Trả lời VTC News chiều 22/3, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết đã nhận được thông tin cảnh báo từ Vụ Kiểm dịch Động - Thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của quốc gia này.
Tuy nhiên, đây là 30 lô hàng (tương đương 30 container, mỗi container từ 15 - 18 tấn) được Trung Quốc tổng hợp, thu thập, thống kê từ tháng 8/2022 đến nay.
“Dù số lượng hàng vi phạm không nhiều nhưng đây rõ ràng là một cảnh báo, là động thái hết sức tích cực từ thị trường Trung Quốc để các cơ quan chức năng của Việt Nam, các doanh nghiệp và người trồng sầu riêng trong nước nắm bắt, điều chỉnh kịp thời. Đặt giả sử phía nước bạn không đưa ra cảnh báo này và họ chỉ kiểm tra, trả lại hàng sau khi phát hiện thì thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều và ảnh hưởng lớn đến ngành trồng sầu riêng của nước ta”, vị này nói.
Trước mối nguy hiện hữu đã được cảnh báo, Cục Bảo vệ thực vật vừa có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Tiền Giang, Lạng Sơn, Đồng Nai, Đắk Lắk, Hà Nội và các doanh nghiệp, cơ quan liên quan thực hiện truy xuất các lô hàng sầu riêng xuất khẩu bị cảnh báo.
Các doanh nghiệp có lô hàng vi phạm phải tuân thủ nội dung quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Doanh nghiệp phải điều tra nguyên nhân, truy xuất các lô hàng bị cảnh báo, rà soát toàn bộ hồ sơ, quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu của doanh nghiệp như cung cấp hợp đồng thu gom lô hàng, danh sách cơ sở thu gom, vườn trồng cung cấp lô hàng, danh mục thuốc bảo vệ thực vật và phân bón đã sử dụng tại vườn trồng cung cấp lô hàng.
Các doanh nghiệp cần khắc phục và áp dụng các biện pháp ngăn chặn tránh tái diễn vi phạm, sau đó gửi báo cáo kết quả về Cục Bảo vệ thực vật trước ngày 1/4.
Các đơn vị thẩm tra báo cáo về nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo và biện pháp khắc phục của doanh nghiệp; rà soát điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có lô hàng bị cảnh báo theo quy định của pháp luật.
Báo cáo kết quả kèm hồ sơ liên quan cũng phải gửi về Cục Bảo vệ thực vật để có cơ sở phản hồi tới Tổng cục Hải quan Trung Quốc trước ngày 3/4, tránh việc nước nhập khẩu có các kết luận ảnh hưởng tới xuất khẩu nông sản.
Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng sầu riêng Việt Nam. Năm 2023, Trung Quốc đã chi 2,1 tỷ USD để mua 493.000 tấn sầu riêng của Việt Nam.