Tình mẫu tử gây tranh cãi

Thiên Lý |

Vào giữa thế kỷ 20, một nhà khoa học Mỹ đã tiến hành các thí nghiệm trên loài khỉ nhằm chứng minh mối quan hệ giữa mẹ và con không đơn thuần về thực phẩm.

Dù đã cho thấy sự thật về nhu cầu được vỗ về, yêu thương của trẻ nhỏ, nhưng ông bị phê phán là đã quá tàn nhẫn với loài vật trong quá trình nghiên cứu.

Đường vào khoa học

Nhà khoa học Harry Harlow sinh ngày 31/10/1905 tại Mabel Rock, bang Iowa, với tên gọi Harry Israel, trong gia đình có bốn người con trai. Theo người viết tiểu sử của ông, Harlow là một đứa trẻ thông minh, nhưng luôn có tâm trạng buồn chán. Tuy nhiên, ông là một học sinh và sinh viên giỏi, luôn đạt thứ hạng cao trong lớp.

Sau khi học xong chương trình phổ thông, Harlow được nhận vào Đại học Stanford ở California, chuyên ngành tiếng Anh. Nhưng chỉ sau một học kỳ, chán nản với kết quả thảm hại, ông chuyển sang tâm lý học.

Tốt nghiệp, ông tiếp tục học nghiên cứu sinh và được dìu dắt bởi những nhà khoa học nổi tiếng, cụ thể như Lewis Terman, người phát triển Bài kiểm tra IQ Stanford-Binet. Chính nhà khoa học Terman đã đề nghị Harry Israel đổi tên thành Harry Harlow để tránh bị hiểu nhầm là người Do Thái.

Sau khi hoàn thành luận văn Tiến sĩ vào năm 1930, Harry Harlow tìm được công việc giảng dạy tại Đại học Wisconsin ở Madison. Trong hơn 20 năm, ông làm việc cật lực tại đây nhưng chẳng có tiếng tăm gì. Mãi đến năm 1957, ông mới nổi tiếng với nghiên cứu về tình mẫu tử.

Theo The New York Times, hầu hết các nhà khoa học vào thời điểm đó đều đồng ý rằng, mối liên hệ của trẻ sơ sinh với người mẹ chủ yếu dựa trên nhu cầu thức ăn.

Theo nhiều nhà tâm lý thời đó, những biểu lộ tình cảm gần gũi mẹ - con chỉ khiến “lây lan bệnh tật”, dẫn đến các vấn đề tâm lý của trẻ khi trưởng thành. Họ khuyên cha mẹ không nên ôm ấp con cái hoặc dỗ dành khi chúng khóc vì điều đó sẽ khiến chúng phụ thuộc quá mức vào người lớn, nảy sinh tâm lý ỷ lại sau này.

Thậm chí nhà tâm lý học hành vi nổi tiếng, John B Watson còn nói: “Khi bạn muốn cưng nựng con mình, hãy nhớ rằng tình yêu của mẹ là một công cụ nguy hiểm”. Nhưng Harry Harlow đã hoài nghi về luận điểm này. Để khám phá thêm vấn đề, ông bắt đầu một loạt các thí nghiệm với khỉ sơ sinh trong phòng thí nghiệm ở đại học Wisconsin, nơi ông giảng dạy.

Ngược đãi loài vật

Cuộc sống riêng của Harry Harlow không được êm đềm. Người vợ đầu, Clara Mears, một trong những học trò của ông, có chỉ số IQ trên 150. Họ kết hôn vào năm 1932 và ly hôn năm 1946, sau khi đã có với nhau hai người con. Sau đó, ông kết hôn với nhà tâm lý học trẻ em, Margaret Kuenne và cũng có hai người con. Margaret mắc bệnh ung thư vào năm 1967 và qua đời 4 năm sau đó. Năm 1972, ông tái hôn với Mears, chung sống với nhau cho đến khi ông qua đời năm 1981, do bệnh Parkinson.

Đầu tiên, Harlow tiến hành một thí nghiệm, trong đó ông nuôi cách ly hoàn toàn một số khỉ sơ sinh. Ông quan sát thấy những con bị cô lập tự làm tổn thương mình, đi lại không ngừng trong lồng và nhìn chằm chằm một cách vô hồn. Khi được đưa đến với những con khác, chúng không biết cách tương tác, thậm chí một số bỏ ăn và chết

Nhìn những khỉ con lo lắng giữ chặt chiếc tã vải của mình, Harlow bắt đầu phát triển giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu. Trong thí nghiệm này, ông bắt những khỉ con ra, đặt chúng với hai “bà mẹ” thay thế, một làm bằng dây kim loại và một làm bằng vải mềm.

“Mẹ dây” và “mẹ vải” được thay nhau gắn bình sữa để thu hút khỉ con theo nhu cầu thức ăn. Harlow nhận thấy những chú khỉ con dành phần lớn thời gian cho bà mẹ vải. Khi “mẹ dây” có sữa, chúng tiếp cận để bú rồi sau đó nhanh chóng quay lại với mẹ vải. Còn khi “mẹ vải” có sữa, các khỉ con đều phớt lờ “mẹ dây”.

Ngoài ra, sự hiện diện của mẹ giả cũng giúp khỉ con tự tin hơn. Khi được đặt trong một môi trường mới có “mẹ”, khỉ tỏ ra năng động, khám phá. Còn ở nơi không có “mẹ”, chúng sẽ co rúm lại vì sợ hãi, la hét liên tục.

Harlow cũng đã thử nghiệm xem nhóm cùng lứa ảnh hưởng đến khỉ con như thế nào. Ông phát hiện khi lớn lên cùng các bạn và có mẹ, chúng sẽ tương tác dễ dàng với nhau. Những con khỉ có mẹ bằng vải cũng vậy, nhưng phải mất nhiều thời gian hơn.

Qua các thí nghiệm của mình, Harry Harlow đã bác bỏ luận điểm của các nhà khoa học đương thời rằng, tiếp xúc cơ thể là không quan trọng và trẻ sơ sinh kết nối với mẹ của chúng chỉ vì mong muốn tồn tại. Thay vào đó, ông đã đề ra khái niệm “an ủi dỗ dành khi tiếp xúc”.

Các thí nghiệm của Harlow cho thấy, nếu có đủ sự vỗ về khi tiếp xúc, trẻ sơ sinh sẽ lớn lên trở thành những thành viên được điều chỉnh tốt trong xã hội. Nếu không có điều này, trẻ sẽ sợ hãi, hung hăng và kém kỹ năng xã hội.

Các thí nghiệm của ông bị một số người lên án là phi đạo đức. Họ cho rằng, bằng việc tách những con khỉ con quá sớm khỏi mẹ của chúng, Harlow đã gây ra nỗi đau tâm lý sâu sắc cho các đối tượng nghiên cứu.

Tuy nhiên, Harry Harlow xem công việc của mình là cần thiết nhằm hiểu rõ hơn về một trong những cảm xúc mạnh mẽ nhất của cuộc sống. “Tình yêu là một trạng thái kỳ diệu, sâu sắc, dịu dàng và bổ ích, là động lực lan tỏa toàn bộ cuộc sống của chúng ta”, ông phát biểu tại Hội nghị thường niên lần thứ 66 của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ vào tháng 8/1958.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại