Tăng trưởng sẽ không theo kịp mức tăng thâm hụt ngân sách của Mỹ
Trong số những người dự đoán suy thoái kinh tế ở Mỹ, 1/5 số người được hỏi 21 % tin rằng cuộc suy thoái kinh tế tại Mỹ sẽ bắt đầu vào năm 2019 và 50% cho rằng cuộc suy thoái vào năm 2020.
Báo cáo Spring Investment Barometer của J.P Morgan, công bố vào thứ 5, đã tiến hành khảo sát hơn 700 khách hàng cá nhân trên khắp châu Âu và Trung Đông. Các cá nhân siêu giàu thường là những người có tài sản tài chính sẵn sàng để đầu tư đạt hơn 30 triệu USD, và siêu giàu được định nghĩa là có tài sản hơn 1 triệu USD.
Các dự đoán bi quan này có thể gây ngạc nhiên cho một số người, khi nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng mạnh, thu nhập doanh nghiệp tăng cao và tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong 17 năm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế gần đây nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ năm 2018 lên 2,9%.
Anthony Collard của Morgan, người phụ trách đầu tư tại Vương quốc Anh và Bắc Âu, cho biết dù rằng giới siêu giàu đang có những quan ngại về triển vọng kinh tế Mỹ, ngân hàng này không nhận thấy dấu hiệu rằng nền kinh tế Mỹ đang gần với một cuộc suy thoái. Ông nói: "Cho đến khi chúng ta nhìn thấy sự mất cân bằng rõ ràng xuất hiện, và các chính sách tiến tới một điểm mà nó thực sự hạn chế hoạt động kinh tế, chúng tôi cho rằng chu kỳ tăng trưởng này sẽ tiếp tục duy trì".
Tuy nhiên, các nhà kinh tế đã tranh luận về việc liệu sự tăng trưởng này, vốn là kết quả của sự hưởng ứng với đà tăng toàn cầu và các gói kích thích như Đạo luật Việc làm và Cắt giảm thuế gần đây, giảm thuế doanh nghiệp và gia tăng gói chi tiêu liên bang, có thể duy trì tới sau năm 2019 hay không.
Các nhà kinh tế như Carl Tannenbaum thuộc Trust Northern Trust ở Chicago cảnh báo rằng tăng trưởng sẽ không theo kịp mức tăng thâm hụt ngân sách của Mỹ, vốn dự báo sẽ lên tới 1 nghìn tỷ USD trong 2 năm tới. Ông nói với CNBC trong tuần này: "Đôi khi trong thập kỷ tiếp theo, chúng ta sẽ trải qua một cuộc suy thoái, điều sẽ đẩy chúng ta đi khỏi quỹ đạo hiện tại".
Nhiều dự đoán của các chuyên gia
Tỷ phú Bill Gates cũng đưa ra một dự đoán tương tự, mặc dù không đưa ra một thời gian cụ thể. Vào tháng 3, khi được hỏi về việc liệu một cuộc khủng hoảng tài chính như hồi năm 2008 có xảy ra hay không, vị tỷ phú này đã trả lời rằng: "Vâng, thật khó có thể nói được khi nào, nhưng điều này là chắc chắn".
Các nhà quan sát thị trường cũng lo lắng về việc đường cong lãi suất ngày càng phẳng hơn. Trong tuần này, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ kì hạn 2 năm tăng lên gần bằng với lợi suất trái phiếu 10 năm, và lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Điều này thường gây lo ngại rằng suy thoái kinh tế đang ở phía trước, vì lợi suất ngắn hạn cao cho thấy lạm phát và lãi suất dự kiến sẽ vẫn duy trì ở mức thấp trong một thời gian dài hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia đầu tư như Saker Nusseibeh, Giám đốc Điều hành của Hermes Investment Management, không coi đây là mối lo ngại. Trên thực tế, ông là một trong những người mong đợi đường cong lợi suất sẽ dốc hơn, có nghĩa là các thành viên thị trường kì vọng lạm phát tăng cao hơn và do đó Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ nâng lãi suất, báo hiệu một nền kinh tế mạnh mẽ hơn.
Nusseibeh nói: "Chúng tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy kinh tế Mỹ đang tiến vào bất cứ điều gì giống như một cuộc suy thoái tiềm năng. Những gì chúng tôi thấy là dấu hiệu rõ ràng về một nền kinh tế Mỹ mạnh hơn dự báo".
Các thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất ít nhất ba lần trong năm nay. Trong số các cá nhân siêu giàu tham gia khảo sát của J.P. Morgan, 41% tin rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm hai lần hoặc hơn sau đợt tăng lãi suất mới nhất vào tháng 3 vừa rồi.
Collard cho biết: "Sau khi Fed tăng lãi suất đầu tiên vào tháng 3, chúng tôi kỳ vọng cơ quan sẽ tăng lãi suất đáng kể trong năm nay. Ban đầu, chúng tôi kì vọng Fed sẽ nâng lãi suất 3 lần trong năm 2018, nhưng tới thời điểm này, chúng tôi cho rằng có thể sẽ có bốn đợt tăng lãi suất nếu có điều kiện thuận lợi".