Chiều 20/3, Phiên họp UBND tỉnh Hải Dương tháng 3 (lần 3) do ông Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng chủ trì đã xem xét việc thành lập cụm công nghiệp Thái Tân (Nam Sách)
UBND tỉnh nhất trí với tờ trình của Sở Công thương về việc thành lập cụm công nghiệp Thái Tân và giao chủ đầu tư thực hiện dự án. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công thương phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, hoàn thiện hồ sơ thành lập cụm công nghiệp. Trong đó làm rõ căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện dự án.
Cụm công nghiệp Thái Tân thuộc địa bàn các xã Thái Tân, Nam Hồng, Hồng Phong (Nam Sách) với diện tích khoảng 75 ha. Dự án do Công ty CP Đầu tư bất động sản Toàn Cầu là chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Ngành nghề thu hút là các nhóm dự án sản xuất công nghệ cao, công nghệ sinh học, điện tử, vật liệu mới trong xây dựng; nhóm ngành sản xuất năng lượng tái tạo; nhóm ngành nghề thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp; các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, dịch vụ khác phù hợp đề án phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh. Nhà đầu tư cam kết triển khai, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật từ năm 2024 đến quý IV/2028.
"Cứ điểm" của các ông lớn FDI như Ford, Huyndai, Sumidenso, BoWay
Theo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hải Dương phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô kinh tế lớn trong cả nước; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; hệ thống đô thị phát triển xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc; đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc trung ương.
Theo quy hoạch, Hải Dương sẽ thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ngành thiết bị gia dụng, điện tử thông minh, cơ khí chế tạo, linh kiện cao cấp, tiến tới sản xuất sản phẩm cảm biến, chip quy mô lớn.
Trong năm 2023, tỉnh Hải Dương đã thu hút đầu tư nước ngoài tăng gấp 3 lần và đầu tư trong nước tăng gần 6 lần so với năm ngoái.
Cụ thể, tổng vốn đăng ký đạt 1 tỷ 136 triệu USD, tăng gấp 3,1 lần so với năm trước. Trong đó, 74 dự án được cấp mới với vốn đăng ký 990 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn 32 dự án với số vốn tăng thêm 140 triệu USD; 15 lượt góp vốn mua cổ phần với tổng giá trị góp vốn vốn 6 triệu USD. Trong đó, thu hút đầu tư nước ngoài được đánh giá là một trong những nguồn lực quan trọng giúp Hải Dương phát triển và tạo ra những giá trị khác biệt.
Toàn tỉnh Hải Dương hiện có 534 dự án FDI đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ với vốn đăng ký là hơn 10 tỷ USD; có 284 dự án nằm trong khu công nghiệp (KCN), tổng số vốn gần 6 tỷ USD.
Hàng loạt "ông lớn" FDI tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... kéo về đặt nhà máy sản xuất ô tô, điện tử tại Hải Dương, đóng góp lớn vào ngân sách tỉnh như Ford Việt Nam, Huyndai Kefico, Sumidenso, điện Jack Hải Dương, Taishodo, BoWay...