"TS để làm khoa học" và "TS để trở thành nhà khoa học": 2 vấn đề không như nhau
Mới đọc qua phần 2 có thể bạn thấy những điều tôi vừa nói xung quanh "lý do làm tiến sĩ" như không ăn nhập với tiêu đề "tiến sĩ để làm gì".
Có ý kiến còn cho rằng, tôi phức tạp hóa vấn đề và lăn tăn không cần thiết, hãy cứ thích thì làm, làm vì THÍCH là được rồi.
Phải, vấn đề quan trọng nhất là bạn có thích điều mình đang làm hay không, cứ bắt tay đi, không thành cơm cũng thành cháo. NHƯNG! nếu đến khi khâu cuối cùng bạn lại phát hiện ra mình không thích ăn cháo, mình chỉ thích ăn cơm.
Làm thế nào để nấu thành cơm chứ không phải cháo? Nếu bạn đặt câu hỏi này từ trước khi nổi lửa thì có phải tránh được tình trạng "vất không được mà nuốt cũng không trôi"?
(Cuộc đời con người thật ra không phải là vô hạn để bạn có thể cứ làm điều mình thích mà không hoạch định, trừ phi bạn theo chủ nghĩa phó mặc cuộc đời theo kiểu "mây trôi", trôi đâu theo đó).
Tôi đã bắt đầu giai đoạn tiến sĩ với lửa nhiệt huyết sùng sục. Từ số tiền HB Master còm cõi để sống vừa đủ một cách chật vật, đến "tiền lương" tiến sĩ lúc đó được xem là cao nhất cho sinh viên trong các nước ở châu Âu, tôi nghĩ cuộc đời nay sang trang rồi, cứ thẳng tiến thôi.
Thật ra vấn đề không phải nằm ở số tiền, mà là ở chỗ sự thỏa mãn tạm thời + cơ hội học hành trước mắt làm tôi không gợn chút băn khoăn sau tiến sĩ thì sẽ là gì. Vẫn là người chủ nghĩa "làm theo con tim", và tôi chưa hề thấy hối tiếc về điều đó, nhưng tôi nhận ra rằng trong thế giới thực, đam mê dù mãnh liệt đến mấy cũng không đủ giúp bạn thành công.
Bạn còn cần phải "hiểu biết" (well-informed), có chiến lược, bám sát mục tiêu, và linh hoạt các mục tiêu theo từng hoàn cảnh thay đổi. Bởi quá trình học tiến sĩ thường dài và hòa nhập với cuộc sống hằng ngày, việc phải luôn ở trong tình trạng "nhận thức vấn đề" không phải lúc nào ai cũng nhớ!
Tôi và ông xã bắt đầu PhD gần như cùng 1 lúc (ở 2 nơi khác nhau) và kết thúc postdoc cũng cùng 1 lúc (cùng nơi), nhưng nhận thức vấn đề sự nghiệp của tôi thì chậm trễ, ngây ngô và non nớt hơn nhiều.
Tôi cho rằng "học tiến sĩ để làm khoa học" còn ông xã thì "học tiến sĩ để trở thành giáo sư và nhà khoa học". Ngỡ là 1, vì cả 2 đều đam mê việc mình làm, nhưng 2 phát biểu đó thể hiện tâm thức không như nhau. Tôi có mục đích nhưng không có mục tiêu cụ thể, còn ông xã luôn biết phải làm gì trong từng giai đoạn để đạt được mục đích.
Mặc dù cũng thích cuộc sống, lối sống ở nước phương Tây, nhưng ông xã không từ bỏ mục tiêu của mình vì một lợi ích nảy sinh khác, không cố gắng tìm kiếm 1 postdoc khác để kéo dài cuộc sống ở châu Âu mà kiếm một thẻ công dân.
Có vẻ như điều này rất "dại (ngu)" trong mắt những người khác, khi mà ai cũng muốn tìm đường ổn định ở xứ thiên đường bằng mọi giá. Chỉ sau này gặp gỡ nhiều người hơn, nhiều quốc tịch khác nhau về từ tứ xứ, tôi mới thực sự thấu hiểu việc "biết rõ mình muốn điều gì và kiên trì cho việc đó" là điều khôn ngoan nhất cho cuộc đời một người.
"Học tiến sĩ để làm khoa học" có lẽ cũng là quan niệm của không ít sinh viên Việt Nam. Có thể nói đó là kết tinh từ "ham học, cầu tiến + khiêm tốn, nhún nhường". Vấn đề là ở chỗ "khiêm nhường" không tạo được sức cạnh tranh cần có để tồn tại sau khi có bằng tiến sĩ.
Tôi được sinh ra trong một gia đình nhà giáo, không phải những nhà nghiên cứu. Tôi lớn lên và đi học trên đất nước mà nghiên cứu khoa học không có vai trò rõ ràng, không có môi trường thích hợp. Nhưng tôi không quên được cảm giác khi phát hiện ra "mình thích gì" trong một lần thấy trên TV cảnh làm việc trong phòng thí nghiệm.
Rồi tôi có mong ước được làm nghiên cứu khoa học, (chính xác là vậy: Làm-nghiên-cứu-khoa-học), và hy vọng mơ hồ về một công việc nghiên cứu ở đâu đó trên một đất nước phát triển khác.
Trong khi đó, cuộc sống thực tế hơn nhiều với các cơ hội cụ thể và giới hạn mà nếu không tìm hiểu rõ ràng bạn sẽ bỏ lỡ vì không nhận ra, hoặc vì không có đủ khả năng để đạt, hoặc không còn có thể quay lại quá khứ mà sửa chữa.
Học tiến sĩ là để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực cụ thể nào đó. Tôi theo môn khoa học tự nhiên, nhưng tôi nghĩ PhD đối với các những ngành khác cũng có con đường phát triển sự nghiệp tương tự, và đối diện những vấn đề (nói chung là) tương tự.