Báo chí góp phần tích cực phát huy tinh thần “Đồng khởi mới” tại xứ Dừa Nhiều cách làm hay của Công an xứ Dừa vì bình yên của người dân
Là tỉnh được hợp thành bởi 3 dãy cù lao (Minh, Bảo và An Hóa), nằm cuối dòng Cửu Long, được thiên nhiên ưu đãi, từ lâu, Bến Tre được mệnh danh là “xứ Dừa”, với vườn dừa hiện gần 80.000 ha – chiếm khoảng 42,5% diện tích dừa cả nước.
Dừa Bến Tre ngon hơn…
“Dừa Bến Tre ngon hơn dừa nhiều địa phương khác của cả nước” – đó là nhận xét của rất nhiều người khi đặt chân tới xứ Dừa, trực tiếp tận hưởng đặc sản chủ lực của tỉnh. Với dừa khô (thường được dùng để chế biến thực phẩm), hàm lượng chất béo trong cơm dừa nhiều hơn; còn với dừa uống nước (hiện chiếm khoảng 20% diện tích vườn dừa Bến Tre), người dùng dễ dàng nhận ra vị ngọt thanh mát, đậm đà… so với nước trái dừa được trồng ở nơi khác.
Với dân trồng dừa Bến Tre, gần như ai cũng có thể lý giải nguyên nhân của đặc điểm này. Một lão nông ở Mỏ Cày Nam chia sẻ với PV Báo CAND, không phải chỉ là câu chuyện của vùng đất được tích tụ bởi lượng phù sa giàu dinh dưỡng qua hàng trăm năm, quan trọng hơn chính là tập quán canh tác thể hiện rõ ý thức cho “đất thở” bằng cách đào mương lên liếp, hàng năm luôn vét mương, bồi bùn vào gốc dừa,… Vài năm gần đây, nhiều nông dân còn linh hoạt để vườn dừa của mình vượt qua cơn hạn – mặn khốc liệt...
Còn nhớ, đầu năm 2018, cùng với bưởi da xanh, sản phẩm dừa uống nước xiêm xanh Bến Tre đã được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Sau khi tỉnh tổ chức công bố thông tin, sản phẩm đặc sản này đã được thế giới biết đến.
Một cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, trước đây, dừa uống nước nói chung, trong đó có giống dừa xiêm xanh chỉ là cây trồng phụ, thường được bà con trồng xen trong những vườn dừa ta và vườn cây ăn trái để lấy nước giải khát hoặc chế biến món ăn. Tuy nhiên, “tiếng lành đồn xa”, nhất là khi được biết trong thành phần của nước dừa xiêm xanh có hàm lượng dinh dưỡng cao, rất có lợi cho sức khỏe con người nên nhu cầu tiêu thụ dừa uống nước ngày càng tăng. Và giờ đây, trồng dừa uống nước đã trở thành một “lối rẽ” đúng hướng của nhiều nông dân xứ Dừa.
Những bước đi bền vững
Cách nay chưa lâu, khi có thông tin vườn dừa của Bến Tre có tiềm năng lưu trữ từ 1,9 - 5,8 triệu tấn CO2 sẽ tạo ra nguồn thu nhập ổn, hàng chục ngàn hộ dân trồng dừa ở Bến Tre rất phấn khởi. Cụ thể, theo PGS.TS Lê Anh Tuấn (Đại học Cần Thơ), lượng nước ngọt và phù sa từ 4 nhánh sông Cửu Long đã nuôi dưỡng vườn dừa Bến Tre, kết hợp nắng gió dồi dào tạo điều kiện để hấp thụ carbon tốt nhất.
Sau nghiên cứu ước lượng khả năng hấp thụ CO2 của cây dừa qua sinh khối tại huyện Giồng Trôm, các nhà khoa học nhận thấy vườn dừa ở Bến Tre có khả năng hấp thụ một lượng CO2 đáng kể. Cụ thể, với 1 ha dừa ở độ 4-10 năm tuổi có khả năng hấp thụ 24,52 – 75,24 tấn CO2 (giống dừa cao) và 20,45 - 69,91 tấn CO2 (đối với giống dừa thấp). Bên cạnh dừa, Bến Tre còn có khoảng 25.000 ha vườn cây ăn trái và gần 7.000 ha rừng ngập mặn có tiềm năng về nguồn cung ứng tín chỉ carbon,... Với giá bán tín chỉ CO2 như vừa qua (thấp nhất là 5 USD/tấn), PGS.TS Lê Anh Tuấn ước tính, nếu có minh chứng, Bến Tre sẽ thu về 9,75 - 29,25 triệu USD. Tất nhiên, để điều đó thành hiện thực, có nhiều việc Bến Tre phải làm.
Không phải chỉ niềm vui khi… “nằm ngủ” cũng có tiền nhờ bán tín chỉ carbon, nông dân xứ Dừa còn đang rất phấn khởi khi dừa trái đã được xuất khẩu đến Mỹ - thị trường khó tính nhất thế giới.
Trước đó, phía Mỹ đã tiến hành phân tích nguy cơ dịch hại đối với dừa tươi của Việt Nam và nhận định, 43 loài dịch hại trên cây dừa được xác định không loài nào có khả năng đi theo dừa non tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ. Từ kết quả này, Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS - thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ) cho rằng các nhà sản xuất Việt Nam có thể bắt đầu xuất khẩu dừa thương phẩm (đã cắt gọt vỏ) sang Mỹ “ngay lập tức”. Xác định dừa thương phẩm là sản phẩm đã qua chế biến nên APHIS yêu cầu chỉ kiểm dịch duy nhất một lần đối với các lô dừa nhập khẩu vào quốc gia này…
Theo PGS.TS Lâm Văn Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre, dừa xiêm xanh là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng, có ý nghĩa truyền thống, lịch sử đã được người dân xứa Dừa gìn giữ, nhân giống, bảo tồn và phát triển từ xưa đến nay.
Hiện dừa xiêm xanh Bến Tre được xuất sang thị trường nhiều nước, trong đó có 2 thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, việc mở rộng xuất khẩu chính ngạch vào 2 thị trường vừa kể đã tạo động lực lớn cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia vào đăng ký xây dựng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói đạt chuẩn xuất khẩu, mở ra tương lai rất tươi sáng cho ngành dừa của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung.
“Nắm bắt xu thế lạc quan vừa kể, thời gian qua, Bến Tre đẩy nhanh tiến độ xây dựng chuỗi giá trị dừa, phát triển sản xuất dừa hữu cơ, xây dựng mã số vùng trồng, tạo vùng nguyên liệu lớn, đáp ứng nhu cầu chế biến và xuất khẩu cho các doanh nghiệp. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh duy trì và phát triển 20.000 ha dừa hữu cơ, 2.000 ha dừa tươi được cấp mã vùng trồng”, ông Lâm Văn Tân thông tin thêm.
Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, từ dừa, tỉnh thu về hơn 400 triệu USD mỗi năm. “Nhằm phát huy lợi thế về tiềm năng của cây dừa, một trong những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện về xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và tăng cường đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và biến dừa gắn với nhu cầu tiêu thụ trong nước và thị trường quốc tế. Trong thời gian tới tỉnh cũng sẽ xúc tiến đầu tư và có nhiều hội thảo chuyên đề về xây dựng tín chỉ carbon dừa để nhằm nắm bắt cơ hội mới trong việc thương mại hóa tín chỉ carbon cho ngành dừa”, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre thông tin thêm.
Theo ông Cao Văn Dũng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/1/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre, đến nay, toàn tỉnh có 68 Tổ hợp tác (THT), 78 HTX (tăng 29 HTX so với trước ban hành Nghị quyết), 4 tổ liên kết (TLK) tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Trong đó, chuỗi dừa có 32 THT, 34 HTX tham gia vùng sản xuất gắn với chuỗi giá trị dừa với tổng diện tích đạt gần 13.300 ha với 6.556 thành viên. Tỉnh đã xây dựng vùng sản xuất dừa gần 24.150 ha (30,2% diện tích dừa toàn tỉnh). Tổng diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ hiện trên 19.200 ha, trong đó diện tích đạt chứng nhận hơn 13.200 ha. Đến nay tỉnh đã cấp 6 mã vùng trồng nội địa cho dừa với diện tích hơn 520 ha; xây dựng thí điểm vùng sản xuất dừa tập trung…
Đối với chuỗi bưởi da xanh, toàn tỉnh hiện có 18 HTX, 7 THT và 4 TLK sản xuất, hình thành 30 liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm với tổng diện tích vùng sản xuất tập trung đạt gần 510 ha, tổng sản lượng tiêu thụ khoảng 7.000 tấn/năm. Đã cấp 29 vùng trồng xuất khẩu bưởi da xanh (78 mã) với diện tích gần 400 ha; 6 mã nội địa với diện tích gần 90 ha. Diện tích bưởi da xanh đạt chứng nhận VietGAP của tỉnh hiện gần 330 ha, với gần 760 hộ tham gia. Xây dựng mô hình thí điểm vùng sản xuất bưởi da xanh với diện tích 60,8 ha (hầu hết đạt chứng nhận VietGAP) và thực hiện liên kết với một doanh nghiệp, sản lượng liên kết tiêu thụ khoảng 500 tấn/năm.