Hậu phản công, Ukraine đối mặt tình thế nguy ngập
Trong màn đêm, với balô và súng trường đè nặng trên vai, một tiểu đội lính Ukraine cuốc bộ qua một con đường lầy lội để vào một ngôi nhà trong làng.
Đây là những người lính bộ binh thuộc Lữ đoàn cơ giới độc lập 117 của Ukraine. Họ tập kết để điểm danh và nhận lệnh tại vị trí cách nơi quân Nga đóng vài cây số trước khi tiến tới chiến hào tại tiền tuyến. Họ đội mũ sắt và đi ủng cao su, yên lặng lắng nghe một sĩ quan tình báo thông báo vắn tắt cho họ về lối đi mới tới công sự của mình.
Viên Phó Tiểu đoàn trưởng, sử dụng hô hiệu là Shira, đứng cạnh đó để tiễn biệt những người lính này. Ông nói với phóng viên: “Tinh thần thì vẫn ổn nhưng về thể lực, chúng tôi đã bị kiệt sức”.
Binh lính Ukraine dọc theo gần như toàn bộ chiến tuyến dài gần 1.000km đã chính thức được đặt vào chế độ phòng ngự. Chỉ có ở tỉnh Kherson (nằm về phía Nam) là họ vẫn đang tiến công đầy khó khăn khi phải vượt sông Dnipro to rộng dưới hỏa lực bắn rát của quân Nga.
Nga đã chuyển sang tấn công trên diện rộng, Trong các chiến hào quanh thị trấn Robotyne ở tỉnh Zaporizhzhia, các đơn vị lính Nga tiến hành công kích hàng ngày. Quân Ukraine phải liên tục phản kích.
Trung đội trưởng một trung đội Vệ binh quốc gia Ukraine cho hay: “Tình thế như chơi bóng bàn. Hai bên giành qua giành lại một khoảnh đất độ 100-200m”.
Trong các tuần gần đây, các binh sĩ và chỉ huy Ukraine chia sẻ với New York Times rằng tại mặt trận miền Trung và phía Đông, các đợt tấn công của Nga diễn ra với cường độ cao đến nỗi việc tác chiến gần tiền tuyến chưa bao giờ trở nên nguy hiểm đến như vậy.
Ngoài việc quen với các đợt pháo kích của Nga, các binh sĩ Ukraine cho biết, kể từ tháng 3/2023, họ còn hứng chịu thêm các đòn đánh khốc liệt bằng bom lượn - loại thiết bị nổ với trọng lượng nửa tấn thả từ máy bay và xé toang cả boong-ke.
Một lính Ukraine 27 tuổi, hô hiệu là Kit, thuộc Lữ đoàn Vệ binh Chervona Kalyna số 14 cho biết, phía Nga có sử dụng tới 8 quả bom lượn trong khoảng thời gian là một tiếng đồng hồ. Kit kể: “Cứ như là cả chiếc máy bay lao xuống bạn vậy, không khác nào cổng địa ngục”.
Sức tàn phá của bom lượn có thể thấy rõ tại các thị trấn làng mạc gần chiến tuyến.
Thị trấn Orikhiv, cách Robotyne 19km về phía Bắc. từng là trung tâm chỉ huy cho chiến dịch phản công của Ukraine vào nửa cuối năm 2023. Bây giờ nơi đây hoang vắng và đầy hố bom, hố đạn.
Nhân tố thay đổi cuộc đấu
Binh sĩ Ukraine di chuyển cẩn trọng trong khu vực này. Họ hầu hết sống trong tầng hầm và tránh để lộ dáng hình, vị trí.
Lính Ukraine buộc phải làm vậy vì mối nguy hiểm mới nhất mà họ đối mặt - UAV cảm tử góc nhìn thứ nhất (gọi tắt là FPV). Loại UAV này buộc phần lớn các quân nhân Ukraine phải bỏ xe ở khu vực tiền tuyến và chuyển sang đi bộ.
FPV vừa rẻ vừa bay nhanh, mang theo chất nổ chết người. Một binh sĩ ngồi an toàn trong một boong-ke cách đó vài kilomet sẽ điều khiển UAV này tiếp cận và lao thẳng vào mục tiêu .
Cả quân đội Nga và Ukraine đều sử dụng UAV FPV để săn lùng và tấn công các mục tiêu do quy trình rất nhanh gọn, họ không phải đợi chờ truyền tọa độ về phía sau và đề nghị bên pháo binh tấn công. Lính Ukraine cho biết, họ dùng UAV thay cho trọng pháo là vì đạn pháo hiện nay ngày càng khan hiếm, trong khi UAV lại rẻ và có khả năng tấn công nhanh. Tuy nhiên, UAV của Ukraine gặp phải một vấn đề là Nga phát ra sóng gây nhiễu rất mạnh, khiến UAV của họ không hoạt động hiệu quả.
Đối diện với UAV Nga, lính Ukraine cho biết, bây giờ việc “đi lại bằng ô tô trở nên cực kỳ nguy hiểm”.
Một lính Vệ binh Ukraine chia sẻ, quân nhân thuộc đơn vị của anh ta hồi tháng 9/2023 đã phải bỏ lại xe thiết giáp để cuốc bộ tới gần 10km tới vị trí của họ trên mặt trận.
Binh lính của Lữ đoàn 117 được triển khai tới tiến tuyến ở tỉnh Zaporizhzhia trong một đêm gần đây. Họ phải đi bộ gần 6,5km dưới mưa và qua bùn lầy.
Một đại đội trưởng Ukraine, Adolf, 23 tuổi, nêu một lý do Ukraine không thể duy trì chiến dịch phản công là hành trình khó nhọc để mang đạn dược, lương thực tiếp tế ra tuyến trước, cũng như vận chuyển thương binh về tuyến sau.
Các xe tiếp tế thường xuyên bị UAV cảm tử Nga tấn công nên đơn vị của Adolf buộc phải ngưng sử dụng xe, chuyển sang dùng một chiếc xe lôi 4 bánh tự chế.
Các đơn vị Ukraine nói rằng chính họ là bên sử dụng UAV FPV đầu tiên để tấn công đối phương, nhưng phía Nga đã nhanh chóng áp dụng chính loại UAV này để đánh lại Ukraine, trên diện rộng và với hiệu quả cao.
Người lính tên Kit nói rằng anh ta có cảm giác Nga quan tâm sử dụng UAV ở mức độ nhà nước, trong khi phía Ukraine chủ yếu trông chờ vào tình nguyện viên và các nhà quyên góp UAV để giúp quân đội.
Chiêu nghi binh chết người bằng UAV
Trung đội trưởng Planshet nói, phía Nga còn gây rối cho họ bằng cách chạy băng ghi âm tiếng súng nổ trên UAV, khiến binh lính Ukraine bên dưới tưởng mình đang bị tấn công, rời bỏ khỏi công sự và vô tình làm lộ vị trí.
Ngoài ra, trung đội này còn cho biết, phía Nga sử dụng UAV để thả lựu đạn khói lên chiến hào của họ. Một quân nhân Ukraine, hô hiệu Medic, nói rằng có vẻ đây là lựu đạn cay vì nó “gây đau dữ dội ở mắt vào tạo cảm giác như có cục than đang cháy trong cổ họng, khiến bạn không thở nổi”.
Một vài quân nhân trong trung đội này đeo mặt nạ phòng độc cho người bị ảnh hưởng, nhưng khi 2 thành viên bò ra khỏi boong-ke để tránh hơi cay thì lại tử vong do lựu đạn thả từ UAV Nga.
Binh lính Ukraine tâm sự rằng thương vong là rất lớn đối với tất cả các đơn vị dọc chiến tuyến và gần như ai cũng bị thương hoặc từng thoát chết trong gang tấc trong những tháng gần đây.
Viên chỉ huy tình báo thuộc Lữ đoàn 117 thừa nhận phía Ukraine đang thiếu nhân lực.