Tình yêu nửa thế kỷ trong quán cóc của cặp vợ chồng U80

Phong Lan |

Không phô trương, không bàn ghế sang trọng, chỉ có diện tích hơn 5m2, quán cóc nhỏ bán nước ép nằm nép bên góc đường Hàm Long thường đông khách vào mỗi chiều khi có sự xuất hiện của hai ông bà chủ đã ở tuổi U80.

Nếu ai đã có lần vô tình đến với cửa hàng bánh mỳ và nước ép hoa quả Hoa Lan tại góc đường giao cắt giữa phố Hàm Long và phố Huế (Hoàn Kiếm, Hà Nội) ắt hẳn đều ngạc nhiên trước sự nhanh nhẹn, chu đáo phục vụ khách hàng của vợ chồng chủ quán, dù hai ông bà đều đã ở tuổi U80.

Cụ ông Vũ Công Tiến , năm nay đã 77 tuổi, và người vợ gắn bó hơn nửa thập kỷ Nguyễn Thị Bảo, 62 tuổi, vốn không phải chủ sở hữu của góc quán nhỏ này. Với diện tích chỉ hơn 5m2, đây là cửa hàng do anh Vũ Thanh – con trai hai cụ - thuê lại từ một người họ hàng từ tháng 3/2016 với chi phí 10 triệu đồng/tháng để mở quán bán bánh mỳ - nước ép hoa quả.

Cửa hàng mở từ 8h sáng đến hơn 22h khuya nhưng ông bà chỉ phụ trách trông nom từ 15h đến 17h30 hàng ngày. Dẫu vậy, công việc với hai ông bà chủ quán U80 vẫn khá bận rộn bởi đây là thời gian đông khách nhất. Hai cụ đảm nhiệm tất cả các khâu, từ sơ chế, làm món uống cho khách, đến dọn dẹp và thậm chí ship đồ cho khách ở gần.

Tình yêu nửa thế kỷ trong quán cóc của cặp vợ chồng U80 - Ảnh 1.

Dù có lương hưu nhưng vì yêu lao động, mong muốn đỡ đần con cháu, hai ông bà chủ cửa hàng Hoa Lan vẫn ngày ngày đứng quán bán bánh mỳ - nước ép ở góc đường Hàm Long. Ảnh: Quý Nguyễn.

Có tiếng là quán nước ép ngon, bổ, rẻ, mỗi ly sinh tố lớn tại cửa hàng Hoa Lan chỉ có giá 30.000 đồng, thấp hơn 50% so với mức trung bình tại khu vực quận Hoàn Kiếm. Đồ uống ở đây khá đa dạng, từ nước ép chanh leo, bưởi, ổi, dừa... tới các loại sinh tố tổng hợp như bơ-xoài, dâu tây-mãng cầu, xoài-cam...

"Chất lượng đồ uống là chính, lấy cửa khách 30.000 đồng thì phải phải làm ra sản phẩm tương xứng với đồng tiền ấy. Theo tôi thì thà lãi ít ăn nhiều lần, còn hơn ăn lãi dày một lần", cụ bà chia sẻ.

Năm đầu tiên mới kinh doanh, cửa hàng chưa có lãi nhiều, bởi chi phí mua trang thiết bị khá tốn kém. Máy xay, máy ép tại cửa hàng hoạt động liên tục nên phải thay mới 2 tháng/lần, tủ để đồ dù mới bước sang năm thứ 2 nhưng cũng đã thay tới 3 chiếc.

Hiện tại, việc kinh doanh đã đi vào ổn định, nhưng lượng khách tới không quá đông, cả ngày chỉ bán được khoảng 100 bánh mỳ que và 20 bánh mỳ lớn, nước ép hoa quả cũng tùy từng ngày. Mỗi tháng, sau khi trừ đi chi phí thuê cửa hàng, điện nước, thuê nhân viên, thuế..., lãi thu lại hơn 10 triệu đồng.

