Tình báo Anh tung số liệu Nga thiệt quân nặng nề vì tấn công kiểu "biển người" - Moscow vẫn tuyên bố rắn

Hữu Hiển |

Cơ quan Tình báo Quốc phòng Anh cho biết hôm 7/10 rằng, tháng 9 vừa qua là tháng chết chóc nhất đối với quân đội Nga kể từ khi bắt đầu chiến sự ở Ukraine.

Tờ Telegraph (Anh) đưa tin, theo Cơ quan Tình báo Quốc phòng Anh, tỷ lệ thương vong trung bình của quân đội Nga đã tăng lên 1.271 binh sĩ thiệt mạng hoặc bị thương nặng mỗi ngày. Trước đây, tỷ lệ thương vong hàng ngày cao nhất đối với binh sĩ Nga là vào tháng 5/2024, với trung bình 1.262 binh sĩ thiệt mạng hoặc bị thương.

 - Ảnh 1.

Binh lính Ukraine bắn đại bác về phía các vị trí của Nga hồi 9/2024. Ảnh: Telegraph

Cơ quan Tình báo Quốc phòng Anh cho biết: "Tỷ lệ thương vong tăng kể từ tháng 5/2024 gần như chắc chắn là do việc mở rộng khu vực chiến sự, bao gồm cả các hoạt động quân sự ở Kharkiv và Kursk, và cường độ tăng lên dọc theo tiền tuyến."

Hồi tháng 5, Nga đã bất ngờ tấn công Kharkiv từ Belgorod, trong khi lực lượng của họ chịu thương vong lớn khi cố gắng đẩy lùi cuộc tấn công liên tục của Ukraine vào vùng Kursk của Nga.

Tháng 9/2024 cũng là tháng thứ năm liên tiếp mà thương vong của Nga ở mức hơn 1.000 binh sĩ mỗi ngày.

Các nhà phân tích cho biết, tỷ lệ thương vong cao có liên quan đến chiến thuật bộ binh hàng loạt của Nga, thường là các cuộc tấn công theo chiến thuật "biển người" khi một số lượng lớn binh sĩ được điều động để tấn công các vị trí phòng thủ của Ukraine.

"Tôi dự đoán Nga sẽ tiếp tục tiến về phía trước, thăm dò điểm yếu. [Tình hình] thật ảm đạm. Chúng ta [phương Tây và Ukraine] không thể mong đợi Nga sẽ tạm dừng [tấn công] trong mùa đông", cựu tùy viên quân sự Anh tại Moscow John Foreman nói.

Cơ quan Tình báo Quốc phòng Anh nói rằng Nga hiện đã mất gần 650.000 binh sĩ kể từ khi chiến sự với Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022. Thương vong trung bình từ 172 đến 559 người/ngày vào năm 2022, sau đó đạt đỉnh 967 người/ngày vào năm 2023.

"Lực lượng Nga rất có thể sẽ tiếp tục cố gắng kéo giãn lực lượng Ukraine bằng cách sử dụng số lượng đông đảo để áp đảo các vị trí phòng thủ", cơ quan này cho biết.

Theo Telegraph, trong 14 tháng qua, Nga đã đạt được những bước tiến ổn định ở miền đông Ukraine, nhưng phải trả giá đắt.

Tuần trước, Nga đã kiểm soát được thị trấn Vuhledar sau một trận chiến kéo dài bao gồm cả hai lần thất bại trước đó. Thị trấn này, từng được coi là "pháo đài", chưa bao giờ bị chiếm và đây là chiến thắng quan trọng nhất trên chiến trường Ukraine kể từ khi quân đội Nga giành quyền kiểm soát thành phố Avdiivka hồi tháng 2.

Các nhà phân tích nhận định rằng, lực lượng Nga hiện có thể sử dụng thị trấn này làm bàn đạp để tấn công các thành trì khác của Ukraine ở phía tây.

 - Ảnh 3.

Binh lính Nga nạp đạn vào pháo tự hành Pion để bắn về phía các vị trí của Ukraine tại một địa điểm không được tiết lộ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Hướng đến mục tiêu chấm dứt xung đột thay vì lệnh ngừng bắn

Khi trả lời phỏng vấn tờ Newsweek (Mỹ) được công bố hôm 7/10, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, trong hơn hai năm rưỡi sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Điện Kremlin đưa ra một kế hoạch khả thi để chấm dứt đổ máu và cải tổ kiến trúc an ninh của châu Âu.

"Nga cởi mở với một giải pháp chính trị - ngoại giao nhằm loại bỏ tận gốc nguyên nhân của cuộc khủng hoảng", ông Lavrov nói. "Nga nên hướng đến mục tiêu chấm dứt xung đột thay vì đạt được lệnh ngừng bắn."

Theo đó, kế hoạch của Nga có nghĩa là Ukraine sẽ nhượng lại các địa bàn ở Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporizhzhia mà Nga hiện kiểm soát phần lớn, vốn đã được Moscow sáp nhập sau một cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 9/2022, cũng như bán đảo Crimea được Nga sáp nhập vào năm 2014. Kyiv cũng phải đồng ý từ bỏ nỗ lực trở thành thành viên NATO và thực thi một số điều kiện khác - bị Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và những đồng minh quốc tế của ông bác bỏ, bao gồm Mỹ.

Thay vào đó, Ukraine và những đồng minh quốc tế của Kyiv yêu cầu Nga rút quân vô điều kiện, trong khi Moscow cho biết xung đột leo thang sẽ đưa NATO đến gần hơn với một cuộc đụng độ trực tiếp với Nga - quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.

"Hiện tại, theo như chúng ta thấy, khôi phục hòa bình không phải là một phần trong kế hoạch của đối thủ. [Tổng thống Ukraine] Zelensky vẫn chưa thu hồi sắc lệnh cấm đàm phán với Moscow", ông Lavrov nói. "Washington và các đồng minh NATO cung cấp hỗ trợ chính trị, quân sự và tài chính cho Kyiv để cuộc chiến có thể tiếp diễn. Họ đang thảo luận về việc cho phép AFU [Lực lượng vũ trang Ukraine] sử dụng tên lửa tầm xa của phương Tây để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. 'Đùa với lửa' theo cách này có thể dẫn đến hậu quả nguy hiểm."

Theo Newsweek, bình luận của ông Lavrov được đưa ra khi quân đội Nga tiến công trên một số mặt trận quan trọng của Ukraine mặc dù đồng thời phải đối phó với cuộc phản công của Ukraine tại tỉnh Kursk bên trong nước Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại