Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), các cuộc đàm phán bắt đầu từ năm 2002 nhưng bị đình trệ do Bắc Kinh cho rằng các quốc gia bên ngoài khu vực nên đứng bên ngoài, không nhắc trực tiếp tới Mỹ.
Các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày càng bị giằng co giữa hai cường quốc trong bối cảnh nguy cơ xảy ra đối đầu toàn diện trong khu vực gia tăng.
Trung Quốc muốn tranh thủ các nước láng giềng
Phát biểu trong hội thảo quốc tế do Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Viện Nghiên cứu Trung Quốc về Biển Đông tổ chức hôm 2/9, ông La Chiếu Huy cho rằng Mỹ là gốc rễ của các vấn đề ở biển Đông.
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, những nhận xét cứng rắn của ông La đối với Washington có thể phản tác dụng khi Bắc Kinh đang cố gắng giành sự ủng hộ từ các nước láng giềng, bởi ông này không đề xuất bất kỳ cách giải quyết nào mới cho những mối bận tâm của các nước.
Ông La Chiếu Huy, từng là đại sứ của Trung Quốc tại New Delhi, cũng nhắm vào các đồng minh và đối tác của Washington ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là những quốc gia lên tiếng ủng hộ lập trường mạnh mẽ của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Bắc Kinh về khu vực biển quan trọng này.
"Bên cạnh việc can thiệp vào biển Đông, Mỹ thành lập Bộ tứ kim cương (Quad), thể hiện chiến tuyến quay lưng với Trung Quốc," ông La nói, đề cập tới nhóm Quad gồm các nước Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và Mỹ với mục tiêu giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
"Trung Quốc không tạo rắc rối nhưng cũng không ngại rắc rối," ông La bổ sung, đáp lại lời đề nghị của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun hôm 31/8 rằng Washington sẵn sàng mở rộng nhóm Quad với các nước có cùng chí hướng.
Theo ông Biegun, Washington muốn chính thức hóa, nâng tầm quan hệ quốc phòng thân cận với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Úc, thành liên minh quân sự tương tự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo năm ngoái cũng cho biết nhóm Quad có mục tiêu đưa Trung Quốc trở lại "vị trí thích hợp".
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc phụ trách các vấn đề châu Á La Chiếu Huy. Ảnh: Weibo
Chiến thuật cứng rắn nhằm vào Mỹ ở biển Đông
Tại hội thảo, Giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Hợp tác về biển Đông của Trung Quốc tại Đại học Nam Kinh Zhu Feng cho biết, nhận xét của ông La đưa ra khi Bắc Kinh đang chịu áp lực chính trị, ngoại giao và quân sự chưa từng có từ Washington.
Ông nói: "Với cuộc bầu cử [tổng thống] của Mỹ đang tới gần, chính quyền ông Trump đang cố gây nên những căng thẳng đối với Trung Quốc để hồi sinh chiến dịch tái tranh cử, làm trầm trọng thêm nguy cơ xung đột ở biển Đông."
Căng thẳng dâng cao sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào tháng 7 tuyên bố Mỹ coi các yêu sách chủ quyền mà Bắc Kinh áp đặt trên biển Đông là phi pháp. Động thái này đánh dấu bước thay đổi đáng kể trong lập trường của chính phủ Mỹ về vấn đề biển Đông, với thách thức lớn hơn nhằm vào những yêu sách và hoạt động trái phép của Trung Quốc.
Trong những tuần gần đây, Bắc Kinh đã cố gắng chống lại các nỗ lực của Washington và củng cố thêm các mối quan hệ với các nước ở châu Á và châu Âu, giữa những lo ngại về một cuộc xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ủy viên Bộ chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Công tác ngoại vụ trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì đã tới thăm Myanmar hôm 1/9 sau chuyến thăm tới Singapore và Hàn Quốc vào tháng trước.
Tại cuộc hội thảo hôm 2/9, ông La Chiếu Huy cáo buộc Mỹ lặp đi lặp lại các hành động khiêu khích và cố gắng để các nước trong khu vực phải chọn phe giữa Bắc Kinh và Washington.
Trung Quốc quan tâm tới ASEAN nhưng liệu đã đủ?
Các nhà quan sát đồng ý rằng Trung Quốc phải đối mặt với khó khăn trong quan hệ với các nước ASEAN.
Thành viên nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) Collin Koh cho biết, các nước ASEAN cũng có thể muốn đẩy nhanh các cuộc đàm phán về quy tắc ứng xử trên biển vì "những bất ổn do đại dịch Covid-19 cùng với căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung".
Điều đó cũng có nghĩa là ASEAN có tầm quan trọng mới đối với Trung Quốc, SCMP dẫn lời chuyên gia Collin Koh.
Tuy nhiên, theo chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á tại Đại học Tế Nam, Quảng Châu Zhang Mingliang, bất chấp những lo ngại ngày càng tăng từ khu vực về chính sách đối ngoại quyết đoán của Trung Quốc, lập trường của nước này về các bất đồng trên biển vẫn không thay đổi.
"Mặc dù lời lẽ của ông La Chiếu Huy có thể làm người Trung Quốc chú ý, nhưng nó khó có thể giúp ích cho Bắc Kinh trước các cuộc đàm phán quan trọng về quy tắc ứng xử trong khu vực," ông Zhang nói, bổ sung rằng Trung Quốc chưa đủ nỗ lực để thừa nhận sự quan tâm đối với các thành viên ASEAN.
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: