Câu chuyện thứ nhất: Câu hỏi của đứa trẻ 7 tuổi
Ngày xửa ngày xưa có một người đàn ông giàu có sống ở Benares, miền Bắc Ấn Độ. Ông ta có một cậu con trai rất thông minh, tò mò và luôn ham thích học hỏi. Mặc dù mới 7 tuổi nhưng cậu bé đã muốn tìm hiểu điều gì thực sự có giá trị trong cuộc sống.
Một ngày kia, cậu bé đột nhiên hỏi bố, "Đâu là những cách để có được những điều có giá trị nhất trong cuộc sống, thưa cha?"
(Ảnh minh họa: Internet)
Không bất ngờ trước câu hỏi có phần quá già dặn của con trai, người bố suy nghĩ một hồi rồi trả lời con một cách dõng dạc: "Muốn có được những mục tiêu giá trị thì phải có những phương pháp đúng đắn. Có 6 phương pháp đúng đắn như sau:
Thứ nhất, phải giữ cho cơ thể mình luôn khỏe mạnh.
Thứ 2, sống thật lành mạnh.
Thứ 3, hãy lắng nghe lời khuyên của những người có nhiều kinh nghiệm.
Thứ 4, hãy học hỏi từ những người có tri thức sâu rộng, uyên bác.
Thứ 5, hãy sống trung thực.
Thứ 6, luôn giữ được sự chân thành trong mọi hành động của mình".
Từ đó trở đi, cậu bé luôn ghi nhớ và làm theo lời dạy bảo của cha. Khi lớn lên, trở thành một người đàn ông trưởng thành và có bản lĩnh, cậu bé đã hiểu sâu sắc ý nghĩa những điều cha nói, và nhận ra quả thật đó là những lời khuyên đúng đắn, rằng muốn đạt được những điều đáng giá nhất trong cuộc sống, nhất định phải có phương pháp. Kiên trì làm theo những phương pháp đúng thì việc đạt được mục tiêu chỉ là vấn đề thời gian.
Lời bàn: Một câu hỏi nghiêm túc thì cũng cần có một câu trả lời nghiêm túc, không thể vì cho rằng trẻ con còn nhỏ chưa biết gì mà trả lời cho qua, cho xong chuyện. Những lời cha mẹ dạy dỗ con trẻ từ những ngày đầu đời có tác động vô cùng to lớn đối với quá trình trưởng thành của chúng về sau.
Câu chuyện thứ 2: Người nông dân, hũ vàng lớn và bài học về cách sử dụng tiền bạc
Ngày xửa ngày xưa có 1 ngôi làng rất giàu có. Ngươi giàu nhất làng quyết định giấu một lượng vàng lớn để bảo vệ nó khỏi lũ trộm cướp. Vì thế, ông đã chôn hũ vàng lớn này bên dưới một cánh đồng lúa gần đó.
Nhiều năm sau, ngôi làng đó không còn giàu có nữa, và cánh đồng lúa cũng bị bỏ hoang. Một nông dân nghèo quyết định đào xới nó lên để trồng trọt. Trong lúc làm việc, tình cờ anh ta phát hiện ra kho báu đã bị quên lãng từ lâu.
(Ảnh minh họa: Internet)
Đầu tiên, người nông dân cứ nghĩ mình cuốc phải một cái rễ cây thật cứng. Nhưng khi nhìn kỹ, anh ta mới biết hóa ra nó là hũ vàng. Vì đang là ban ngày, sợ bị phát hiện nên người nông dân đã lấy đất che nó lại như chưa có chuyện gì xảy ra và đợi đến khi trời tối.
Đến lúc màn đêm buông xuống, người nông dân quay trở lại. Anh ta cố nhấc nó lên nhưng quá nặng. Anh ta buộc dây thừng vào rồi cố kéo nó đi, nhưng vì quá lớn nên nó chẳng nhích dù là một xentimet.
Rồi người nông dân ngồi xuống và suy nghĩ. Làm sao để giải quyết tình huống này? Rồi anh ta quyết định sẽ chia hũ vàng ra làm 4 phần nhỏ bằng nhau rồi đem từng phần về nhà.
Anh ta nghĩ: "Phần đầu tiên mình sẽ dùng cho việc chi tiêu hàng ngày. Phần thứ 2 sẽ để dành cho những ngày khó khăn, đau ốm. Phần thứ 3 sẽ để đầu tư vào việc trồng trọt cày cấy. Còn phần thứ 4, mình sẽ đem tặng cho người nghèo và những mục đích từ thiện khác".
Rồi với sự bình tĩnh và thư thái, người nông dân chia hũ vàng ra làm 4 và lần lượt đem về nhà, sử dụng đúng như kế hoạch. Về sau, anh ta không những có cuộc sống sung túc, mà còn được mọi người nể trọng vì sự khôn ngoan và tấm lòng hào hiệp.
Lời bàn: Cách người nông dân phân chia hũ vàng của mình cũng chính là cách chúng ta nên áp dụng với số tiền mình kiếm được cũng như dạy con cái cách quản lý tiền bạc sao cho hiệu quả nhất.
Làm bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu, vậy đến khi đổ bệnh hay già yếu, biết trông cậy vào đâu?
Lại cũng có người, vì muốn tích góp cho tương lai, ăn tiêu dè xẻn, sống tằn tiện chật vật, 1 đồng cũng không tiêu cho người khác, không chỉ khiến sức khỏe bản thân hao mòn, còn chẳng giúp được ai, và tất nhiên, khi gặp chuyện, cũng khó mà được người khác chìa tay cứu giúp.
Thực ra, nếu đem cộng số tiền chúng ta kiếm được trong cả cuộc đời, thì hẳn là mỗi người chúng ta đều có một "hũ vàng" của riêng mình.
Tất nhiên, "hũ vàng" của mỗi người sẽ to nhỏ khác nhau. Nếu biết cách chi tiêu thông minh như người nông dân thì nó mới thực sự là một hũ vàng, còn nếu không, cũng chỉ là những đồng tiền phù du, sáng có tối hết mà thôi.
Câu chuyện thứ 3: Cua con, cua mẹ và bài học làm gương cho các bậc phụ huynh
Có 2 mẹ con nhà cua nọ đang tận hưởng bầu không khí ấm áp trên bãi biển. Cua con bắt đầu bò đi, nhưng nó chỉ có thể bò ngang. Cua mẹ nhìn thấy như vậy, lớn tiếng mắng mỏ và bảo nó phải chỉnh đốn lại cách bò, làm sao để đi lên phía trước.
(Ảnh minh họa: Internet)
Cua con nghe mẹ nói rồi giải thích rằng nó cũng muốn bò về phía trước, nhưng không biết làm sao để đi được như vậy, nên bảo mẹ nó hãy làm mẫu để nó bò theo.
Cua mẹ nghe con nói vậy liền đứng dậy, cố gắng di chuyển về phía trước. Thế nhưng, nó cũng chỉ có thể bò ngang mà thôi. Dù cố hết sức, nó cũng không thể làm theo ý mình, và đành nhìn cua con, cười ngượng ngịu và xin lỗi cua con.
Lời bàn: Cha mẹ là tấm gương phản chiếu rõ rệt nhất hành động của con cái. Muốn con làm được điều mình muốn, chẳng có cách nào khác ngoài việc cha mẹ phải là những người đầu tiên làm được điều đó.
Nhiều bậc cha mẹ có cách dạy con theo kiểu "Hãy làm như lời cha mẹ nói, chứ đừng làm theo những gì cha mẹ làm", khiến con không tâm phục khẩu phục.
Theo Life Hacker & Buddhanet