Tình báo Đan Mạch cảnh giác các hoạt động của Trung Quốc ở Bắc cực

Mỹ Trinh |

Quân đội Trung Quốc đang tăng sử dụng cớ nghiên cứu khoa học ở Bắc cực để mở đường đến khu vực này, sau khi Trung Quốc tự nhận là một “quốc gia gần Bắc cực”, theo lời báo động của tình báo Đan Mạch.

Quân đội Trung Quốc đang tăng sử dụng cớ nghiên cứu khoa học ở Bắc cực để mở đường đến khu vực này, sau khi Trung Quốc tự nhận là một “quốc gia gần Bắc cực”, theo lời báo động của tình báo Đan Mạch.

Theo Reuters ngày 29.11, Trung Quốc có tham vọng giành quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên chưa được khai thác, cũng như mở nhanh hoạt động thương mại ở “Cung đường biển phương Bắc”, còn gọi là “Con đường tơ lụa Bắc Cực”. Năm 2017, Bắc Kinh đã đưa các tuyến đường này vào chương trình Vành Đai Con Đường (BRI) do Trung Quốc xây hoặc cấp tiền để xây dựng đường sắt, đường bộ và hải cảng kết nối châu Á, châu Âu và châu Phi.

Hãng tin Anh nêu BRI nhằm củng cố quan hệ giữa Trung Quốc với phần còn lại thế giới thông qua các dự án cơ sở hạ tầng và nghiên cứu. Những năm gần đây, Trung Quốc mạnh tay đầu tư vào cuộc nghiên cứu Bắc cực. Nhưng ngày 29.11, trong báo cáo các nguy cơ hàng năm, Cơ quan tình báo Đan Mạch trong cảnh báo tình trạng đối đầu địa-chính trị nóng lên ở vùng lạnh nhất của Trái đất. Báo cáo viết: “Một cuộc đấu quyền lực đang định hình giữa Nga, Mỹ và Trung Quốc vốn làm tăng sự căng thẳng ở khu vực Bắc cực”.

Lãnh đạo cơ quan này, ông Lars Findsen nói: “Các đoàn nghiên cứu của Trung Quốc đến Bắc cực không chỉ vì khoa học, mà còn có “mục tiêu kép”. Chúng tôi đã giám sát hoạt động nghiên cứu của Trung Quốc ở Bắc cực, và chứng kiến quân đội Trung Quốc đang thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng ở vùng này”.

Ông Findsen không nêu tên các đoàn nghiên cứu có quân đội Trung Quốc tham gia, nhưng dẫn các ví dụ của những năm gần đây đã phát tín hiệu về “một diễn biến mới”.

Báo cáo cũng nêu: “Có vẻ như là một phần trong nỗ lực tìm hiểu của Trung Quốc về Bắc cực và khả năng hoạt động ở đó sẽ diễn ra với sự hợp tác giữa các nhánh dân sự và quân sự”.

Đan Mạch đã khẳng định quan tâm hàng đầu của nước này, là giữ gìn Bắc cực như một lĩnh vực hợp tác quốc tế, giải quyết bất kỳ vấn đề tiềm năng nào thông qua đàm phán giữa các nước nằm trong khu vực Bắc cực.

Nhưng Đan Mạch khó đạt mục tiêu này, nhất là khi Nga cũng đang củng cố khả năng quân sự ở Bắc cực, theo báo cáo: “Đó là một động cơ khiến nhiều quốc gia ven Bắc cực bắt đầu củng cố khả năng quân sự tại khu vực”.

Việc tranh cãi tình hình trái đất nóng dần lên và quyền tiếp cận tài nguyên của Bắc cực đã bùng lên hồi tháng 5, khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Nga hành xử hung hăng ở vùng cực này, và ông cũng nói phải theo dõi kỹ các hoạt động của Trung Quốc ở đó.

Khi dự hội nghị của Hội đồng Bắc cực ở Phần Lan ngày 6.5, ông Pompeo báo động hành vi “hung hăng” của Trung Quốc ở Bắc Cực có nguy cơ Bắc Kinh biến vùng giàu tài nguyên này trở thành “Biển Đông mới”.

Vị Ngoại trưởng Mỹ nói: “Hành xử hung hăng của Trung Quốc ở những nơi khác sẽ cho thấy cách họ đối xử với Bắc cực. Khu vực này trở thành vũ đài cạnh tranh quyền lực toàn cầu nhằm sở hữu nguồn dầu thô, khoáng sản dự trữ và nguồn cá. Bắc cực là một vùng hoang dã nhưng không có nghĩa nơi này phải trở thành một vùng phi pháp luật”.

Ông Pompeo đồng thời cảnh báo những kịch bản mà nhiều nước đã trở thành con nợ lớn của Trung Quốc, khi các nước này tham gia dự án BRI của Trung Quốc. Bên cạnh đó là nạn tham nhũng, đón nhận những vụ đầu tư chất lượng thấp, quân sự hóa và khai thác tràn lan nguồn tài nguyên tự nhiên.

Ông nói đó là những hậu quả tiềm tàng của việc cho phép Bắc Kinh gieo rắc tầm ảnh hưởng: “Liệu chúng ta có muốn biển Bắc Cực chuyển thành một Biển Đông mới, nơi mà Trung Quốc quân sự hóa và tranh giành chủ quyền lãnh thổ?”.

Vị Ngoại trưởng còn lưu ý điểm cực bắc của Trung Quốc cách Bắc Cực 1.450 km, và nói Bắc Kinh toan tính tự phong vùng đó “như một quốc gia gần Bắc cực”. Ông tuyên bố chỉ có các nước vùng Bắc Cực và các nước không thuộc Bắc Cực, không có hạng mục thứ ba kiểu “gần Bắc Cực”.

Hội đồng Bắc Cực gồm 8 nước thành viên là Mỹ, Nga, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy và Iceland. Trung Quốc có vai trò quan sát viên ở tổ chức hợp tác này từ năm 2013.

Theo ông Pompeo, Bắc Kinh đã mạnh tay đầu tư vào Bắc Cực, gần 90 tỉ USD kể từ năm 2012 đến 2017, và nhắm mục tiêu hưởng trọn lợi ích từ những ưu thế của “Cung đường Phương Bắc”, gồm kế hoạch phát triển các tuyến hàng hải đang được sử dụng nhiều nhờ sự tan băng do tình trạng trái đất nóng dần lên.

Các tuyến này sẽ cho phép tàu thủy rút ngắn hải trình giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương bằng cách đi qua vùng bắc Nga. Mỹ xem “Con đường tơ lụa Bắc Cực” của Nga -Trung là một nỗ lực giành quyền kiểm soát khu vực này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại