Tình thế của Ukraine
Các lực lượng của Nga đã duy trì lợi thế về pháo binh kể từ khi xung đột nổ ra, tấn công vào các vị trí với tần suất gấp 3 - 4 lần so với Ukraine.
"Không giống như Ukraine, Nga không đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược vào năm 2024", Nikolay Bielieskov, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia của Kiev nhận định.
Trong khi đó, Ukraine ở tình thế đối lập khi thiếu hụt nghiêm trọng cả về lực lượng và đạn dược. Theo các chuyên gia, sự thiếu hụt này không phải là vấn đề ngắn hạn mà sẽ kéo dài ít nhất 1 năm. Do đó, các cuộc tấn công lớn của Ukraine vào năm 2024 ở thời điểm này là khó có khả năng xảy ra. Những thông điệp không mấy tích cực này được chia sẻ bởi các nhà phân tích, chỉ huy quân sự cấp cao và các đơn vị trên chiến trường.
Binh lính Ukraine khai hỏa súng cối về phía quân đội Nga ở khu vực Donetsk. Ảnh: Reuters
Gần đây, các chuyên gia quân sự nhận định với Le Monde ngày 27/10 rằng, quân đội Ukraine sẽ cạn kiệt đạn dược vào năm sau và các nước phương Tây sẽ không thể lấp đầy kho vũ khí cho tới năm 2025. Denis Yaroslavskiy - người đứng đầu cơ quan tình báo của quân đội Ukraine trước đó cảnh báo trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngày 24/10 rằng tình hình ở Kupiansk - Vuzlovyi - một tuyến đường sắt và trung tâm hậu cần của Ukraine đang "cực kỳ khó khăn".
“Cứ mỗi phút lại có các cuộc tấn công của đối phương với mục tiêu bao vây Kupiansk. Nga chịu nhiều thương vong nhưng họ nhanh chóng thay thế lực lượng. Chúng tôi không nhận thấy sức mạnh của họ suy giảm", ông Yaroslavskii nhận định.
Bảo vệ Avdiivka là mục tiêu chính của Ukraine trên mặt trận Donetsk. Tuy nhiên, tình hình không mấy tiến triển hơn so với khu vực Bakhmut gần đó, nơi mà hầu hết nguồn lực từ cuộc tấn công mùa hè đã cạn kiệt trong nỗ lực giành quyền kiểm soát thành phố này. Hơn 4 tháng trôi qua kể từ khi Ukraine bắt đầu cuộc phản công, quân đội nước này vẫn còn một khoảng cách lớn để bao vây Bakhmut - vốn là một phần chiến lược để đẩy lùi các lực lượng của Nga khỏi thành phố này.
Petro Kuzyk - chỉ huy tiểu đoàn bộ binh Svoboda của Ukraine cho biết, quân đội Nga đã áp đảo các lực lượng Ukraine về mọi thứ.
"Họ sở hữu vũ khí và thiết bị nhiều hơn", chỉ huy này cho hay. Theo ông, lợi thế duy nhất của Kiev là khả năng của các binh lính.
Chỉ huy này cũng xác nhận về những gì đang diễn ra dọc chiến trường trải dài hơn 1.000km. Ông thừa nhận, các chiến dịch chỉ đơn giản là phản ứng trước cuộc tấn công vào các vị trí bởi một cuộc tấn công toàn diện khó có khả năng xảy ra, Theo chỉ huy tiểu đoàn Svoboda, cả hai bên đều thiết lập nhiều chướng ngại vật để làm chậm cuộc tiến công của đối phương, đặc biệt là bằng các bãi mìn. Điều đó khiến cho tình trạng tiền tuyến rơi vào bế tắc.
El Pais dẫn lời các sĩ quan của Ukraine cho biết, các cuộc tấn công trực tiếp của họ nhằm xuyên thủng phòng tuyến Nga bằng xe tăng và bộ binh đã dừng lại do thương vong lớn khi họ va phải các bãi mìn. Ưu tiên hiện nay của Kiev là tăng sức ép lên những vị trí nhất định bằng các đội quân nhỏ khoảng 6 - 12 người, đồng thời tăng cường sử dụng UAV ném bom. Những chiến thuật này khiến họ khó đạt tiến triển đáng kể nhưng bù lại sẽ giúp làm giảm thương vong và tổn thất về trang thiết bị.
