Trong một bản cập nhật tình báo ngày 29/11, Bộ Quốc phòng Anh cho biết, Nga có thể đã bắt đầu sử dụng thường xuyên hơn bom chùm RBK-500 nặng khoảng 498kg trong tháng qua.
Tùy vào phiên bản, bom chùm RBK-500 có thể mang từ 100-350 quả đạn con bên trong dưới dạng các mảnh đạn xuyên phá hoặc đạn chống tăng kích thước lớn hơn.
Bom chùm RBK-500. Ảnh: Newsweek
Bộ Quốc phòng Anh dẫn các báo cáo cho thấy, RBK-500 đã được sử dụng để chống lại lực lượng Ukraine gần các thành phố tiền tuyến phía Đông Ukraine là Vuhledar và Avdiivka. Avdiivka đã trở thành tâm điểm của các cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine trong thời gian gần đây.
Theo Bộ Quốc phòng Anh, có khả năng Nga đã tích hợp bộ thiết bị lượn có điều khiển với bom chùm RBK-500, giống như cách Moscow đã thực hiện với các loại bom thả từ trên không khác.
Việc gắn thiết bị bay lượn cho RBK-500 cho phép bom chùm được thả từ khoảng cách xa hơn so với mục tiêu, làm giảm nguy cơ bị tấn công của máy bay chiến đấu trước các hệ thống phòng không trên mặt đất của đối phương.
RBK-500 có nhiều phiên bản, trong đó phiên bản phổ biến nhất là RBK-500U, được Liên Xô giới thiệu vào những năm 1980. Đây là loại bom chùm sử dụng một lần và chứa nhiều quả bom con. Bom có chiều dài hơn 2m, đường kính dưới 45cm.
Theo Business Insider, quân đội Ukraine đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về bom lượn của Nga. Bộ Quốc phòng Anh cho rằng mặc dù loại vũ khí này nhìn chung có độ chính xác không cao, nhưng số lượng lớn đạn con được phóng ra chỉ từ một quả bom RBK-500 “có thể gây ra tác động trên diện tích vài trăm mét, làm tăng nguy cơ gây ra thiệt hại cho mục tiêu đã xác định”.
Trong cuộc xung đột đã kéo dài 21 tháng, cả Nga và Ukraine đều sử dụng bom chùm. Ukraine đã được trang bị bom chùm phóng từ mặt đất dưới dạng đạn pháo và tên lửa từ Mỹ. Washington thừa nhận loại vũ khí này gây ra rủi ro ngày càng tăng đối với dân thường, nhưng tuyên bố Ukraine đã cam kết sử dụng chúng một cách có trách nhiệm và tránh xa các khu vực đông dân cư.
Do có khả năng gây hại cho dân thường, hơn 123 quốc gia đã phê chuẩn công ước năm 2008 cấm sản xuất, sử dụng và tàng trữ loại vũ khí này. Tuy nhiên, Mỹ, Ukraine và Nga không nằm trong số những nước đã ký hiệp ước đó.