Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore hôm nay cho biết tăng trưởng GDP quý II của Singapore giảm 3,4% so với quý I, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2012, ngược với dự đoán tăng 0,5% do các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg đưa ra. Tăng trưởng GDP quý I của Singapore là 3,8%.
Nếu so với cùng kỳ năm 2018, tăng trưởng GDP quý II chỉ tăng 0,1%, tệ nhất kể từ quý II/2009.
Tương tự như kinh tế Hàn Quốc – đã thu hẹp trong quý I, Singapore được coi là điềm báo cho lực cầu thế giới do kinh tế nước này phụ thuộc nhiều vào thương mại. Thông tin trên được công bố không lâu trước khi Trung Quốc ra số liệu thương mại cuối ngày 12/7 và GDP quý II vào ngày 15/7 – dự kiến cũng thể hiện sự suy giảm.
“Singapore là chim hoàng yến trong mỏ than, rất nhạy cảm với thương mại”, Chua Hak Bin, kinh tế gia tại Maybank Kim Eng Research Pte, Singapore, nói. Số liệu cho thấy “nguy cơ giảm tốc sâu rộng ở châu Á”.
Hoạt động sản xuất tại châu Á và châu Âu trong tháng 6 đều giảm, chỉ tăng nhẹ ở Mỹ. Châu Á là động lực tăng trưởng của thế giới, đóng góp hơn 60% GDP toàn cầu, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Rob Subbaraman, trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại Nomura, có cùng quan điểm. Ông cho rằng “số phận các nền kinh tế còn lại ở châu Á không ổn”.
Ảnh: Reuters.
Sự tích hợp phức tạp của Singapore vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu khiến quốc gia này dễ bị tổn thương khi tăng trưởng toàn cầu chững lại và chiến tranh thương mại xảy ra. Xuất khẩu đã “hứng đòn” trong vài tháng qua với lượng hàng xuất trong tháng 5 giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2013.
“Nguy cơ suy thoái về mặt kỹ thuật là có thật”, theo Chua.
Ngoài căng thẳng thương mại, xu hướng công nghệ đang dần nguội lạnh cũng gây sức ép lên triển vọng của Singapore.
Khoảng 40% hàng xuất khẩu là mạch tích hợp, Tuuli Cully, phụ trách các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương tại Scotiabank, Singapore, nói. “Xu hướng giảm trong lĩnh vực bán dẫn toàn cầu được thể hiện nhiều nhất ở Singapore”.
Ngoài xuất khẩu, sản xuất của Singapore trong quý II cũng giảm 6% so với quý I, xây dựng giảm 7,6% sau khi tăng 13,3% trong quý I, lĩnh vực dịch vụ công nghiệp giảm 1,5%.
Sự suy giảm này có thể khiến ngân hàng trung ương Singapore (MAS) phải hành động. MAS sử dụng tỷ giá hối đoái làm công cụ chính và thắt chặt chính sách hai lần trong năm ngoái và không điều chỉnh hồi tháng 4.
“Nếu xảy ra suy thoái vào tháng 10 và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không thể kết thúc, MAS sẽ phải nới lỏng chính sách tiền tệ”, theo Chua.
Chính phủ Singapore ước tính tăng trưởng kinh tế năm nay là 1,5 – 2,5%, thấp hơn so với 3,1% năm 2018. Tuy nhiên, mục tiêu này có thể được điều chỉnh vào tháng 8, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing cho biết.
Chuyên gia Tamara Henderson của Bloomberg nhận định nếu quan hệ thương mại Mỹ - Trung không có tiến triển, nửa cuối năm sẽ là khoảng thời gian còn khó khăn hơn đối với Singapore.