"Mỗi tháng con trai hỗ trợ hai vợ chồng tôi 4 triệu đồng, gọi là tiền bồi dưỡng bố mẹ. Nhưng chúng tôi có lương hưu, nên tiền đó chủ yếu để chi thêm các khoản phí phát sinh cho cửa hàng, tiền xăng xe đi lại, mua đồ dùng bán hàng...

Ra giúp con từ những ngày đầu, chúng tôi hiểu nghề này là phải chịu khó bởi công việc không chỉ đơn giản là điều khiển cái máy xay, đưa cho khách là xong. Công việc ở quán đôi lúc có bận rộn, vất vả nhưng cũng mang đến cho hai vợ chồng nhiều niềm vui, tiếp xúc với nhiều người nên thấy chính mình bản thân trẻ, khỏe hơn nhiều", cụ Tiến cười nói.

Tình yêu suốt hơn nửa thế kỷ của ông bà chủ quán nước

"Bố mẹ tôi tuy đã có tuổi nhưng lúc nào cũng tình cảm lắm. Hai cụ đi đâu cũng có nhau. Hàng ngày, bố vẫn tự chở mẹ ra quán, vẫn gọi nhau bằng hai tiếng "anh - em", anh Tùng, con trai thứ tư của hai cụ, chia sẻ.

Gặp nhau năm 1961 khi còn đang đi học, ông Tiến và bà Bảo kết hôn vào cuối năm 1962. Sau ngày cưới không lâu, khi vợ mang thai đứa con đầu lòng, ông Tiến nhập ngũ, làm lính kỹ thuật tại chiến trước miền Nam. Khoảng thời gian xa cách càng khiến tình yêu của cụ Tiến dành cho vợ thêm sâu đậm hơn.

"Những ngày ở chiến trường, tôi luôn nhớ về bà ấy với hình ảnh một người vợ đảm đang, hiền lành. Tôi thương bà ấy vì trong hoàn cảnh chiến tranh bao cấp thiếu thốn, vẫn luôn nuôi nấng, dạy dỗ con cái chu đáo, dù lúc đó thiếu sự có mặt của người chồng".

Tình yêu nửa thế kỷ trong quán cóc của cặp vợ chồng U80 - Ảnh 2.

Tình yêu của hai con người nên tình nghĩa vợ chồng hơn nửa thế kỷ là điều khiến bất cứ ai đến với cửa hàng này đều thấy ấm lòng. Ảnh: Quý Nguyễn.

Khi ấy, bà Bảo ở nhà làm đủ nghề để nuôi con. Ban ngày, cụ bà bán hàng cho công ty thực phẩm ở chợ hàng Da, buổi tối lại đi gọt thuê chuối xanh, khoai tây, dù tiền công làm thêm chỉ có 3 đồng một tạ. Tới tận năm 1974, ông Tiến về lại Hà Nội, làm công trong doanh nghiệp sửa chữa xe, vợ chồng mới được gần gũi nhau.

Gần 54 năm sống chung, có với nhau 5 người con, cuộc sống hôn nhân không phải lúc nào cũng êm đềm, nhưng sự tin tưởng, thấu hiểu đã giúp hai cụ cùng nhau đi trên một chặng đường dài.

"Cuộc sống thì ai cũng có xô xát, nhưng mình phải nhìn thấy được điều tốt ở nhau. Mình yêu nhau thì những bực mình đều trôi hết, chỉ còn lại những điều tốt đẹp nhất".

"Tới quán đã nhiều lần tôi không chỉ thích đồ ăn ở đây mà cách hai cụ đối xử, yêu thương nhau cũng khiến chúng tôi ngưỡng mộ. Nhìn hai cụ làm gì cũng có nhau, chăm sóc nhau...tôi thấy những người trẻ như tôi phải học hỏi, để sau bao nhiêu năm cuộc sống gia đình vẫn được như hai cụ", chị Phương Thảo, sống tại Hàng Bài, Hà Nội, một vị khách thường xuyên của quán, chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại