Tính toán của Bắc Kinh đằng sau chuyến công du của BTQP Trung Quốc trước thềm hội nghị ASEAN

Thi Anh |

Theo ông Abuza, Trung Quốc "rõ ràng đang tận dụng" thực tế rằng Mỹ đã thoái lui khỏi vị trí dẫn dắt trong các vấn đề kinh tế, an ninh của khu vực.

Thời điểm: Trước thềm hội nghị ASEAN thứ 53

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa gặp người đồng cấp Indonesia Prabowo Subianto tại Jakarta hôm nay, 8/9, chỉ một ngày sau khi hội kiến lãnh đạo Malaysia tại Kuala Lumpur, trong một nỗ lực mà SCMP cho là Bắc Kinh đang tìm cách cân bằng ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương giữa bối cảnh căng thăng tăng cao trên biển Đông.

Các chuyến thăm được thực hiện ngay trước thềm loạt hội nghị trực tuyến của ASEAN (9-12/9) mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dự kiến tham dự.

"Chuyến thăm diễn ra ngay trước hội nghị ASEAN lần thứ 53, trong bối cảnh bất mãn gia tăng với Trung Quốc về nhiều vấn đề: Đập trên sông Mekong, biển Đông và lối ngoại giao ngày càng gay gắt", Zachary Abuza - giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia (Washington, Mỹ) - nhận định.

Hôm qua, 7/9, ông Ngụy nói với Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin rằng Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các quốc gia ASEAN, bao gồm cả Malaysia, để "thỏa hiệp với nhau" nhằm duy trì hòa bình trên biển Đông. Ông Ngụy cũng nói thêm rằng bảo vệ sự ổn định trên biển Đông là trách nhiệm chung của Trung Quốc và Malaysia, Xinhua đưa tin.

Địa điểm: Malaysia và Indonesia

Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc không gây bất ngờ bởi Bắc Kinh đã tăng cường ngoại giao quân sự khắp thế giới trong vài năm trở lại đây, ông Abuza nhận định.

"Malaysia là một quốc gia quan trọng với Trung Quốc, nước này còn là một bên tiếp nhận chủ chốt đầu tư [thuộc sáng kiến Vành đai - Con đường] và các khoản đầu tư khác của Trung Quốc", ông Abuza nói.

Theo ông Abuza, Trung Quốc "rõ ràng đang tận dụng" thực tế rằng Mỹ đã thoái lui khỏi vị trí dẫn dắt trong các vấn đề kinh tế, an ninh của khu vực.

"Chúng ta [Mỹ] đã để mất tầm ảnh hưởng và đòn bẩy trong khu vực. Trung Quốc vốn đã là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết mọi quốc gia Đông Nam Á".

Malaysia thường không chỉ trích công khai hoặc lên tiếng với Trung Quốc về biển Đông bởi "đó không phải phong cách ngoại giao của Malaysia", Abuza nói.

"Điều chúng ta thấy với Malaysia là họ lên tiếng thông qua các hồ sơ pháp lý tại các cơ quan của Liên Hợp Quốc. Và nếu đọc các hồ sơ mới nhất của họ, có thể thấy [họ] rõ ràng chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc và các yêu sách của Trung Quốc", ông Abuza cho rằng Malaysia quá nhỏ để đối đầu với Trung Quốc nên nước này cố gắng sử dụng luật pháp quốc tế để hỗ trợ cho mình.

Mặc dù không vướng vào vấn đề biển Đông nhưng Indonesia lại có va chạm với Bắc Kinh về việc tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế quanh quần đảo Natuna. Jakarta cũng bác bỏ bản đồ 9 đoạn ngang ngược mà Trung Quốc đưa ra.

Tuy nhiên, Indonesia - vốn đang đối mặt với suy thoái kinh tế giữa bối cảnh số ca Covid-19 tăng cao - đã phải quay sang hãng dược phẩm Trung Quốc để đảm bảo nguồn cung loại vaccine tiềm năng của Trung Quốc, đồng thời tiếp tục chào đón các khoản đầu tư của Trung Quốc để tăng trưởng kinh tế.

Bình luận về chuyến thăm của ông Ngụy Phượng Hòa, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Malaysia Liew Chin Tong cảnh báo rằng biển Đông có thể trở thành "vùng Balkan ở khu vực này của thế giới", nơi các cường quốc có khả năng "mộng du bước vào khủng hoảng và chiến tranh" bởi không có vùng đệm giữa Mỹ và Trung Quốc.

"Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung tăng cao, không có khu vực nào khác có nguy cơ cao và dễ đem lại hậu quả cho sự trỗi dậy của Trung Quốc hơn Đông Nam Á hải đảo. Tôi vẫn luôn cho rằng Trung Quốc phải đối xử với các nước thuộc Đông Nam Á hải đảo như ưu tiên đối ngoại số 1 của mình", ông Liew nói.

"Khu vực này gần gũi với Trung Quốc về mặt địa lý nhưng các nước trong khu vực đang thận trọng đứng giữa Mỹ và Trung Quốc".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại