Hiện nay các bậc phụ huynh ngày càng chú trọng đến việc học của con. Khái niệm "đồng giáo dục tại nhà" vì thế ngày càng phổ biến, họ không phó mặc thành tích con cái cho giáo viên hay nhà trường mà sẽ đích thân kèm cặp. Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ như vậy. Có người khi nhận bài tập từ giáo viên cho rằng thầy cô đang "đổ" hết việc cho phụ huynh thay vì dốc sức cho học sinh ở lớp.
Ảnh minh họa
Một ông bố có con học lớp 3 tại trường Tiểu học Shangyin, thành phố Thấm Dương, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) mới đây lâm vào cảnh dở khóc dở cười khi bị cô giáo đuổi ra khỏi nhóm chat chung. Theo đó, tối 17/3, giáo viên chủ nhiệm nhắn vào nhóm, nhắc phụ huynh cho con xem chương trình giáo dục và viết một báo cáo khoảng 300 chữ sau khi xem chương trình đó.
Trong khi một số phụ huynh đặt câu hỏi về bài tập, ông bố này lại gửi tin nhắn vào nhóm, than thở rằng "Cha mẹ lại có thêm bài tập về nhà". Không ngờ, không lâu sau, điện thoại di động của phụ huynh nhận được tin nhắn, cho biết anh đã bị giáo viên xóa khỏi cuộc trò chuyện nhóm.
Điều này khiến vị phụ huynh hết sức hoang mang nên đã chia sẻ sự việc lên mạng. Phòng giáo dục địa phương đã vào cuộc điều tra vụ việc này và hiện đang xử lý.
Sau khi đọc những bức xúc của các phụ huynh trên, nhiều người cũng bày tỏ quan điểm: bây giờ nhiều giáo viên sẽ giao một số cái gọi là "bài tập thực hành" nhưng nhiều bài lại quá khó đối với học sinh cấp tiểu học. Cuối cùng tất cả đều đổ lên đầu phụ huynh, gây thêm phiền phức.
Ảnh minh họa
Hành vi đuổi phụ huynh ra khỏi nhóm chat cũng rất bất lịch sự và có phần trịch thượng. Thay vì trao đổi riêng với phụ huynh, cô giáo đã chọn cách ứng xử thiếu chuẩn mực nhất.
Tuy nhiên, cũng có không ít phụ huynh đứng về phía giáo viên, cho rằng "bài tập thực hành" vốn dĩ là giao cho học sinh, thao tác dù khó đến đâu cũng nên để các em tự làm. Nhưng hiện nay nhiều bậc cha mẹ có quá nhiều "ham muốn thắng thua", cái gì cũng mong con mình đứng đầu, làm thay con, từ đó rước thêm bực bội vào người.
Và đôi khi nhà trường yêu cầu một số "bài tập thực hành", giáo viên chỉ truyền đạt tin tức, phụ huynh không cần phải trút giận lên thầy cô ngay trong nhóm chung như thế.
Giáo viên nên kiểm soát độ khó của bài tập về nhà và cha mẹ cũng nên học cách "buông bỏ"
Trên thực tế, dù bài tập về nhà giúp học sinh có thời gian luyện tập và thực hành kiến thức đã được học trên lớp nhưng giáo viên cũng nên chú ý đến độ khó của nó để học sinh không cảm thấy quá áp lực, cha mẹ các em cũng không quá phiền lòng.
Nhiều phụ huynh than phiền rằng, họ không biết một cách chính xác các con được học những gì trên lớp. Chính vì thế, những bài tập về nhà sẽ giúp bố mẹ giải quyết được vấn đề này. Hơn nữa, khi con làm bài tập về nhà, bố mẹ có thể cùng tham gia để hướng dẫn cho con những chỗ vướng mắc. Việc có người hỗ trợ cũng góp phần tạo nên động lực cho trẻ.
Tuy nhiên, cha mẹ cũng nên học cách "buông bỏ", những bài tập đơn giản nên để trẻ tự làm, bất kể kết quả cuối cùng như thế nào, trẻ tự mình mới giúp các em có ý thức hơn trong việc đưa ra ý tưởng giải bài tập. Các em sẽ phát huy được tính sáng tạo, nhạy bén và có thêm động lực. Thông qua việc hoàn thành bài tập về nhà, học sinh sẽ nắm được lỗ hổng kiến thức để tự cải thiện bản thân hoặc nhờ giáo viên hỗ trợ.
Tóm lại, thầy cô và cha mẹ nên thấu hiểu và đồng hành với nhau để tạo môi trường học tập và trưởng thành tốt hơn cho trẻ, nếu cứ "ăn miếng trả miếng" thì cuối cùng con cái phải chịu thiệt thòi. Sự đồng hành nên thể hiện ở việc thầy cô và bố mẹ phát hiện những bất thường trong cách cư xử, kết quả học tập của trẻ, tích cực trao đổi với nhau để tìm nguyên nhân và giải pháp.