Sputnik dẫn nguồn báo The Sun (Anh) cho hay, các cơ quan tình báo Anh đã cáo buộc Nga muốn "biến Libya thành Syria mới" nhằm kiểm soát dòng người di cư và đẩy làn sóng tị nạn đến châu Âu, qua đó từng bước tăng cường ảnh hưởng tại phương Tây.
Một nguồn tin cấp cao trong nội bộ chính phủ Anh cho biết Moskva đang hỗ trợ Tướng Khalifa Haftar bằng cách "cung cấp các khí tài hạng nặng".
Nguồn tin trên cũng tiết lộ rằng hàng chục sĩ quan thuộc lực lượng tình báo quân đội Nga GRU và các lực lượng đặc nhiệm đã được triển khai tại khu vực miền Đông Libya, "trước hết để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và liên lạc".
Ngoài ra, bài viết trên trang The Sun còn khẳng định Nga đã thành lập và đưa vào hoạt động hai căn cứ quân sự tại các thành phố biển Tobruk và Benghazi của Libya. Các căn cứ này được đứng tên tập đoàn quân sự tư nhân Wagner nhằm che đậy các hoạt động thật sự của Nga, The Sun cho hay.
Bên cạnh đó, nguồn tin trên còn cáo buộc Nga đã chuyển các tên lửa hành trình "sát thủ" Kalibr và hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 tới Syria. Sputnik cho biết các thông tin này là thiếu cơ sở và bằng chứng xác thực.
Theo The Sun, Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ Viện Anh Tom Tugendhat đã phát biểu trước chính phủ nước này: "Việc Nga muốn mở mặt trận chống phương Tây mới tại Libya là điều rất đáng báo động, nhưng đó không phải là điều gì quá bất ngờ. Chắc chắn họ đang muốn lợi dụng con đường di cư qua châu Phi".
Ông Tugendhat đã kêu gọi chính phủ Anh có động thái đáp trả tương ứng trước hành động của Nga, với lí do rằng vấn đề Libya có liên quan đến an ninh quốc gia của Anh.
Sau khi lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011, Libya đã chìm vào nội chiến dai dẳng, với hai phe đối lập là lực lượng “Quân đội Quốc gia Libya” (LNA) của Tướng Khalifa Haftar và Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA).
Cuộc nội chiến hậu thời kỳ lãnh đạo Gadaffi đã biến Libya thành "thị trường" buôn người, cùng với đó là tình hình xã hội bất ổn đã tạo điều kiện cho các nhóm phiến quân và các tổ chức khủng bố hoành hành.
Libya cũng là cửa ngõ chính cho dòng người di cư từ khắp Bắc Phi muốn vượt qua Địa Trung Hải đến châu Âu - một trong những lí do chính của cuộc khủng hoảng nhập cư tại châu Âu trong những năm gần đây.