thẩm phán đòi chung chi 1 tỉ: Nên làm đơn để có thể được miễn truy cứu trách nhiệm

Hoàng Đan |

"Lẽ ra thay vì kể chuyện thì nên làm đơn tố cáo kèm theo các chứng cứ để được xem xét việc có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi đưa hối lộ", luật sư Út nói.

Người tố có thể bị khởi tố tội vu khống

Từ thông tin được phản ánh trên facebook Bình Hoàng Th., công an Hà Nội cho biết, đang vào cuộc xác minh, làm rõ thông tin tố thẩm phán Đ.T. P. (TAND Nam Từ Liêm) yêu cầu đương sự chi 1 tỉ đồng để thắng kiện.

Trước đó, lãnh đạo TAND TP. Hà Nội cũng cho hay, sau khi biết thông tin qua mạng xã hội về việc một đương sự trong vụ án dân sự do TAND quận Nam Từ Liêm thụ lý đăng tải thông tin trên trang facebook cá nhân, cơ quan này đã đề nghị Cơ quan CSĐT CA TP. Hà Nội vào cuộc điều tra, làm rõ.

Liên quan đến thông tin này, trao đổi với PV, luật sư Phạm Công Út (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu thực sự có chứng cứ thể hiện đã có cuộc trao đổi, ngã giá và việc giao nhận tiền đã được thực hiện trót lọt, trực tiếp giữa đương sự, thẩm phán, luật sư thì đã có dấu hiệu về hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ.

Tố cáo thẩm phán đòi chung chi 1 tỉ: Nên làm đơn để có thể được miễn truy cứu trách nhiệm - Ảnh 1.

"Theo thông tin của người đưa lên facebook cá nhân này thì hành vi đã hoàn thành trong giai đoạn xét xử sơ thẩm.

Tiếp tục khi đến giai đoạn phúc thẩm thì đương sự "kể chuyện" tiêu cực trên trang mạng cá nhân cho... cả thế giới biết việc vi phạm pháp luật của một số người, trong đó có cả mình.

Tuy nhiên, lẽ ra thay vì kể chuyện thì nên làm đơn tố cáo kèm theo các chứng cứ để được xem xét việc có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi đưa hối lộ.

Nhưng nếu đây chỉ là một dòng trạng thái không có chứng cứ chắc chắn để chứng minh cho việc đưa hối lộ hoặc bị lừa đảo thì đương sự, người chủ tài khoản facebook này có thể bị đề nghị khởi tố về hành vi vu khống theo quy định của BLHS", luật sư Út nêu rõ.

Luật sư Đặng Văn Cường (Hà Nội) thì cho rằng, vụ việc trên là thông tin một chiều từ phía người tố cáo.

"Vì vậy, để có căn cứ xử lý thì cơ quan điều tra cần vào cuộc, xác minh, làm rõ tính chính xác của thông tin để có căn cứ xử lý vụ việc theo quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của đương sự cũng như uy tín của cán bộ, của ngành tòa án...", luật sư Cường nhấn mạnh.

Đưa và nhận hối lộ đều là vi phạm pháp luật

Luật sư Cường cũng nêu rõ, pháp luật quy định hành vi đưa hối lộ và hành vi nhận hối lộ đều là hành vi vi phạm pháp luật. 

Theo quy định pháp luật thì hành vi đưa hối lộ được hiểu là hành vi của người (công dân) đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác (trực tiếp hoặc qua trung gian) để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ là người có lợi ích liên quan đến việc làm hay không làm của người có chức vụ, quyền hạn.

Lợi ích này có thể là lợi ích trực tiếp của người đưa hối lộ (ví dụ, để được phân nhà, được đi học, đề bạt, bổ nhiệm…) hoặc là lợi ích của người thân quen, bạn bè hoặc cũng có thể là lợi ích của một tập thể mà người đưa hối lộ là đại diện.

Hình thức đưa hối lộ rất đa dạng, có thể trực tiếp hoặc qua trung gian, dưới hình thức quà biếu, cho tặng… Tài sản hối lộ có thể là tiền, các loại tài sản khác hoặc lợi ích vật chất khác. 

Hành vi đưa hối lộ chỉ cấu thành tội phạm nếu tài sản đưa hối lộ có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên. Nếu tài sản đưa hối lộ có giá trị dưới 2.000.000 đồng, thì hành vi đưa hối lộ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần.

Tội đưa hối lộ hoàn thành từ thời điểm người đưa hối lộ đã đưa tiền, tài sản và yêu cầu người có chức vụ quyền hạn làm hoặc không làm một việc có lợi cho người đưa hối lộ (không phụ thuộc vào người có chức vụ quyền hạn có đồng ý hay không).

Trường hợp người đưa hối lộ mới chỉ yêu cầu người có chức vụ quyền hạn mà chưa đưa tiền, tài sản cụ thể thì tội phạm chỉ hoàn thành khi người có chức vụ đồng ý nhận của hối lộ đó.

Trường hợp người đưa hối lộ nhầm tưởng rằng người mà mình đưa hối lộ là người có thẩm quyền giải quyết yêu cầu của mình, nhưng trên thực tế người đó không có thẩm quyền, thì người đưa hối lộ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ (phạm tội chưa đạt).

Luật sư Cường cũng cho biết thêm, Điều 289, BLHS quy định hình phạt là phạt tù từ 1 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình tùy thuộc vào số tiền đưa hối lộ.

Ngoài bị phạt tù, người phạm tội còn có thể bị phạt bổ sung bằng tiền từ một đến năm lần giá trị của hối lộ.

Để khuyến khích việc tố giác tội nhận hối lộ, Điều 289 quy định trường hợp được coi là không có tội hoặc được miễn trách nhiệm hình sự khi người bị ép buộc đưa hối lộ chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Trong vụ việc trên, nếu việc tố cáo là có căn cứ, sự việc là có thật thì người tố cáo có thể không bị xử lý hình sự, còn người nhận hối lộ sẽ bị xử lý về tội nhận hối lộ theo quy định tại Điều 279 BLHS.



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại