Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng không chỉ là trách nhiệm của nhà nước, các đơn vị sản xuất kinh doanh mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Thực tiễn cho thấy, khi nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển, mức độ tự do hóa thương mại ngày càng gia tăng thì càng nảy sinh nhiều vấn đề gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Công tác bảo vệ người tiêu dùng còn nhiều khó khăn
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2010. Ngày 27/10/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành. Đến nay, sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật đã từng bước đi vào cuộc sống.
Vai trò của người tiêu dùng ngày càng được khẳng định, công tác bảo vệ người tiêu dùng được quan tâm hơn.
Được coi là cánh tay nối dài của nhà nước trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bình quân Hội bảo vệ Người tiêu dùng đã giải quyết từ 1.500 - 2.000 vụ khiếu nại/năm, tỷ lệ thành công trên 80%.
Tuy nhiên, trong 10 năm thực thi, Luật đã bộc lộ nhiều hạn chế và không đáp ứng đủ nhu cầu thực tiễn xã hội như tên gọi "bảo vệ người tiêu dùng".
Trong khi đó, một số quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa rõ ràng hoặc không còn phù hợp với bối cảnh thương mại điện tử và mô hình kinh doanh trên mạng, nên công tác bảo vệ người tiêu dùng chưa thực sự phát huy hiệu quả. Quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng.
Đặc biệt, trong thời đại thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, với các hình thức mua bán trực tuyến trên các website thương mại điện tử, qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo... đã xuất hiện nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, thương mại điện tử hiện nay, các hình thức mua bán trực tuyến ngày càng thu hút người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi. Quảng cáo "khủng", "quảng cáo sai sự thật" thường xuyên diễn ra trên các website thương mại điện tử, mạng xã hội.
Tin theo những lời quảng cáo hấp dẫn đó, nhiều người lựa chọn mua hàng, dẫn đến gặp phải những thiệt hại không đáng có. Đó là: mua phải hàng hóa không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, hàng hóa không như quảng cáo, giới thiệu...
Mặt khác, khi mua hàng trên mạng, một bộ phận người tiêu dùng vẫn còn tâm lý e ngại khiếu nại, không tố giác những hành vi sai trái khi mua phải hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng, không đúng như quảng cáo..., gây nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ người tiêu dùng.
Nhiều người tiêu dùng vẫn thờ ơ với quyền lợi của mình
Tình trạng vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng hiện nay rất phổ biến trong lĩnh vực khuyến mại, quảng cáo hàng hóa không đúng sự thật. Thực tế, nhiều người bị xâm phạm quyền lợi nhưng không biết phản ánh với cơ quan, tổ chức nào, không biết địa chỉ để khiếu nại.
Lý giải cho điều này, luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, cho biết: Nhìn chung, hầu hết người tiêu dùng chưa quan tâm đúng mức 8 quyền lợi của mình trong việc tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cũng như chưa hiểu được những nghĩa vụ của mình trong việc tự bảo vệ quyền lợi của mình và lợi ích của cộng đồng.
Cũng chính vì còn thờ ơ, chưa nắm rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình nên khi xảy ra vi phạm khi mua sắm qua mạng, người tiêu dùng chưa đủ bằng chứng để bảo vệ quyền lợi của mình.
Ví dụ: người tiêu dùng mua hàng qua điện thoại, giao hàng tại nhà trả tiền, không biết người bán ở đâu; không có hoặc không giữ các bằng chứng chứng minh các vi phạm như hóa đơn, chứng từ...
Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội người tiêu dùng tỉnh Đắk Lắk, chia sẻ: Một bộ phận người tiêu dùng chưa thẳng thắn đấu tranh với những hành vi sai trái của các cơ sở, tổ chức kinh doanh gây ra khi bị xâm hại.
Một số người tiêu dùng chưa thực sự thấy được tầm quan trọng và sức mạnh của mình trong việc góp phần làm lành mạnh hóa thị trường, hạn chế các hành vi phạm của các cá nhân, tổ chức trong sản xuất, kinh doanh.
Qua các cuộc khảo sát, chỉ có khoảng 15% người tiêu dùng được đọc Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Còn lại chưa biết Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chưa biết mình có các quyền và nghĩa vụ gì để tự bảo vệ.
Do vậy các đơn thư khiếu nại gửi đến Hội và các cơ quan chức năng của nhà nước rất ít, khi đó các vụ xâm phạm của các tổ chức và cá nhân kinh doanh ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng còn tương đối phổ biến.
Trong thương mại, đặc biệt là thương mại điện tử, hơn lúc nào hết, người tiêu dùng cần phải trở thành những người tiêu dùng thông thái, nắm rõ quyền lợi, nghĩa vụ của mình, để tự bảo vệ chính mình và biết đến đúng nơi, gõ đúng cửa trong trường hợp cần thết, tránh tình trạng bị xâm phạm quyền lợi mà "không biết kêu ai".
Người tiêu dùng cần mạnh dạn phản ánh, gửi đơn thư khiếu nại các hành vi tiêu cực, lừa đảo, xâm hại quyền lợi người tiêu dùng do các cá nhân, tổ chức kinh doanh gây ra, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của chính bản thân mình.
Về phía Cơ quan Nhà nước, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương (Tổng đài Tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng:1800.6838) và các Sở Công Thương tỉnh, thành phố đều có bộ phận chuyên trách bảo vệ người tiêu dùng.
Với tư cách tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các Hội Bảo vệ người tiêu dùng từ Trung ương đến các địa phương có các Văn phòng hoặc Người phụ trách Tư vấn giải quyết khiếu nại. Địa chỉ liên hệ: TƯ Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: Tầng 18 Tòa nhà LADECO, số 266 Đội Cấn, Q.Ba Đình, Hà Nội. ĐT: 0243.227.2086. Email: hoibaoventdvn.org@gmail.com.