Theo báo cáo từ UBND tỉnh Tây Ninh, Tây Ninh có 13/20 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch Nghị quyết của HĐND tỉnh năm 2023. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - theo giá so sánh 2010) ước thực hiện 59.235 tỷ đồng, ước tăng 5,5% so với cùng kỳ (kế hoạch 2023 tăng 8% trở lên). và có xu hướng phục hồi (6 tháng đầu năm tăng 4,07%). Như vậy, tăng trưởng GRDP của Tây Ninh cao hơn mức tăng trưởng GDP của cả nước năm 2023, ước đạt 5,05%.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2023 đạt trên 11.000 tỷ đồng, đạt 100% dự toán được giao (kế hoạch năm 2023 là 11.000 tỷ đồng). Du lịch có bước phát triển khá hơn, tăng cả về lượng khách tham quan và doanh thu với 5,1 triệu lượt khách, đạt doanh thu 2.000 tỷ đồng (kế hoạch năm 2023 là 1.800 tỷ đồng).
Ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triến bền vững. Năm 2023, sản xuất nông nghiệp được duy trì ổn định, đáp ứng tiến độ mùa vụ. Tổng diện tích gieo trồng ước đạt 259.328 ha, tăng 0,6% so với cùng kỳ. Giá trị sản phẩm bình quân thu được trên 1 ha đất trồng trọt ước đạt 109 triệu đồng, tăng 3 triệu đồng so vói năm 2022.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục có tăng trưởng nhưng vẫn còn thấp, chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm ước tăng 8,9% so với cùng kỳ (kế hoạch 2023 tăng 15%), tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 36,06% (kế hoạch 2023 là 37%).
Thu hút mới đầu tư trong nước và nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu kinh tế đạt 734 triệu USD, trong đó cấp mới cho 28 dự án với vốn đầu tư 283 triệu USD, tăng vốn 36 lượt dự án với vốn tăng 454 triệu USD. Lũy kế, có 397 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế (296 dự án nước ngoài và 101 dự án trong nước) với vốn đăng ký 9.243 triệu USD và 25.437 đồng.
Kim ngạch xuất khẩu đạt 5,79 tỷ USD, đạt 83% so với kế hoạch, giảm 9,1% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 108.055 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 40.755 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ, đạt 37,4% GRDP (kế hoạch 2023 là 37%) GRDP). Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,9%, khu vực dân doanh tăng 9,0%, khu vực nhà nước tăng 3,1%. Các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh công tác huy động vốn, tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng ước cả năm đạt 65.850 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm (năm 2022 tăng 15%). Tổng dư nợ cho vay đạt 97.445 tỷ đồng, tăng 13,5%. so với đầu năm.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (giai đoạn 1 từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh) Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Tập đoàn Sun Group) đang lập báo cáo nghiên cửu tiền khả thi dự án và hồ sơ đề xuất đẩu tư dự án đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát theo phương thức đổi tác công tư (PPP).
Đánh giá khái quát về phát triển kinh tế năm 2023, UBND tỉnh Tây Ninh nhìn nhận, kinh tế tỉnh tăng trưởng ước đạt 5,5% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước nhưng chưa đạt mục tiêu kế hoạch năm 2023 của tỉnh.
Sản xuất công nghiệp có xu hướng phát triển tích cực hơn ở những tháng cuối năm, chỉ số công nghiệp ước cả năm tăng 8,9%, tăng ở các doanh nghiệp lớn trong các ngành dệt may, da giày, sản xuất săm lốp xe, sản xuất đường, sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và sản xuất thiết bị điện.
Hai năm liên tiếp, Tây Ninh tăng trưởng cao hơn mức tăng GDP cả nước
Đây là năm thứ hai liên tiếp Tây Ninh có mức tăng trưởng cao hơn GDP cả nước. Năm 2022, Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng trưởng cao 9,56% (so với mức tăng GDP cả nước là 8.02%). Giá trị tăng thêm các khu vực kinh tế đều tăng và có mức đóng góp vào tăng trưởng chung GRDP như: khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,70%, đóng góp 0,68 điểm % vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 15,02%, đóng góp 5,87 điểm %; khu vực dịch vụ tăng 9,61%, đóng góp 2,92 điểm %; các khoản thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,70% so cùng kỳ, cũng đóng góp 0,09 điểm % vào mức tăng trưởng chung.
Khi đó, so các tỉnh thành trong cả nước, Tây Ninh có tốc độ tăng trưởng GRDP xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố cả nước. So với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Ninh có tốc độ tăng trưởng xếp thứ 1/8 tỉnh thành. Xét về quy mô GRDP, Tây Ninh có quy mô GRDP xếp thứ 28/63 cả nước và xếp thứ 7/8 tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Năm 2021 - năm đại dịch, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh tăng 0,21% so với năm 2020, chỉ duy trì được tăng trưởng nhưng không đạt kế hoạch và thấp hơn nhiều so những năm gần đây.
Như vậy, vượt qua khỏi đại dịch, kinh tế Tây Ninh đã có rất nhiều khởi sắc khi có hai năm liên tiếp tăng trưởng ở mức cao và khá; duy trì mức cao hơn GDP cả nước.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh nằm trong vùng Đông Nam bộ và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam; phía Tây và Bắc giáp Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 240 km có hai cửa khẩu Quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát), 4 cửa khẩu chính, 10 cửa khẩu phụ; phía Đông giáp tỉnh Bình Dương và Bình Phước, phía Nam giáp TP Hồ Chí Minh và tỉnh Long An.
Tây Ninh có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên khá thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh hầu như không bị bão, lũ lụt, giá rét, đất đai bằng phẳng, phì nhiêu, có hồ Dầu Tiếng phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống; là cửa ngõ giao lưu thương mại, hợp tác đầu tư phát triển kinh tế với Campuchia và khu vực ASEAN, theo website Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.