Tình thế cấp bách của phương Tây khi gắng sức tiếp đạn dược cho Ukraine

Hồng Anh |

Phương Tây đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc tăng cường sản xuất đạn dược đề lấp đầy kho dự trữ và viện trợ cho Ukraine.

Sau gần 2 năm chiến đấu ác liệt, cuộc xung đột Nga-Ukraine đang bước vào giai đoạn mới với những diễn biến đáng chú ý. Hiện, cuộc chiến trên bộ của Ukraine ở khu vực phía Đông đang bế tắc nhưng sức mạnh trên không và trên biển của Nga tại Crimea cũng suy giảm đáng kể. Các khoản viện trợ mà phương Tây dành cho Ukraine trong tương lai nhiều khả năng sẽ ít hơn.

Tình thế cấp bách của phương Tây khi gắng sức tiếp đạn dược cho Ukraine- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: AP

Mùa Đông năm nay, quân đội Ukraine đã phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược trầm trọng. Theo Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), nếu vào mùa hè năm 2023, Ukraine bắn tới 7.500 viên đạn mỗi ngày, trong khi Nga chỉ sử dụng 5.000 viên, thì con số này đã thay đổi một cách đáng báo động. Quân đội Ukraine hiện chỉ sử dụng khoảng 2.000 viên mỗi ngày trong khi số lượng đạn dược mà Nga dùng cao gấp 5 lần.

Ukraine phụ thuộc khá lớn vào các đối tác phương Tây về nguồn cung cấp đạn dược. Trong 2 năm qua, nước này và các đối tác đã thu thập đạn dược từ các nguồn có sẵn để sử dụng cho những hệ thống pháo binh từ thời Liên Xô. Tuy nhiên, khi Kiev bắt đầu tiếp nhận các hệ thống vũ khí của phương Tây từ giữa năm 2022, họ buộc phải sử dụng đạn pháo cỡ nòng tiêu chuẩn NATO – loại đạn mà Ukraine chưa từng sản xuất trước đây. Trong khi đó, các quốc gia sản xuất loại đạn này không chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến pháo binh khốc liệt với nhu cầu cao như vậy.

Tình thế cấp bách của phương Tây

Trong nhiều thập kỷ, phương Tây chủ yếu chú trọng đến các loại vũ khí như bom và các phương tiện tấn công hàng không, thay vì gia tăng sản lượng đạn pháo do không lường trước được vai trò của pháo binh trong các cuộc xung đột hiện đại. NATO từng cho rằng các loại vũ khí tấn công đường không sẽ thay thế cho pháo binh.

Để có thể trụ vững trong một cuộc chiến tiêu hao, chính phủ Ukraine đang tăng cường mở rộng phạm vi sản xuất đạn pháo. Theo các dữ liệu thu thập được, ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đang gia tăng sản xuất đạn pháo 122mm và 152mm, cùng loại tên lửa có đầu đạn phân mảnh. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Chiến lược Oleksandr Kamyshin cho biết, trong năm 2024, NATO cũng sẽ tăng cường sản xuất hàng loạt đạn pháo cỡ nòng 155 mm nhưng vẫn chưa rõ điều này có đáp ứng được nhu cầu của chiến trường hay không.

Một trong những trở ngại chính cho việc mở rộng quy mô sản xuất của phương Tây là phụ thuộc đáng kể vào các linh kiện của nước ngoài và thiếu hụt chất nổ. Phương Tây cũng có thể xem xét hợp tác với Ukraine để vận hành các nhà máy sản xuất thuốc súng ở Ukraine, nhưng điều này rất nguy hiểm do mối đe dọa từ các vụ pháo kích của Nga. Ngay cả trong thời bình, việc thiết lập ngành sản xuất đạn dược cũng mất ít nhất từ 1 đến 2 năm. Với kịch bản này, Ukraine vẫn cần nguồn cung cấp đạn dược từ nước ngoài cho đến khi khôi phục dây chuyền sản xuất.

Đầu năm 2023, Liên minh châu Âu cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine 1 triệu viên đạn pháo trong vòng 12 tháng, đến tháng 3/2024. Nguồn cung dự kiến được lấy từ các kho dự trữ hiện có cũng như đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp.

Theo Bloomberg, Ukraine chỉ nhận được 30% khối lượng dự kiến trong 7 tháng, khoảng 300.000 viên đạn, được cung cấp như một phần của giai đoạn đầu. Số lượng đạn pháo này được lấy trực tiếp từ kho vũ khí của các nước thành viên EU. Nhưng mùa thu năm 2023, một số quan chức EU đã công khai thừa nhận nguy cơ không thực hiện được cam kết với Ukraine. Một số nước thành viên trong khối đã phải yêu cầu gia hạn thời gian cung cấp đạn pháo.

Bộ quốc phòng Estonia cho biết, tính đến tháng 2/2023, công suất tối đa của châu Âu là 300.000 quả đạn pháo mỗi năm. Còn công ty Nammo của Na Uy - một trong những nhà sản xuất vũ khí lớn báo cáo rằng châu Âu có thể sản xuất tới 500.000 quả đạn pháo. Theo, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen ngành công nghiệp quốc phòng có kế hoạch đạt mốc một triệu quả đạn pháo trong năm 2024.

Không phải tất cả đạn pháo được sản xuất ở châu Âu đều có thể được chuyển tới Ukraine. Một phần vẫn còn ở EU để bổ sung vào kho dự trữ của khối. Theo Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, Josep Borrell, khoảng 40% sẽ được cung cấp cho các khách hàng khác theo các hợp đồng hiện có. Việc không thực hiện các hợp đồng này sẽ dẫn đến các hình phạt và thiệt hại về danh tiếng cho các công ty quốc phòng.

Tuy vậy, có rất nhiều trở ngại đối với việc mở rộng quy mô sản xuất, trong đó, phải kể đến các vấn đề về chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu thô cao và thiếu công nhân lành nghề. Những trở ngại đó khiến ngành công nghiệp châu Âu dù đã nỗ lực gia tăng sản xuất nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của Ukraine, châu Âu và các khách hàng. Chưa kể, mâu thuẫn chính trị nội bộ trong EU cũng khiến tình hình trở nên phức tạp hơn.

Ukraine buộc phải thay chiến lược đổi mục tiêu

Nhà tài trợ chính cho Ukraine hiện vẫn là Mỹ. Kể từ khi xung đột nổ ra, Mỹ đã cung cấp hơn 2 triệu quả đạn pháo cỡ 155mm cho Kiev, chủ yếu từ kho dự trữ của nước này. Trong những tháng đầu của cuộc xung đột, Mỹ đã sản xuất được 14.000 đến 15.000 quả đạn pháo 155mm mỗi tháng. Nhưng đến cuối năm 2023, Washington đã đạt sản lượng hàng tháng là 28.000 quả.

Một trong những vấn đề đối với Mỹ là việc chế tạo đạn dược được thực hiện rải rác ở nhiều nhà máy khác nhau, từ khâu sản xuất vỏ đạn đến lắp ráp. Bên cạnh đó, nguồn cung cấp của Mỹ cho Ukraine đang chậm lại do mâu thuẫn giữa phe Dân chủ và phe Cộng hòa. Tất cả những yếu tố trên đã khiến Ukraine đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng trên chiến trường.

Trong khi đó, Nga được cho là có lợi thế vượt trội hơn so với Ukraine trong việc gia tăng kho dự trữ vũ khí và đạn pháo. Cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine cho rằng, Nga có khả năng cung cấp khoảng 2 triệu quả đạn pháo cỡ lớn, 122mm và 152mm mỗi năm. Nhưng chưa rõ con số này có bao gồm số lượng đạn dược được tân trang lại hay không. Ngoài ra, Điện Kremlin cũng cố gắng bù đắp sự thiếu hụt đạn pháo thông qua nguồn cung cấp từ các đối tác bên ngoài.

Việc thiếu hụt đạn dược và vũ khí đã buộc Ukraine phải chuyển sang thế phòng thủ. Để chống lại các cuộc tấn công của Nga trong tương lai, cũng như bảo vệ quân đội trước các đợt tập kích dữ dội của đối phương, Ukraine cần phải gia cố các chiến hào và xây dựng nhiều công sự, các đường hầm cũng như tuyến hầm ngầm. Gia tăng hoạt động phòng thủ sẽ cho phép Ukraine giữ tiền tuyến tốt hơn, tạo thuận lợi cho việc luân chuyển binh sỹ và tiết kiệm đạn dược.

Cần phải nhắc lại rằng, một trong những lý do khiến cuộc phản công mùa hè của Ukraine không đạt được kết quả đáng kể là do Nga đã xây dựng một mạng lưới công sự phòng thủ phức tạp trên khắp các vùng lãnh thổ mà nước này kiểm soát ở phía Đông và phía Nam Ukraine, với phòng tuyến Surovikin, bao gồm các hào và chướng ngại vật chống xe cộ, mìn nổ...

Thất bại trong cuộc phản công của Ukraine đã tạo tiền đề cho các cuộc tấn công mới của Nga ở miền Đông Ukraine, bắt đầu vào tháng 10/2023, tập trung chủ yếu xung quanh thành phố Avdiivka. Dù Nga chịu tổn thất lớn cả về nhân lực và phương tiện, các lực lượng của nước này vẫn tiếp tục tiến lên, giành được một số vùng lãnh thổ, đồng thời đạt được bước tiến trên nhiều khu vực của mặt trận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
ĐANG HOT

TIN NỔI BẬT SOHA

Thủ tướng Hun Manet tuyên bố "Đừng tập trung vào tàu cao tốc", Campuchia muốn có gì từ Trung Quốc?

Thủ tướng Hun Manet tuyên bố "Đừng tập trung vào tàu cao tốc", Campuchia muốn có gì từ Trung Quốc?

01/01/2025 07:05

Lô hàng thứ hai gồm 36 toa tàu chở hàng mới mua từ Trung Quốc đã đến Campuchia, nâng tổng số toa tàu được giao đến vương quốc này lên 96 toa - Royal Railway cho biết hôm 28/12.

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại

Top