Tìm ra "sát thủ" thực sự từng quét sạch 2/3 linh dương Saiga trên thế giới trong 3 tuần

Nguyễn Hằng |

Các nhà khoa học đã tìm ra nguyên nhân khiến hơn 200.000 con linh dương Saiga quý hiếm chết hàng loạt trong 3 tuần vào năm 2015.

Vào tháng 5/2015, hiện tượng lạ khiến hơn 200.000 con linh dương Saiga (chiếm khoảng 2/3 trên thế giới) đột nhiên chết hàng loạt khiến cả thế giới và các nhà khoa học ngỡ ngàng.

Linh dương Saiga chết hàng loạt ở Kazakhstan, đã làm suy giảm nghiêm trọng số lượng về loài động vật quý hiếm.

Các nhà khoa học sau đó đã tìm ra "thủ phạm" gây nên cái chết khủng khiếp cho loài linh dương chính là một loại vi khuẩn tên là "Pasteurella multocida". Đây là loại vi khuẩn có thể gây ra chảy máu nội tạng.

Tìm ra sát thủ thực sự từng quét sạch 2/3 linh dương Saiga trên thế giới trong 3 tuần - Ảnh 1.

Hơn 200.000 con linh dương quý hiếm chết hàng loạt chỉ trong 3 tuần ở Kazakhstan khiến các nhà khoa học lo ngại. Ảnh: Royal Veterrinary College

Tuy nhiên, điều đáng nói là Pasteurella multocida vốn chỉ là vi khuẩn vô hại trong cơ thể động vật. Bằng một cách nào đó chúng đã trở thành khuẩn độc cực kỳ nguy hiểm. Vậy nguyên nhân nào gây nên cái chết hàng loạt cho hơn 200.000 con linh dương quý hiếm?

Richard Kock, giáo sư tại Đại học Thú Y Hoàng gia London, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu, đã đến thăm khu vực chết chóc này và cho biết ông thực sự bị sốc trước những cái chết hàng loạt của loài linh dương.

Giáo sư Kock, cho biết: "Tôi đã làm việc với các động vật hoang dã mắc bệnh nghiêm trọng trong gần 40 năm qua, bao gồm cả những cái chết hàng loạt. Điều này thật sự khác biệt và đáng lo ngại".

Nguyên nhân thực sự không hề đơn giản

Để tìm câu trả lời cho cái chết đáng sợ của loài linh dương Saiga, giáo sư Kock và các cộng sự đã tiến hành thực hiện các biện pháp kiểm tra động vật trong thực địa, thu thập nhiều mẫu phân tích trong phòng thí nghiệm ở Kazakhstan và một số quốc gia.

Giải mã bí ẩn sát thủ, quét sạch 2/3 số linh dương Saiga trên thế giới chỉ trong 3 tuần - Ảnh 2.

Các yếu tố khí hậu có thể tác động "kích hoạt" vi khuẩn Pasteurella multocida hoạt động mạnh, gây nên hàng loạt cái chết cho linh dương Saiga. Ảnh: Internet

Các nhà nghiên cứu cho rằng khả năng gây tử vong hơn 200.000 con linh dương Saiga của vi khuẩn Pasteurella multocida vốn tưởng như vô hại này có thể liên quan đến độ ẩm và nhiệt độ tăng cao.

Theo đó, không khí ẩm trong những điều kiện thời tiết thất thường ở khu vực trung tâm Kazakhstan vào các năm 1981, 1988 và 2015 đã khiến cho loại vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể của linh dương, chèn ép hệ thống miễn dịch và dẫn tới tử vong nhanh chóng.

Linh dương Saiga có khả năng bị nhiễm trùng huyết tán, do vi khuẩn Pasteurella multocida nhóm B gây nên.

Dù xác định ra loại vi khuẩn khiến linh dương Saiga tử vong, tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn về việc tác động cụ thể của các yếu tố khí hậu gây ra loạt cái chết bùng phát như thế nào.

Hiện tại, chúng tôi sẽ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm về cơ chế tác động cụ thể của "thủ phạm" để đưa ra những giải thích khoa học hơn.

Các nhà khoa học cho biết, bên cạnh các nguy cơ chịu tác động của dịch bệnh, linh dương Saiga cũng phải đối mặt với các mối đe dọa khác như nạn săn bắn trái phép, thu hẹp hoặc mất đi các sinh cảnh chính và những tuyến đường di cư.

Theo Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), việc không kiểm soát được nạn săn bắn bất hợp pháp thì có thể khiến dân số linh dương Saiga rơi vào thảm họa nguy cấp và có nguy cơ tuyệt chủng.

Săn bắt những con linh dương đực trẻ tuổi, có thể khiến tỷ lệ giới tính lệch lạc, dẫn tới sự suy giảm sinh sản ở loài vật này.

Tìm ra sát thủ thực sự từng quét sạch 2/3 linh dương Saiga trên thế giới trong 3 tuần - Ảnh 3.

Linh dương Saiga là loài vật đang có nguy cơ tuyệt chủng cao. Ảnh: Royal Veterinary College

Linh dương Saiga là loài vật nguy cấp và đang có nguy cơ tuyệt chủng. Chúng từng sinh sống ở các vùng thảo nguyên và bán hoang mạc ở Đông Nam Âu, Trung Á.

Loài linh dương này thường sống quây quần trong các đàn lớn với số lượng lên tới 1.000 con. Chúng có tỷ lệ sinh sản cao trong những năm có điều kiện khí hậu thuận lợi.

Trước tình trạng và hiện tượng chết hàng loạt với quy mô lớn vào năm 2015 đã khiến số lượng linh dương giảm xuống mức nghiêm trọng và đáng báo động.

Bài viết tham khảo các nguồn: Sciencealert, Dailymail

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại