Tiêu thụ thịt động vật hoang dã tại TQ: Khi những bài thuốc hàng trăm năm "phản tác dụng"

Tất Đạt |

Việc sử dụng thịt động vật hoang dã - đặc biệt là dơi, rắn - đã bị lên án mạnh mẽ sau khi đợt dịch viêm phổi bùng phát tại Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Động vật hoang dã tại Trung Quốc

Việc ăn cầy hương, nhím và các loại thịt thú rừng khác trong hàng thế kỷ qua của Trung Quốc đang phải đối mặt với những chỉ trích mới khi các nhà khoa học cho rằng virus corona chủng mới (COVID-19) có khả năng cao bắt nguồn từ dơi.

Mặc dù các chuyên gia y tế và đa số người dân thành phố Trung Quốc đã ngừng ăn thịt động vật hoang dã trong những năm gần đây, nhiều cộng đồng người dân vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ. Họ cho rằng các loại động vật hoang dã mang lại lợi ích "thần kỳ" cho sức khỏe, có vị ngon không thể thay thế hoặc để khoe mẽ sự giàu có khi ăn các động vật quý hiếm.

Một vài báo cáo cho thấy virus corona mới có thể đã lây từ dơi sang người thông qua các vật chủ trung gian như rắn, chuột được bán trong điều kiện không vệ sinh tại các khu chợ ở Vũ Hán - nơi bùng phát và là tâm dịch bệnh.

Việc ăn thịt động vật hoang dã không phải hiếm tại Trung Quốc. Mặc dù thịt lợn, thịt bò và thịt gà luôn có sẵn tại các khu chợ, nhiều người vẫn tìm đến các loại thịt từ động vật hoang dã, từ những sinh vật phổ biến như chuột, cáo đến cầy hương, nhím và thậm chí các loài có nguy cơ tuyệt chủng vẫn được buôn bán trên thị trường chợ đen.

Ngoài ra, thịt động vật hoang dã còn mang ý nghĩa khác trong xã hội nước này. Theo Nikkei Asian Review, việc sở hữu các loại thịt hiếm, đắt đỏ thể hiện rằng gia đình vẫn có "của ăn của để"; hoặc thịt có thể để chiêu đãi khách quý và được dùng để tặng người thân.

Nhiều người trẻ tại Trung Quốc đã ăn thịt động vật hoang dã và đăng lên mạng xã hội. Video một nữ MC ăn thịt dơi đã được chia sẻ rộng rãi tại Trung Quốc vào giữa tháng 1 vừa qua và chịu nhiều chỉ trích từ cộng đồng người dân.

Lí do tiêu thụ

Tờ Nikkei Asian Review cho rằng, lí do chính khiến nhiều người Trung Quốc muốn ăn thịt động vật hoang dã là bởi những sinh vật này sẽ mang lại ích lợi lớn cho sức khỏe. Đa số lí giải rằng động vật hoang dã sinh sống và ăn những thức ăn trong tự nhiên, không nhiễm các hóa chất như động vật chăn nuôi, một số khác cho rằng nó có tác dụng theo như các bài thuốc đông y.

Những quan điểm này vẫn được duy trì một phần bởi tác phẩm Bản Thảo Cương Mục của thầy thuốc Lý Thời Trân đời nhà Minh, Trung Quốc. Đây được coi là tác phẩm y học hoàn chỉnh và chi tiết nhất trong lịch sử Đông y và được UNESCO ghi danh là di sản tư liệu thế giới. Tác phẩm này ghi chép lại gần 1.900 loại thực vật, khoáng sản và động vật khác nhau dùng cho thuốc. Ví dụ, dơi được mô tả là phương thuốc hữu hiệu chống lại viêm thực quản và bệnh ho dai dẳng.

Tiêu thụ thịt động vật hoang dã tại TQ: Khi những bài thuốc hàng trăm năm phản tác dụng - Ảnh 2.

Cầy hương bày bán tại chợ Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Các chuyên gia y tế hiện đại cho rằng những nhận định này chưa chính xác.

"Nhiều người tin vào những phương thuốc cổ truyền và ăn thịt động vật hoang dã, tuy nhiên họ đã lầm. Làm gì có bác sĩ nào khuyên bệnh nhân nên ăn vi trùng? Đó là những loại thực phẩm từ xưa và là những ý tưởng lạc hậu," một chủ tiệm thuốc ở Quảng Châu, nói.

Một bác sĩ y học cổ truyền tại một bệnh viện ở Quảng Châu nói động vật hoang dã có thể thực sự mang lại lợi ích, nhưng đó là khi các chuyên gia xử lí động vật sạch sẽ trước khi trích xuất các nguyên liệu có lợi.

"Không nên ăn nguyên động vật theo cách nấu thông thường," bác sĩ này nói.

Đây không phải là lần đầu tiên việc ăn thịt động vật hoang dã bị lên án. Khi đợt SARS nổ ra tại tỉnh Quảng Đông vào năm 2002, chính quyền Trung Quốc đã thắt chặt kiểm soát và phạt nặng những nhà hàng, khu chợ buôn bán sinh vật hoang dã bất hợp pháp.

Số lượng nhà hàng bán động vật hoang dã giảm 6,6% trong giai đoạn năm 1999 tới năm 2005, trong khi số người chưa bao giờ ăn động vật hoang dã ở Trung Quốc tăng lên 71,7%.

Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc vẫn phát hiện ra nhiều công ty vẫn tiếp tục kinh doanh thịt động vật hoang dã - cả ở vùng nông thôn và tại các thành phố lớn như Quảng Châu và Thâm Quyến. Tới hiện tại, không ai rõ liệu hoạt động tiêu thụ những mặt hàng này có tiếp diễn hay không giữa bối cảnh dịch bệnh do COVID-19 gây ra vẫn là mối lo ngại và gánh nặng lớn cho Trung Quốc.

Tiêu thụ thịt động vật hoang dã tại TQ: Khi những bài thuốc hàng trăm năm phản tác dụng - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại