Tôi tin rằng, những người đặt ra quy định này mong muốn tiến sỹ phải là những người “học thật, nghiên cứu thật, có sản phẩm thật” và sản phẩm đó phải được chấp nhận về mặt khoa học.
Chắc họ cũng biết rằng, dựa vào các tiêu chuẩn cũ để đạt được mục tiêu trên là rất khó bởi sự dàn xếp, đánh giá thiếu thực chất vốn là căn bệnh trầm kha của giáo dục nước nhà. Có thể, họ hy vọng “quốc tế” sẽ nghiêm túc và khách quan hơn trong việc đánh giá chất lượng nghiên cứu.
Nếu thực hiện thành công yêu cầu có 2 bài báo quốc tế ở những tạp chí được kiểm định trước khi bảo vệ luận án tiến sỹ thì đó hẳn sẽ là một điều tuyệt vời.
Nhưng cân nhắc giữa thực trạng Việt Nam và thông lệ thế giới, tôi e rằng điều này là bất khả thi.
Là một người từng học tại Anh, Mỹ và Việt Nam, những hiểu biết cá nhân của tôi cho thấy dường như không có (hoặc rất ít) nơi đặt ra yêu cầu này và hiển nhiên không thể có tiêu chuẩn quốc gia cho việc này.
Những sinh viên nghiên cứu cấp độ tiến sỹ được kiểm duyệt chất lượng bởi thày giáo hướng dẫn và bởi một hội đồng chấm luận án làm việc nghiêm túc, khách quan. Sinh viên được khuyến khích trình bày bài viết tại hội thảo, hội nghị khoa học các cấp và đăng tạp chí nhưng không bắt buộc.
Tiến sỹ Quách Mạnh Hào. Giảng viên cao cấp về Tài chính, Đại học Lincoln, Anh quốc
Động lực của bản thân những người làm nghiên cứu tiến sỹ trong việc xin việc sau này sẽ thôi thúc họ nỗ lực tối đa để có kết quả.
Thường thì phần đông sau khi bảo vệ xong mới có bài đăng tạp chí, mà lý do phần lớn là thời gian xem xét để đăng báo thường kéo dài cả năm hoặc hơn.
Như vậy, yếu tố cốt lõi để đạt được mục tiêu “học thật, nghiên cứu thật và có sản phẩm thật” nằm ở chính những người làm nghiên cứu sinh, người hướng dẫn và người chấm.
Vậy, tại sao chúng ta không đặt điều kiện cho các đối tượng này. Theo suy nghĩ của tôi, một người dù giỏi đến mấy nhưng nếu họ không dành toàn bộ thời gian cho việc học thì rất khó có sản phẩm chất lượng tốt nhất với khả năng của họ.
Nếu họ được cơ quan tài trợ hoặc đồng ý cử đi học, hãy giao cho họ ít việc hơn.
Đối với người hướng dẫn, chính đối tượng này mới cần quy định có các bài báo được đăng trên tạp chí nước ngoài. Bởi, uy tín và trình độ của họ rất cần thiết để định hướng và góp ý cho nghiên cứu sinh.
Còn với những người chấm luận văn, họ phải là những người đã từng hướng dẫn thành công luận án tiến sỹ.
Tôi nghĩ rằng, một hệ thống vận hành tốt cần một hạ tầng tốt, bao gồm thông tin và sự bảo mật. Chẳng hạn, quy định về phản biện kín (là rất tốt) nhưng dường như việc nghiên cứu sinh tìm đến nhà những người phản biện là điều khá phổ biến ở Việt Nam.
Và cuối cùng, tôi muốn chia sẻ thêm một điều, chúng ta đừng quá kỳ vọng những người làm nghiên cứu sinh tiến sỹ phải là những nhà khoa học sau khi có bằng.
Những người bạn tiến sỹ của tôi tại Anh hay Mỹ, nhiều người về làm cho quỹ đầu tư, doanh nghiệp, một số làm diễn giả, chính trị gia, giảng viên hay nhà nghiên cứu.
Ngay bản thân khái niệm nghiên cứu cũng nên có sự thay đổi, chúng ta thường ám chỉ nghiên cứu phải là nghiên cứu bàn giấy để có bài báo, công trình nhưng quên rằng nghiên cứu ứng dụng cũng là một sự thành công quan trọng.
Cốt lõi của một người làm nghiên cứu sinh Tiến sỹ là họ học được phương pháp nghiên cứu và suy nghĩ độc lập và những gì họ làm sau khi học xong có tác động như thế nào tới lĩnh vực họ theo đuổi hoặc với xã hội, cộng đồng mới là điều quan trọng.
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)