Hạn hán nghiêm trọng khiến bức tượng Phật bằng đá lớn nhất thế giới lộ diện hoàn toàn

Minh Hằng |

Do mực nước sông xuống thấp nên bức tượng Phật cao tới 71 m tạc vào núi đá ở Trung Quốc lần đầu lộ diện hoàn toàn.

Mực nước thấp kỷ lục trong điều kiện nhiệt độ cao kéo dài và lượng mưa thấp khiến mực nước sông Đại Độ, sông Thanh Y và sông Mân ở Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, thuộc tây nam Trung Quốc đã bị giảm đáng kể.

Lạc Sơn Đại Phật nằm ở nơi hợp lưu của ba con sông này cũng bị lộ diện toàn bộ do mực nước xuống thấp.

Điều này đã thu hút nhiều du khách bởi những tảng đá dưới bức tượng cao tới 71 m đã bị nhấn chìm trong một trận lũ lụt vào năm 2020.

Theo ông Du Gaozhi, một thuyền trưởng tàu du lịch, chia sẻ, trước đây, vào mùa này, mực nước thường cao hơn 3 m. Tuy nhiên, trong hơn 10 năm làm việc tại khu vực này, ông Du Gaozhi chưa từng thấy mực nước thấp như vậy.

Bên cạnh đó, việc sông Mân thu hẹp và trở nên nông hơn cũng gây rủi ro cho tàu thuyền hoạt động.

Hạn hán nghiêm trọng khiến bức tượng Phật bằng đá lớn nhất thế giới lộ diện hoàn toàn - Ảnh 1.

Lạc Sơn Đại Phật là bức tượng Phật bằng đá lớn nhất trên thế giới. Ảnh: Shutterstock

Bức tượng Lạc Sơn Đại Phật được tạc vào vách đá Thê Loan của núi Lăng Vân và đối diện với núi Nga Mi. Đây cũng chính là bức tượng Phật bằng đá lớn nhất trên thế giới. Quá trình chế tạo bức tượng khổng lồ này kéo dài tới 90 năm, bắt đầu từ năm 713 vào thời nhà Đường.

Cao tới 71 m, bức tượng Lạc Sơn Đại Phật đặc biệt còn có phần đầu cao 14,7 m với 1.021 búi tóc, vai rộng tới 24 m, tài dài 6,7 m, hộc mắt rộng 3,3 m, lông mày dài 5,5 m và mũi cao 5,3 m. Ngoài ra, bàn chân Phật dài tới 11 m và có đủ diện tích cho hơn 100 người ngồi. Hai hộ pháp đứng canh gác hai bên của tượng Phật cũng cao khoảng 16 m, rộng 6 m, thân mặc chiến bào và tay cầm pháp khí.

Người khởi xướng xây dựng bức tượng này là nhà sư Hải Thông, với hy vọng rằng bức tượng sẽ giúp làm cho nơi hợp lưu của ba con sông ở đây chảy êm đềm, đồng thời tạo điều kiện cho tàu thuyền đi lại cũng như đảm bảo sinh kế của người dân địa phương. Lúc bấy giờ, do khu vực này có các dãy núi phong toả nên giao thông đường bộ rất bất tiện. Người dân địa phương chủ yếu dựa vào phương tiện đường thuỷ để di chuyển.

Dù được xây dựng từ năm 713 nhưng bức tượng Lạc Sơn Đại Phật sau 90 năm mới hoàn thành. Theo đó, sau khi nhà sư Hải Thông qua đời, hai đệ tử của ông đã tiếp tục cho xây dựng công trình tâm huyết và hoàn thành vào năm 803.

Sau khi xây dựng xong, nước sông ở khu vực này trở nên hiền hoà hơn. Thế nhưng các chuyên gia cho rằng nguyên nhân trực tiếp có thể là do một lượng lớn đá bị đục bỏ rơi xuống và điều này làm thay đổi dòng chảy.

Trong thời gian qua, lượng mưa ở Lạc Sơn giảm nhiều. Trước đó, từ cuối tháng 7/2022, lượng mưa ở Lạc Sơn đã ít hơn từ 40% – 80% so với cùng kỳ những năm trước. Đến nay, mực nước ở vị trí của tượng Lạc Sơn Đại Phật chỉ còn khoảng 354 m. Con số này thấp hơn gần 2 m so với mực nước trung bình vào tháng 8. Trước tình trạng này, chính quyền ở địa phương đã triển khai những biện pháp ứng phó khẩn cấp với hạn hán.

Lạc Sơn Đại Phật không phải là trường hợp duy nhất bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Vào năm 2021, do lượng mưa lớn liên tục tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, một phần của thị trấn cổ Bình Dao bị sụp đổ và hàng nghìn tòa nhà cổ cũng bị ảnh hưởng.

Lạc Sơn Đại Phật đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1996. Đây được coi là một trong những điểm tham quan hấp dẫn ở Trung Quốc. Du khách có thể chiêm ngưỡng bức tượng Phật khổng lồ cùng khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ xung quanh.

Cảnh báo khẩn vì hạn hán

Dù đang trong thời gian mùa lũ nhưng trong năm nay, Trung Quốc lại phải đối mặt với tình trạng hạn hán kéo dài bất thường và một đợt sóng nhiệt kỷ lục. Tính đến nay, hạn hán nghiêm trọng đã xảy ra ở 50 tỉnh, thành ở Trung Quốc, trong đó có cả Cao nguyên Tây Tạng.

Hạn hán nghiêm trọng khiến bức tượng Phật bằng đá lớn nhất thế giới lộ diện hoàn toàn - Ảnh 4.

Hạn hán bất thường gây ảnh hưởng lớn tới những người nông dân ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Vì sóng nhiệt kết hợp với hạn hán kéo dài nhiều ngày đã làm khô cạn nhiều phần của sông Dương Tử và hàng chục phụ lưu. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới công suất của thủy điện, đồng thời gây ra tình trạng mất điện luân phiên và nguy cơ mất mùa.

Trong bối cảnh hạn hán kéo dài như hiện nay và mực nước sông xuống thấp, các nhà máy thủy điện ở Trung Quốc không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Trên thực tế, Tứ Xuyên và một số tỉnh khác đã phải tiến hành cắt điện luân phiên và yêu cầu hạn chế về tiêu thụ điện.

Chuyên gia phân tích về nông nghiệp Even Pay cho biết: "Chúng ta đã trải qua 35 ngày liên tiếp với nắng nóng ở mức đáng báo động. Thậm chí lượng nước hiện tại còn thấp hơn lượng nước vào mùa khô trung bình. Tình thế hiện đang rất nguy cấp và mùa màng chắc chắn sẽ bị thiệt hại".

Trước tình trạng này, vào ngày 24/8, bốn cơ quan cấp bộ của Trung Quốc đã phát đi thông báo khẩn cảnh báo về việc hạn hán đe dọa nghiêm trọng tới vụ thu hoạch vào mùa thu tới. Thông báo yêu cầu chính quyền của các địa phương cần đảm bảo từng giọt nước được sử dụng thận trọng, và kêu gọi sử dụng những biện pháp canh tác, tưới tiêu để tiết kiệm nước.

Bài viết tham khảo nguồn: Theguardian, CGTN, Globaltimes, Chinatravel

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại