Vụ chấn động "ruột Chị Na da anh Khải" thì đã có Bộ Công Thương, Hải Quan, UBND TP HCM, UBND Hà Nội vào cuộc rồi. Chuyện Hoa Hậu Đại Dương thì Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn cũng ra mặt yêu cầu báo cáo rồi. Chuyện lương hưu 1,3 triệu của cô giáo mầm non 37 năm cống hiến thì Bộ trưởng Nhạ cũng đã xót xa và hứa sẽ tiếp tục đề xuất Chính Phủ xem xét tháo gỡ rồi.
Những điều chưa tốt lành đều đã được các cơ quan ban ngành vào cuộc nhanh chóng rồi.
Nhưng đó đều là những chuyện nhỏ. Những câu chuyện lớn hơn thì phải theo dõi từ nghị trường những ngày này. Nóng còn hơn cả những câu chuyện trên mạng xã hội. Và đó cũng là Tin Tốt Lành khi mà các đại biểu Quốc hội đang hoạt động tích cực hơn.
Họ đang nỗ lực chuyển đến Chính Phủ những mong mỏi của người dân. Và hơn cả, là những mệnh lệnh thay đổi!
4 tháng trước, trong cuộc thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (9/6/2017), Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong đã làm nóng nghị trường, khi thẳng thắn nêu 6 nội dung cần quan tâm trong đó có những việc mà ông gọi là "nỗi bất an của người Việt Nam". Như:
1. Tiền người dân chắt chiu gom góp trong mồ hôi, nước mắt nhưng tham nhũng nhiều, lãng phí lớn là dấu hiệu hết sức báo động
2. Theo chỉ số nợ công thì hiện mỗi người dân Việt Nam có thể gánh 1.000 USD và xu hướng còn tăng trong những năm tới.
3. Tình trạng thương mại hoá các quan hệ xã hội. Đồng tiền đã làm suy thoái, có lúc dẫn dắt cả chính sách. Trong bụng mẹ là chạy chỗ sinh đẻ, đi học phổ thông các cấp và đại học thì chạy trường, chạy lớp, chạy điểm; tuyển dụng thì chạy chỗ, chạy chức, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển; vi phạm pháp luật thì chạy truy tố, chạy án, thậm chí chạy khỏi tổ quốc, đến nơi Việt Nam chưa ký kết hiệp định dẫn độ để an thân.
4. Nhiều nơi rừng đã hết, có chỗ biển gặp sự cố môi trường nặng nề, tài nguyên khoáng sản quốc gia cho các đời sau dần cạn kiệt.
5. Chính sách trải thảm và sử dụng lao động giá rẻ, kêu gọi đầu tư nhưng thiếu trách nhiệm trong thẩm định, đánh giá dự án khiến từng bước biến Việt Nam thành điểm đến của công nghệ lạc hậu.
6. Ăn cơm thì sợ vệ sinh thực phẩm, bước ra đường thì sợ tai nạn giao thông, gặp chuyện bất bình thì không dám can thiệp.
Và những ngày này, 6 nỗi bất an ấy lại được các đại biểu Quốc Hội xới tung lên và làm nóng nó trở lại. Đặc biệt trong bối cảnh Trung Ương Đảng liên tiếp đưa ra 2 nghị quyết 18 và 19 quyết liệt với việc cải tổ- tinh gọn và thắt chặt "bầu sữa" ngân sách - biên chế. Nghị trường nóng lên không chỉ bởi những vấn đề nóng đang diễn ra mà còn bằng nhiệt huyết của từng vị đại biểu đại diện cho mỗi khu vực, phạm vi mình chuyên trách.
Như vấn đề nóng của buôn lậu qua biên giới càng nóng hơn khi đại biểu quốc hội Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) giơ túi nilon đựng những bao thuốc lá lậu mình đã mua được ở cửa khẩu sau chuyến đi thị sát "mục sở thị" của bản thân.
"Trong ba ngày đi thực tế, tôi chỉ mong có một lần được gặp các lực lượng chức năng đi kiểm tra, kiểm soát nhưng tuyệt nhiên tôi không gặp bất cứ lực lượng nào".
Rồi phá rừng, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương nói: "Nếu cứ phá rừng tan hoang rồi lãnh đạo địa phương mới đến kiểm tra, xem xét và cho ý kiến chỉ đạo và không phải chịu bất cứ hình thức kỷ luật nào thì không biết đến bao giờ lệnh đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng bao giờ mới thành hiện thực?". (đọc tin chính)
Những ý kiến gay gắt đề cập đến những vấn đề gai góc cho thấy một không khí nóng chưa từng thấy trên nghị trường bởi tâm huyết của từng vị đại biểu Quốc hội. Như đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương): "Dù phải "lấy đá ghè chân mình" thì cũng phải cải cách bộ máy vì đã đến lúc người dân không thể mãi đóng thuế để cõng cả một bộ máy hành chính cồng kềnh nhưng kém hiệu quả".
Như đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): "Quy định của các bộ là không quá bốn thứ trưởng nhưng cũng có bộ vượt lên đến chín thứ trưởng (Bộ Tài chính năm 2013 có chín thứ trưởng. Hiện bộ này còn năm thứ trưởng - PV).
"Trung ương làm được thì tỉnh làm được, tỉnh này làm được thì tỉnh kia làm được và tỉnh làm được thì xã, phường, huyện làm được. Bộ làm được thì các sở, ngành làm được. Từ đó mà cấp phó tăng nhanh không chỉ trong các cơ quan nhà nước mà kể cả cơ quan trong Đảng và đoàn thể.
Thực tế có những phòng, ban phần lớn là lãnh đạo, thậm chí là lãnh đạo mà không có nhân viên. Đáng nói là trong một thời gian dài không có cơ quan nào bị nhắc nhở hoặc bị phê bình".
Như đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM): "Khi các nghị quyết nói phải trọng dụng nhân tài nhưng thực tế lại xảy ra chuyện bổ nhiệm người thân trong thời gian dài. Nghị quyết nói phải quy trách nhiệm nhưng không thấy ai bị xử lý".
Như đại biểu Nguyễn Hồng Vân: "Người ta xây dựng nhà trái phép thì phải cưỡng chế và dỡ bỏ, còn đề bạt cán bộ sai lại "phạt cho tồn tại" thì không phù hợp và cần giải pháp mạnh hơn".
Và như đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau): "Cần xử lý cả người bổ nhiệm và người được bổ nhiệm, như vậy mới công bằng và đảm bảo tính nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước". (đọc tin chính)
Bên cạnh những vấn đề quốc gia đại sự bàn trong nghị trường thì nơi hành lang quốc hội, những vấn đề được đưa ra cũng nóng không kém. Như đòi hỏi truy cứu nguồn gốc tài sản của cựu giám đốc Sở Tài Nguyên Môi trường Yên Bái Phạm Sỹ Quý của đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (đọc tin chính).
Hay những chia sẻ của Bí thư thành uỷ Hà Nội về đề xuất với Chính Phủ cho xây dựng cơ chế tự nguyện: "Tôi tự nguyện xin nghỉ thì có cơ chế gì hỗ trợ cho tôi không, ngoài những chính sách của nhà nước. Thành phố muốn đề xuất một cơ chế kiểu như người ở lại hỗ trợ người đi ra", ông Hải cho hay. (đọc tin chính)
Hay những phản biện của Đại biểu Quốc hội - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh về đề xuất của Bộ Tài Chính đánh thuế với khoản lãi từ tiết kiệm. (đọc tin chính)
Hay như Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết liệt với vụ "Ruột Chị Na- Da anh Khải".
"Cụ thể là hành vi làm giả nhãn mác cho các sản phẩm nhập từ nước ngoài, lừa dối và gây ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng, vi phạm pháp luật ở nhiều khía cạnh khác nhau… Chúng tôi thấy đã đủ các yếu tố để cấu thành phạm phạm pháp hình sự, đặc biệt là tính chất nghiêm trọng trong lĩnh vực này.
Thứ nữa là về quy mô cũng như các mức độ của hành vi vi phạm này đã vượt quá ngưỡng xử lý vi phạm hành chính, đủ điều kiện để chuyển các cơ quan điều tra về kinh tế để làm rõ", Bộ trưởng nhấn mạnh. (đọc tin chính).
Khép lại bản Tin Tốt Lành hôm nay là một đề xuất từ đại biểu Quốc Hội về việc thay đổi giờ làm việc xuống 8h30 và giảm bớt thời gian nghỉ trưa, kéo dài công việc đến 17h. (đọc tin chính). Việc thay đổi giờ làm việc theo đề xuất trên khá hợp lý. Chỉ mong rằng các cơ quan hành chính sử dụng quỹ thời gian làm việc một cách chất lượng và hiệu quả hơn nữa thì sẽ còn tốt lành hơn nữa!