Ảnh: Báo Hậu Giang
Theo báo cáo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (viết tắt theo tiếng Anh là SCOLI) năm 2021, Trà Vinh là địa phương có chỉ số giá sinh hoạt thấp nhất cả nước, bằng 87,61% so với Hà Nội. Giá bình quân các nhóm hàng của Trà Vinh so với Hà Nội trong khoảng từ 76,58%-99,63%.
% so với Hà Nội
Nhóm nghiên cứu lý giải, các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long có chỉ số SCOLI thấp nhất cả nước trong nhiều năm nay, chỉ bằng 95,12% vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong 11 nhóm hàng chính có 8 nhóm hàng có mức giá bình quân thấp hơn mức giá bình quân của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Nguyên nhân chủ yếu do đây là vùng có địa hình bằng phẳng, điều kiện khí hậu và thủy văn thuận lợi cho việc thâm canh tăng vụ trong sản xuất nông nghiệp nên các mặt hàng lương thực, thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình có mức giá thấp.
Cụ thể: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bằng 92,57% vùng Đồng bằng sông Hồng; may mặc, mũ nón và giày dép bằng 85,52%; giao thông bằng 93,87%; nhóm giáo dục bằng 93,96%.
Trà Vinh là tỉnh duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu; phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Bến Tre có ranh giới là sông Cổ Chiên; phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Sóc Trăng có ranh giới là sông Hậu; phía Tây giáp tỉnh Vĩnh Long; phía Đông và Đông Nam giáp Biển Đông, với bờ biển dài 65km, có 2 cửa sông Định An và Cung Hầu. Trung tâm tỉnh cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 130km và cách thành phố Cần Thơ hơn 80km.
Trà Vinh có điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng; khí hậu nhiệt đới gió mùa, ít chịu ảnh hưởng bởi bão - lũ; đất đai phù sa, màu mỡ với địa hình đồng bằng và xen lẫn nhiều giồng cát, hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt rất thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản; giao thông đường thủy được kết nối giữa các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh trong khu vực.
Trước Trà Vinh, Hậu Giang từng nhiều năm giữ vị trí địa phương có chi phí sinh hoạt thấp nhất cả nước.
Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (viết tắt theo tiếng Anh là SCOLI) là chỉ tiêu thống kê quốc gia, phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá sinh hoạt giữa các vùng, địa phương trong một thời gian nhất định (thường là một năm).
Chỉ số này dùng để phân tích kết quả thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, trợ cấp khó khăn, trợ cấp lương, nghiên cứu mức sống dân cư giữa các tỉnh, các vùng, miền trong cả nước.
Đồng thời, chỉ số này cũng là cơ sở để tính Chỉ số phát triển con người (HDI), tính Tổng sản phẩm trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là GRDP) theo sức mua tương đối. Mức sống tối thiểu và điều chỉnh lương theo vùng, tính toán chi phí đầu tư, đánh giá khả năng cạnh tranh về giá, chế độ ăn, ở, công tác phí theo giá vùng. SCOLI được sử dụng để loại bỏ chênh lệch giá trong thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình giữa các vùng. Từ đó, tính toán thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình với cùng một mức giá để tính tỷ lệ hộ nghèo.