Tín hiệu mới ở tuyến đường sắt 11 tỷ USD, nối Hà Nội với biên giới Việt-Trung và cụm cảng số 1 miền Bắc

Thái Hà |

Tuyến đường sắt 11 tỷ USD này của Việt Nam đã được phía Trung Quốc viện trợ lập quy hoạch.

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được hỗ trợ 4 tỷ đồng

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc ngày 19/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến các ban, bộ, ngành, địa phương hai nước ký kết 14 văn kiện hợp tác. Trong đó, có Giấy Chứng nhận bàn giao Hồ sơ Kết quả dự án viện trợ Việt Nam lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mới đây cũng đã ký Quyết định số 864/QĐ-TTg về việc hỗ trợ 4 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 cho Bộ Giao thông vận tải để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng như đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về các nội dung báo cáo, đề xuất, bảo đảm đúng quy định.

Theo Bộ GTVT, việc chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt này cần thiết và cấp bách. Tháng 6/2024, Bộ GTVT có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị bố trí vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 để chuẩn bị đầu tư đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng nhằm để kịp thời triển khai ngay các thủ tục nghiên cứu cho phép đầu tư dự án.

Tín hiệu mới ở tuyến đường sắt 11 tỷ USD, nối Hà Nội với biên giới Việt-Trung và cụm cảng số 1 miền Bắc- Ảnh 1.

Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng không chỉ đóng góp vào sự phát triển của khu vực phía Bắc mà còn hỗ trợ tích cực vào sự phát triển chung của kinh tế Việt Nam. Ảnh minh họa: AI ChatGPT

Trước đó, hồi tháng 2/2024, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 57/TB-VPCP thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ đề cập đến nội dung đầu tư một số tuyến đường sắt quốc gia. Trong đó, thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan khẩn trương làm việc với phía Trung Quốc để thống nhất biên bản ghi nhớ, phương án hỗ trợ, hợp tác đầu tư về đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Trước mắt cần tập trung đầu tư các tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (phấn đấu khởi công trong năm 2025), nghiên cứu phương án sử dụng vốn vay ưu đãi nước ngoài (xác định rõ: lãi suất vay ưu đãi, giá trị vay và thời gian vay) và phương án phát hành trái phiếu để đầu tư.

Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dự kiến quy hoạch như thế nào?

Theo quy hoạch, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có khổ đường 1.435 mm, điểm đầu tại ga Lào Cai, điểm cuối tại cảng Lạch Huyện – Hải Phòng.

Dự án dài khoảng 388 km, đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) với Lào Cai (Việt Nam) dài 5,6 km; xây dựng theo hướng đông qua 8 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng; điểm kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).

Trên tuyến có 73 cây cầu lớn với tổng chiều dài hơn 130km, 25 hầm dài 25km, 38 nhà ga, trong đó xây mới 29 nhà ga. Dự kiến, tuyến đường sắt này sẽ khai thác vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 10 - 11 tỷ USD.

Tín hiệu mới ở tuyến đường sắt 11 tỷ USD, nối Hà Nội với biên giới Việt-Trung và cụm cảng số 1 miền Bắc- Ảnh 2.

Ảnh minh họa: AI ChatGPT

Dự báo năng lực vận tải trong dài hạn của tuyến là 10 triệu tấn hàng hóa/năm và khai thác 15 đôi tàu/ngày.

Trên toàn tuyến có 41 ga, trong đó 5 ga lập tàu chính gồm: Lào Cai, Yên Thường, Nam Hải Phòng, Hạ Long và Cái Lân. Trên toàn tuyến có 27 ga nhường tránh tàu; 5 ga trung gian có tác nghiệp hành khách và hàng hóa tập trung tại các trung tâm tỉnh, thành phố gồm: Yên Bái, Việt Trì, Vĩnh Phúc, Lạc Đạo, Hải Dương. Ga cảng phục vụ xếp dỡ cho các cảng bao gồm 4 ga: ga cảng Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn, Nam Đình Vũ, Đình Vũ.

Vai trò của tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng mang lại nhiều lợi ích quan trọng về kinh tế, xã hội, và giao thông cho khu vực và cả nước. 

Đầu tiên, tuyến này kết nối các vùng kinh tế trọng điểm của miền Bắc Việt Nam, giúp tăng cường giao thương giữa các tỉnh Lào Cai, Hà Nội, và Hải Phòng. Điều này thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là thương mại qua biên giới với Trung Quốc tại Lào Cai. 

Bên cạnh đó, Hải Phòng sở hữu cụm cảng biển lớn nhất miền Bắc (Lạch Huyện và Đình Vũ), từ đây hàng hóa có thể được vận chuyển qua đường biển đến nhiều thị trường quốc tế khác. Tuyến đường sắt này giúp hàng hóa từ Trung Quốc hoặc các tỉnh biên giới phía Bắc nhanh chóng được đưa ra cảng Hải Phòng để xuất khẩu, mở rộng thêm cơ hội thương mại quốc tế cho cả Việt Nam và Trung Quốc.

Tín hiệu mới ở tuyến đường sắt 11 tỷ USD, nối Hà Nội với biên giới Việt-Trung và cụm cảng số 1 miền Bắc- Ảnh 3.

Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ảnh minh họa: AI ChatGPT

Đường sắt này trong tương lai giúp điều phối luồng hàng hóa hiệu quả, tránh tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới. Hàng hóa từ Trung Quốc có thể được chuyển thẳng đến cảng Hải Phòng để xuất khẩu đi các nước khác mà không cần qua nhiều khâu trung gian, tối ưu hóa quy trình xuất khẩu. 

Việc sử dụng đường sắt cũng sẽ giúp giảm tải cho hệ thống đường bộ, đặc biệt là trên tuyến quốc lộ 5, giảm áp lực giao thông và hạn chế tai nạn giao thông, đồng thời giảm thiểu chi phí vận chuyển và bảo dưỡng đường bộ. 

Vận tải bằng đường sắt thường có chi phí thấp hơn so với đường bộ, đặc biệt là khi vận chuyển hàng hóa nặng và số lượng lớn. Điều này giúp giảm chi phí logistics và tăng cường cạnh tranh cho các doanh nghiệp của Việt Nam. 

Nhiều mặt hàng nông sản và hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam, như gạo, hoa quả, thủy sản, đồ gỗ được xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai. Đường sắt sẽ giúp bảo quản tốt hơn và duy trì chất lượng của các sản phẩm nhạy cảm với thời gian và nhiệt độ.

Tuyến này cũng đi qua các điểm du lịch nổi tiếng của Lào Cai, Hải Phòng và Hà Nội nên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong và ngoài nước di chuyển giữa các địa điểm này, góp phần phát triển du lịch cho các tỉnh mà tuyến đi qua. 

Hải Phòng hiện là một thương hiệu lớn về dịch vụ cảng biển, sở hữu hệ thống cảng biển quy mô và hiện đại nhất miền Bắc, tiếp nhận tàu trọng tải trên 145.000 tấn và kết nối trực tiếp đến các cảng biển chính ở châu Âu, châu Mỹ.

Trong đó, cảng Lạch Huyện thuộc địa phận thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng là cảng nước sâu nhất miền Bắc. Với tổng diện tích 57ha và 750m bến cầu chính đón tàu lên đến 145.000DWT, 160m bến sà lan, cảng này đã cung cấp đa dạng các dịch vụ như khai thác tàu hàng container, trung chuyển quốc tế, dịch vụ container lạnh, sửa chữa container và vận chuyển sà lan. Cảng có độ sâu trước bến 16m, vũng quay tàu rộng 660 m, độ sâu luồng tàu 14 m (chưa tính thủy triều)…

Cảng Đình Vũ nằm ở cửa sông Bạch Đằng, trên bán đảo Đình Vũ, thuộc quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Cảng Đình Vũ hiện là cảng container chuyên dụng, hiện đại của khu vực, với tổng diện tích 24 ha, chiều dài cầu cảng 425 m, chiều sâu bến bãi hơn 500 m. Bãi container có quy mô 4,6 ha, sức chứa gần 3.000 teu.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại