Lên kế hoạch chấm điểm hàng triệu công ty nước ngoài, Trung Quốc buộc các công ty "nghe lời"?

Minh Khôi |

Các chuyên gia phân tích chính sách cho rằng việc ràng buộc giữa chấm điểm công dân và doanh nghiệp sẽ là cách Trung Quốc "gây ảnh hưởng tới hành vi".

Trung Quốc sẽ thu thập dữ liệu hàng triệu công ty

Các công ty nước ngoài vốn đang gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một thực tế còn ảm đạm hơn khi Bắc Kinh đang đẩy mạnh kế hoạch thiết lập hệ thống tín nhiệm xã hội.

Thông qua kế hoạch này, chính phủ Trung Quốc sẽ thu thập và phân tích dữ liệu của hơn 1,4 tỷ người dân trong nước, cũng như tiến hành đánh giá hàng triệu công ty trong và ngoài nước.

Mục tiêu của hệ thống tín nhiệm là nhằm đảm bảo hệ thống cơ quan nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thực hiện đúng các chính sách của chính quyền trung ương. Đối với các doanh nghiệp quốc tế, hệ thống sẽ nhìn vào một loạt các thông tin, như các hợp đồng kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tính tuân thủ pháp luật và số lượng Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc đang làm việc tại những công ty này.

Thông qua nền tảng quản lý tập trung sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI), hệ thống sẽ đánh giá các công ty này về yếu tố "tín nhiệm" hay "thành thật". Các công ty rơi vào danh sách đen có thể đối mặt với một số rào cản như khó tiếp cận nguồn vay vốn chi phí thấp, thuế xuất nhập khẩu cao hơn, hay thậm chí là một số nhân vật quan trọng của doanh nghiệp sẽ bị cấm rời khỏi Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các công ty nước ngoài sẽ buộc phải giao nộp dữ liệu cho Bắc Kinh nếu được yêu cầu. Việc nhà chức trách sở hữu một lượng lớn dữ liệu và thẩm quyền trong việc đưa ra các biện pháp trừng phạt sẽ khiến Bắc Kinh có sự chủ động cần thiết trong việc buộc các công ty này phải tuân thủ pháp luật sở tại.

"Nỗi lo về hệ thống đó thực chất không nằm ở chỗ các dữ liệu bị thu thập, mà là liệu chúng có được xử lý công bằng hay không", bà Kendra Schaefer trưởng phòng nghiên cứu kỹ thuật số của hãng phân tích chính sách Trivium China, nhận định.

Cách Trung Quốc buộc các công ty chấp nhận quan điểm của mình?

Trong khi những quy định cụ thể vẫn còn đang được thảo luận, hệ thống đánh giá tín nhiệm, dự kiến sẽ chính thức được triển khai vào 2020, hiện đã được đưa vào sử dụng như một công cụ buộc các công ty nước ngoài phải chấp thuận các quan điểm của Trung Quốc đối với một số vấn đề mang tính nhạy cảm về chính trị.

Vào năm ngoái, Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc đã gửi thư tới 36 hãng hàng không quốc tế, bao gồm United, yêu cầu họ không đề cập đến Đài Loan, Hong Kong và Macau như những những lãnh thổ riêng biệt trên website của các hãng này cũng như các chiến dịch quảng bá.

"Việc không thực hiện các yêu sách này sẽ được lưu vào hồ sơ đánh giá tín nhiệm của các hãng hàng không như hành vi "không đáng tin ở mức nghiêm trọng", nội dung bức thư cho biết.

Marriott cũng gặp phải vấn đề tương tự vào năm ngoái khi gửi một khảo sát trực tuyến cho các khách hàng của tập đoàn, trong đó họ liệt kê Hong Kong, Tây Tạng, Đài Loan và Macau như các quốc gia.

Mariott sau đó đã có động thái xin lỗi và khẳng định "sự tôn trọng đối với chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc", đồng thời sẽ "phối hợp tích cực với" các cuộc điều tra của cơ quan chức năng Trung Quốc.

Bà Schaefer cho biết việc ràng buộc giữa chấm điểm công dân và doanh nghiệp sẽ là cách "chính quyền gây ảnh hưởng tới hành vi". Ví dụ, nếu một công ty bị xác định vi phạm quy định, điểm của các lãnh đạo trong công ty đó cũng sẽ bị ảnh hưởng và ngược lại.

Ngoài ra, các doanh nghiệp làm ăn với những đối tác bị chấm điểm thấp cũng sẽ khiến vị trí của họ trong hệ thống đánh giá bị rớt hạng. Điều này về lâu về dài sẽ loại các công ty thấp điểm ra khỏi chuỗi cung ứng.

Những công ty nước ngoài muốn làm ăn kinh doanh ở Trung Quốc hiện đã phải đối mặt với những quy định mơ hồ, phiền hà, thường thay đổi liên tục mà không có sự báo trước.

Thị trường Trung Quốc được biết đến với việc ưu tiên các công ty nội địa và nhà nước có chính sách trợ cấp đối với công ty nhà nước. Đây là một trong những điểm khúc mắc lớn nhất trong quá trình đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong khi đó, nhiều người dân Trung Quốc đã cảm nhận tác động của hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội thông qua một dự án thí điểm được triển khai trên 40 thành phố. Theo đó, hàng triệu người được đánh giá "không tín nhiệm" đã bị cấm sử dụng tàu hoặc máy bay kể từ khi dự án được triển khai vào 2014.

Hàng loạt camera và hệ thống nhận diện khuôn mặt được lắp đặt để thường xuyên ghi nhận hoạt động của người dân.

Trong khi vẫn còn nhiều tranh cãi về tác động của hệ thống này đối với người dân, các công ty hoạt động ở Trung Quốc đang bắt đầu có cái nhìn nghiêm túc hơn về hệ thống đánh giá tín nhiệm, khi những tập đoàn lớn của Mỹ, như Apple, Boeing, Intel và Ford đã đầu tư hàng trăm tỉ đô la vào thị trường 1,4 tỷ dân và đánh cược tương lai tăng trưởng vào thị trường này.

"Câu hỏi đặt ra là những loại dữ liệu nào các công ty này sẽ cần phải giao nộp. Hiện tại, mọi thứ vẫn đang ở giai đoạn thăm dò", Dan Ives, một chuyên gia công nghệ tại Wedbush, New York, nói về hệ thống đánh giá tín nhiệm.

"Tuy nhiên điều này tiếp tục sẽ gây áp lực lên các công ty nước ngoài khi họ cần bảo hộ tài sản trí tuệ của công ty, cũng như thông tin dữ liệu của nhân viên".

Nếu Bắc Kinh đi quá xa, "điều này có thể buộc Apple và các công ty khác tìm kiếm một địa điểm đầu tư mới", Ives nói.

David Jacobson, giáo sư tại trường Kinh doanh SMU Cox tại Dallas, cho biết các công ty Mỹ đang bị kẹt giữa các biện pháp trả đũa của Mỹ và Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại.

Đối với vấn đề tài sản trí tuệ, "nếu các công ty Mỹ chuyển tài sản trí tuệ đến Trung Quốc, họ sẽ vi phạm luật kinh doanh của Mỹ. Nhưng nếu không thực hiện, họ sẽ không được phép kinh doanh ở Trung Quốc", Jacobson nói.

Trong một tài liệu hệ thống tín nhiệm xã hội, Hội đồng quốc gia Trung Quốc khẳng định "sẽ cho phép những người đáng tin được hưởng lợi, trong khi khiến mọi thứ trở nên khó khăn đối với những người không đáng tin".

Tại cuộc họp của Hội đồng quốc gia vào tháng 6, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói:"Cần tăng cường hiệu quả của các biện pháp trừng phạt đối với những hành vi xấu gây mất niềm tin. HIện tại, mức xử phạt vi phạm các quy định là quá thấp, điều này khiến một số công ty bất chấp quy định và luật pháp để đạt lợi ích trong kinh doanh".

Trung Quốc tin rằng việc triển khai hệ thống tín nhiệm, trong đó công khai danh tính các công ty có hành vi vi phạm sẽ đạt được hiệu quả mà các biện pháp trong quá khứ không làm được.

"Hệ thống sẽ giúp tạo ra một môi trường công bằng hơn, chỉ có điều, cuộc chơi trong đó sẽ khó khăn hơn và bị kiểm soát chặt chẽ hơn", Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc nhận định trong một báo cáo vào tháng 8 vừa qua.

Jorg Wuttke, chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc đưa ra một dự báo không mấy sáng sủa: Đối với các công ty nước ngoài tại Trung Quốc, "hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội có thể là sống hoặc chết".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại