Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga cảnh báo vấn đề nóng: Nền kinh tế Nga đang gặp khó đến mức nào?

Duy Anh |

Nền kinh tế Nga đã sử dụng gần như tất cả các nguồn lực sẵn có.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina. Ảnh: AFP

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina. Ảnh: AFP

Cảnh báo của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga

Hãng tin Business Insider (Mỹ) tuần trước dẫn cảnh báo của Thống đốc Ngân hàng Trung ương nước này, bà Elvira Nabiullina, cho biết, nền kinh tế Nga đang "quá nóng".

Cảnh báo được đưa ra sau khi bà Elvira Nabiullina tăng lãi suất cơ bản của nước này lên 16% hôm 15/12. Bà Nabiullina chia sẻ: "Nền kinh tế Nga đang mở rộng rất nhanh bởi nó đang sử dụng gần như tất cả các nguồn lực sẵn có".

"Lạm phát cao dai dẳng là bằng chứng cho thấy nền kinh tế đã đi chệch khỏi tiềm năng và chứng minh nó thiếu năng lực để đáp ứng những nhu cầu đang tăng vọt," bà Nabiullina bổ sung.

Nga báo cáo mức tăng trưởng GDP 5,5% trong quý 3 năm nay - đảo ngược mức giảm 3,5% trong cùng kỳ năm ngoái, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của nước này đạt mức thấp kỷ lục, Business Insider nhận định là do nhiều người đã rời khỏi đất nước hoặc tham gia vào chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine.

TASS_56028861.jpg

Người dân đi bộ trên đường phố tại trung tâm thương mại Moscow City ở Nga. Ảnh: TASS

Vấn đề lạm phát ở Nga

Theo số liệu thống kê chính thức, tăng trưởng kinh tế của Nga đã thúc đẩy lạm phát lên tới 7,48% trong tháng 11/2023 - tăng từ mức 6,69% trong tháng 10.

Chính vì vậy, Ngân hàng Trung ương Nga đang tìm cách hạ nhiệt nền kinh tế bằng cách kiềm chế lạm phát thông qua việc sử dụng lãi suất cao hơn để giảm nhu cầu và hạ nhiệt giá cả. Mục tiêu lạm phát trung hạn của nước này là 4%.

"Hãy tưởng tượng nền kinh tế như một chiếc ô tô. Nếu bạn cố lái xe nhanh hơn mức cho phép của thông số kỹ thuật thì sớm hay muộn, động cơ sẽ trở nên quá nóng và chúng ta không thể đi được quãng đường dài. Có thể chúng ta sẽ đi nhanh, nhưng chỉ trong thời gian ngắn," bà Nabiullina giải thích.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga giải thích thêm: "Khi nền kinh tế quá nóng, tức là nền kinh tế thiếu nguồn lực sản xuất và lao động, việc sản xuất mặt hàng mới sẽ ngày càng khó khăn hơn và chi phí sản xuất liên tục tăng cao."

Sau khi tăng lãi suất, Ngân hàng Trung ương dự báo lạm phát sẽ giảm xuống 4-4,5% trong năm tới từ mức 7-7,5% dự kiến trong năm nay.

Tỷ lệ lạm phát của Nga là chủ đề nóng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3 ở nước này.

Trong phiên họp báo tổng kết năm 2023 với giới truyền thông và công chúng Nga hôm 14/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trực tiếp xin lỗi người dân về tình trạng giá trứng đã tăng 40% kể từ đầu năm.

Nhà kinh tế học nổi tiếng của Nga Igor Lipsits bình luận với Reuters vào tháng trước rằng "tình hình thực sự rất tồi tệ" đối với nền kinh tế nước này.

russian-roubles-146774994-dcfec7007fb94da6ac6c4737b9278dac.jpg

Những khó khăn của kinh tế Nga

Nền kinh tế Nga cho đến nay đã phát triển tốt hơn mong đợi khi đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây và sự căng thẳng của chiến dịch quân sự ở Ukraine. Năm ngoái, GDP của Nga chỉ giảm 2,1%. Năm nay dự kiến sẽ tăng 2%. Tuy nhiên, nền kinh tế Nga cũng bộc lộ nhiều điểm yếu.

Tạp chí Foreign Policy (FP) cho biết, trong những tháng đầu tiên sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, ước tính có khoảng 500.000 người đã rời khỏi Nga, nhiều người trong số đó là những công nhân có trình độ học vấn cao. Trong hơn một năm kể từ đó, con số này đã tăng lên hơn 1 triệu.

Thêm vào đó, lượng vốn lớn đã bị rút khỏi Nga. Theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Nga, lượng vốn tư nhân kỷ lục 253 tỷ USD đã bị rút khỏi Nga trong khoảng thời gian từ tháng 2/2022 đến tháng 6/2023.

Đồng ruble giảm giá trị. Báo The Moscow Times cho biết, trước năm 2014, tỷ giá đồng ruble tương đối ổn định, ở mức 32 ruble đổi 1 USD. Sau đó, đồng tiền này đã giảm một nửa giá trị vì các lệnh trừng phạt tài chính của phương Tây sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine năm 2022 sau đó đã một lần nữa khiến tỷ giá hối đoái của đồng ruble giảm mạnh, ở mức trên dưới 100 ruble đổi 1 USD.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại