Tình hình Afghanistan ngày càng bất ổn, Nga liên tiếp tập trận với các nước láng giềng Trung Á. Ảnh: TASS
Liên tiếp tập trận với các nước láng giềng Trung Á
Từ ngày 2/8, 1.500 binh sỹ Nga và Uzbekistan bắt đầu cuộc tập trận song phương ở Termez, gần biên giới Afghanistan. Tiếp đó, cả 2 nước sẽ tham gia tập trận 3 bên tại nước láng giềng Tajikistan từ 5-10/8. Cuộc tập trận có sự tham gia của 2.500 binh sỹ, trong đó có 1.800 binh sỹ Nga, và khoảng 500 thiết bị, khí tài quân sự.
Cả 2 cuộc tập trận đều diễn ra trong bối cảnh Taliban liên tiếp kiểm soát được nhiều khu vực ở miền Bắc Afghanistan trong những tuần gần đây, khiến nhiều dân thường và cả lực lượng Afghanistan chạy qua biên giới vào Tajikitsan.
Để chuẩn bị cho cuộc tập trận 3 bên tại thao trường Kharb-Maidon ở Tajikistan ngày 5/8, Nga đã điều trực thăng Mi-8 và Mi-24 từ Novosibirsk tới căn cứ không quân Gissar (còn gọi là căn cứ không quân Ayni) gần Dushanbe. Thao trường Kharb-Maidon cách biên giới Afghanistan -Tajikistan chỉ 20km.
Văn phòng báo chí của Quân khu miền Trung cho biết 4 trực thăng đã được tháo rời để vận chuyển bằng máy bay vận tải An-124 Ruslan, sau đó được lắp ráp lại ở Tajikistan. Theo kịch bản tập trận, các trực thăng này sẽ được sử dụng để đổ bộ lực lượng tấn công và hỗ trợ trên không.
Từ cuối tháng 7, Nga đã điều xe tăng tới thao trường huấn luyện Kharb-Maidon để chuẩn bị cho tập trận.
17 xe chiến đấu bộ binh mới BMP-2M cũng được điều động tới các đơn vị Nga đồn trú tại căn cứ quân sự 201 ở Tajikistan để thay thế các thiết bị, vũ khí đã lỗi thời.
Các cuộc tập trận quân sự là dấu hiệu cho thấy Nga đang rất lo ngại về mối đe doạ tiềm tàng từ Afghanistan.
Tajikistan và Afghanistan có đường biên giới chung dài 1.303km, có thể dễ dàng bị Taliban kiểm soát. Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã cảnh báo về khả năng tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trỗi dậy ở Afghanistan khi Mỹ rút quân. Đây cũng là lý do Nga đang tăng cường khả năng quân sự tại căn cứ của nước này ở Tajikistan cũng như tăng cường huấn luyện cho các lực lượng Tajikistan.
Nga tăng cường nỗ lực ngoại giao, không loại trừ hợp tác với Taliban
Bên cạnh các cuộc tập trận ở Trung Á, giới chức Nga vẫn tiếp tục các nỗ lực ngoại giao nhằm đảm bảo ổn định ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân khỏi quốc gia Nam Á này.
Afghanistan là quốc gia mà Nga, trước đây là Liên Xô, có mối quan hệ lịch sử về sự can thiệp và rút quân giai đoạn cuối những năm 1980, đầu 1990. Nga không muốn lặp lại sai lầm thời Liên Xô tại đây.
Nỗ lực của Liên Xô giai đoạn những năm 1980 nhằm tìm cách bảo vệ chính quyền cộng sản ở Kabul đã vấp phải sự phản kháng quyết liệt của các chiến binh mujahideen cả ở Afghanistan và bên ngoài, lực lượng vốn nhận được sự hỗ trợ từ Pakistan, Saudi Arabia và Mỹ. Sự sụp đổ của chính phủ ở Kabul sau đó đã dẫn đến một cuộc nội chiến vào những năm 1990, trong đó Taliban ra đời và cuối cùng nắm quyền kiểm soát hầu hết đất nước cho đến khi Mỹ triển khai chiến dịch quân sự lớn năm 2001 sau vụ tấn công khủng bố 11/9 cùng năm.
Nga ban đầu ủng hộ chiến dịch của Mỹ nhằm vào cả Taliban và Al-Qaeda. Tuy nhiên, trong hai thập kỷ kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nắm quyền Tổng thống và Thủ tướng, Điện Kremlin thường xuyên chỉ trích cách Washington xử lý xung đột ở Afghanistan.
Hiện nay, Nga can dự vào vấn đề Afghanistan qua hình thức “Troika mở rộng” gồm Mỹ, Trung Quốc và Pakistan – nước có quan hệ gần gũi nhất với Taliban trong số 4 quốc gia này.
Ngoài ra, Nga củng cố quan hệ chặt chẽ với 5 nước Trung Á, bao gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan - tất cả đều là những nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây. Trong đó, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan đã là đồng minh hiệp ước của Nga theo Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) cùng Armenia và Belarus.
Trong một cuộc phỏng vấn với Russia Today gần đây, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko đã tiết lộ về một “cuộc đối thoại bí mật” với Turkmenistan, một quốc gia trung lập cũng có biên giới với Afghanistan, trong lĩnh vực an ninh liên quan đến những mối đe dọa và thách thức chung.
Theo ông Rudenko, “tình hình ở Afghanistan đang xấu đi nhanh chóng, gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với Trung Á” và Nga “chia sẻ mối quan tâm của các nước láng giềng trong khu vực”. Nga theo dõi chặt chẽ tình hình trong khu vực và thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để tăng cường tiềm lực của các đồng minh nhằm ngăn chặn và chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài.
Còn với Afghanistan, Nga cũng đang tiến hành các cuộc tiếp xúc chính trị sâu rộng với các bên, bao gồm cả chính phủ ở Kabul và lực lượng Taliban.
Dù coi Taliban là một nhóm khủng bố từ năm 2003, nhưng chính phủ Nga nhiều năm qua vẫn có các cuộc tiếp xúc tương đối cởi mở với Taliban.
Đầu tháng 7, phái đoàn Taliban đã tới Moscow. Đây là chuyến thăm thứ 3 của lực lượng này tới Nga trong năm nay. Theo báo chí Nga, trong cuộc gặp khi đó, Taliban đã cam kết sẽ không để Afghanistan trở thành một căn cứ tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào Nga, vì lực lượng này có “mối quan hệ rất tốt đẹp” với Nga. Taliban cũng đảm bảo sẽ không xâm phạm biên giới Afghanistan-Tajikistan hay bất cứ đường biên giới nào với các nước Trung Á.
Theo ông Vladimir Dzhabarov, thành viên Hội đồng Liên bang Nga, Nga không phải là nước có mối quan hệ tiêu cực một cách công khai với Taliban như Mỹ.
“Nga sẽ hợp tác với bất cứ chính phủ hợp pháp nào của Afghanistan. Nếu Taliban trở thành chính phủ hợp pháp, Nga cũng sẽ hợp tác với họ, nhưng với điều kiện họ không có các hành động thù địch đối với Nga”, ông Dzhabarov nói./.