Chuyên gia quân sự Ryan Evans cảnh báo Ukraine chỉ còn lại 2 tuần để đạt được một số thành quả thực tế trước khi thời tiết mùa thu và mùa đông cản trở các chiến dịch quân sự. Các nhà phân tích Nga nhận định, trong 2 tuần tới, Ukraine sẽ tăng cường nỗ lực xuyên thủng phòng tuyến thứ hai của Moscow trên mặt trận Zaporizhzhia để tiến tới thành phố Tokmak.
Chỉ huy Kuzyk cho biết, mối lo ngại lớn nhất của ông là tình trạng sụt giảm nghiêm trọng đạn dược trong những tuần gần đây. Ông nhận định, đó hoặc là vấn đề thiếu vũ khí hoặc Bộ Tổng tham mưu Ukraine đang tích trữ đạn dược cho một chiến dịch tấn công lớn.
Ukraine thay đổi mục tiêu
Mục tiêu ban đầu của cuộc phản công của Ukraine là cắt đứt tuyến hậu cần nối Nga với Crimea dọc biển Azov. Cách để đạt được điều này là giải phóng thành phố Melitopol. Tuy nhiên, trong những tháng qua, Ukraine chỉ tiến được khoảng 8km trong khi Melitopolo cách các vị trí của bộ binh Ukraine gần 70km.
Kiev đã thay đổi mục tiêu vào cuối mùa hè, đó là nhắm đến Tokmak - một vị trí hậu cần quan trọng đã trở thành mục tiêu mới trong năm 2023. Tuy nhiên, các lực lượng của Kiev vẫn cách thành phố này gần 20km. Trong một tài liệu được Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) công bố ngày 19/10, nhà nghiên cứu Jack Watling nhận định "khó có khả năng một cuộc tấn công theo hướng Tokmak sẽ diễn ra vào năm 2023".
Phòng tuyến 3 lớp mà Nga xây dựng từ mùa hè năm ngoái đã chứng minh được khả năng vững vàng. Chuyên gia John Helin thuộc nhóm "Black Bird" nhấn mạnh, việc vượt qua được phòng tuyến đầu tiên ở thị trấn Robotyne không giúp Ukraine đảm bảo được điều gì bởi Nga không ngừng gây sức ép ở các sườn. Chuyên gia này cũng bác bỏ khả năng Ukraine có thể tiến tới Tokmak vào năm nay. Thay vào đó, ông cho rằng Ukraine nên mở rộng dải đất hẹp mà họ đang tiến công - hiện chỉ rộng gần 10km để tránh rủi ro bị chia cắt ở các sườn.
Mục tiêu mà cuộc phản công mong muốn đạt được trước mùa đông ngày càng trở nên phi thực tế khi thời gian trôi qua. Theo đó, một mục tiêu là giành được Tokmak và mục tiêu còn lại là giải phóng Bakhmut, người đứng đầu cơ quan tình báo của Ukraine Kyrylo Budanov cho hay ngày 12/10. Dù vậy hầu như rất ít người tin rằng mục tiêu này có thể đạt được.
Petro Burkovskyi - Giám đốc Điều hành Quỹ Sáng kiến Dân chủ Ilko Kucheriv có trụ sở tại Kiev cho rằng, "các mục tiêu trên sẽ tăng cường nhuệ khí của người dân nhưng nó không thể hoàn thành trong một vài tuần. Nó sẽ diễn ra trong 20 tuần. Điều này sẽ quyết định các chiến dịch tấn công tương lai”.
Ông Burkovskyi cũng nhấn mạnh việc tiến hành chiến dịch quân sự không phụ thuộc vào thời gian mà là các nguồn lực sẵn có. Ông chỉ ra, trong tương lai, các vũ khí mới như tiêm kích F-16 sẽ đến tay Ukraine. Sự hạn chế về không lực của Ukraine là một trong những hạn chế căn bản của Kiev trong nỗ lực giành lại các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát.
Chuyên gia Helin cảnh báo Ukraine phải dừng tin vào "các vũ khí thần kỳ" có thể thay đổi diễn biến xung đột. Các xe tăng Leopard của Đức không phải vũ khí quyết định và các tiêm kích F-16 hay tên lửa tầm xa ATACMS mà Mỹ cam kết hoặc đã cung cấp cho Ukraine cũng vậy.
Vấn đề nghiêm trọng của Ukraine và chiến thuật của Nga ở Avdiivka
Điều mà các nhà quan sát Ukraine và quốc tế đều tán thành là Ukraine đang gặp một vấn đề nghiêm trọng: thiếu đạn dược.
"Chúng ta đối mặt với sự thâm hụt đạn dược to lớn không chỉ ở Ukraine mà trên khắp thế giới", Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal thừa nhận.
Ngành công nghiệp quân sự của các nước NATO không thể đáp ứng nhu cầu của Ukraine. Chuyên gia Jack Watling thuộc RUSI ước tính Ukraine phóng trung bình 200.000 quả đạn pháo mỗi tháng, tương đương với số lượng Mỹ sản xuất trong 10 tháng.
Mykola Bielieskov - nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia tại Kiev đánh giá: "Việc sản xuất được đề ra không thể đáp ứng các nhu cầu của Ukraine cho tới nửa sau năm 2024 và đầu năm 2025". Theo ông: "Tình trạng thiếu hụt nguồn cung đạn dược quan trọng sẽ định hình tư duy chiến lược của Ukraine trong các chiến dịch mùa xuân và mùa hè năm sau".
Ông Bielieskov dự đoán, vào năm 2024, Ukraine vẫn chưa thể tiến hành các chiến dịch có thể thay đổi diễn biến cuộc xung đột. Trong khi đó, Nga có ngành công nghiệp vũ khí đã tăng cường sản xuất lên nhiều lần ở tất cả lĩnh vực.
"Mỹ và châu Âu có thể duy trì hỗ trợ cho Ukraine nhưng hiện chưa rõ liệu họ có thể cung cấp đủ cho một chiến dịch tấn công tương lai vào mùa xuân năm 2024 hay không", ông Evans nói.
Ông Helin thì giải thích rõ hơn về những gì Ukraine sẽ đối mặt với năm tới. Theo ông: "Trong 12 tháng tới, sẽ khó có thể chứng kiến một cuộc tấn công trên quy mô lớn như những gì chúng ta thấy trong mùa hè, Việc tấn công trên nhiều mặt trận từ Bakhmut tới sông Dnieper là bất khả thi".
Chuyên gia Watling nhấn mạnh, tình hình sẽ trở nên đặc biệt phức tạp với Ukraine bởi nước này phải hoàn thành 2 nhiệm vụ đối lập: một mặt giới lãnh đạo quân sự cần để cho các đơn vị nghỉ ngơi và huấn luyện tân binh. Nhưng đồng thời họ cũng phải duy trì sức ép lên đối phương. Chuyên gia Evans nhấn mạnh mục tiêu thứ hai là đặc biệt cần thiết bởi nếu không thì những điều diễn ra ở Avdiivka sẽ lặp lại.
"Chiến thuật của Nga ở Avdiivka là tiến hành các cuộc pháo kích quy mô lớn, theo sau là các cuộc tấn công bộ binh và tất cả đều được hỗ trợ bằng hỏa lực từ trên không. Đó là mối đe dọa Ukraine sẽ đối mặt năm 2024. Đó cũng là lý do tại sao Ukraine không thể duy trì sức ép trên tiền tuyến", chuyên gia Evans cho hay.
Ông Burkovskyi nhận định cả hai đội quân đều cần một khoảng nghỉ để lấy lại sức mạnh nhưng ông cho rằng chiến lược của Nga ở Avdiivka là làm cạn kiệt khả năng của binh lính Ukraine khiến họ buộc phải dừng lại.
Mùa đông có lẽ là một thời điểm tối ưu để giảm cường độ giao tranh nhưng lực lượng vũ trang Ukraine tin rằng Moscow đang tích lũy tên lửa để tiến hành chiến dịch ném bom vào mạng lưới điện và các cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này.
Các nhà phân tích đánh giá, việc Ukraine thiếu tên lửa phòng không là điều đặc biệt đáng lo ngại. Cuộc xung đột ở Trung Đông sẽ làm giảm số lượng đạn dược sẵn có cho Ukraine bởi Mỹ đang cung cấp vũ khí cho Israel và bảo vệ các căn cứ của mình trong khu vực.