Có nhiều nguyên nhân là để một người khởi đầu việc học tiến sĩ. Tôi nêu lại câu hỏi "học tiến sĩ để làm gì" không bởi mục đích làm một thống kê hồi cứu, mà để những ai sẽ và đang làm tiến sĩ tự hỏi lại chính mình.
Câu trả lời sẽ phản ánh tầm nhìn và tâm thế của bạn đối với giai đoạn tiến sĩ. Bạn hiểu như thế nào về giai đoạn học tiến sĩ này? Có ai làm việc gì mà không muốn thành công (thành công với việc học tiến sĩ, còn những "thành công" phát sinh khác không là đối tượng tập trung của bài viết), nhưng chỉ khi biết rõ mục đích của việc làm thì mình mới có thể vạch ra những chiến lược cụ thể để đạt các mục tiêu.
Chưa kể ta còn phải theo cập nhật và thay đổi những điều đó cho thích hợp với từng thời điểm và phù hợp cuộc sống vốn không ngừng thay đổi.
—
1) Nếu mục đích chỉ là để có tấm bằng tiến sĩ cho việc thăng tiến trong công việc hiện tại, người đó sẽ không cần đầu tư hơn mức cần phải có, miễn bảo vệ được đề tài là XONG!
2) Nếu mục đích chỉ là để đi nước ngoài, thì sau khi đạt được rồi, ở nước ngoài, người đó có thể thay đổi mục tiêu để phù hợp hơn với tình hình cuộc sống, thậm chí có có thể bỏ ngang việc học. Do đó mục đích đi nước ngoài để nâng cao hiểu biết chưa đủ đảm bảo người này sẽ theo đuổi đến cùng giai đoạn tiến sĩ.
3) Có người nói "không làm tiến sĩ thì làm gì". Tôi cho rằng đây là 1 "sản phẩm" của hoàn cảnh xã hội Việt Nam.
Trong một xã hội ổn định, nơi mà hễ học bác sĩ thì làm việc như bác sĩ, học kỹ sư thì đi làm như kỹ sư, người ta sẽ rất ngạc nhiên nếu được hỏi "sao anh không học tiến sĩ?" trong khi "không làm tiến sĩ thì làm gì" hầu như hoàn toàn vô nghĩa với số đông dân cư nước nước khác, thì ở Việt Nam câu này lại là một trường hợp khá phổ biến.
(i) Vì cho rằng "tiến sĩ là học vị cao nhất, mình ham học nên mình phải hoàn tất bậc học này". Bằng tiến sĩ trở thành thước đo của sự thành công. Bằng nước ngoài mới có giá trị, nên họ sẵn sàng đầu tư để kiếm tấm bằng từ một trường càng danh giá càng tốt.
(ii) Có người chọn tiến sĩ không phải vì cái bằng nhưng họ cũng thuộc nhóm "không làm tiến sĩ thì làm gì" là bởi họ không tìm được việc làm hay một vị trí như ý trong xã hội, học tiến sĩ trở thành một cứu cánh, và họ hy vọng rằng bằng cấp cao sẽ cải thiện tình hình cho mình.
Khi không có mục đích cụ thể, nhóm này đối diện với câu hỏi khác trong tương lai: "rồi, có tiến sĩ rồi, làm gì tiếp đây". Như thế vô hình chung họ đang để tình hình xã hội định đoạt thay vì phải chủ động xây dựng cuộc sống chính mình.
4) Học tiến sĩ như một hình thức phổ cập kiến thức? Xã hội loài người ngày càng đạt nhiều thành tựu đáng kể cũng đồng nghĩa với mức độ cạnh tranh giữa các cá thể ngày càng cao.
Khi mà ai cũng có tấm bằng Đại Học, thì việc có thêm kiến thức, bằng cấp cao hơn trở thành một xu hướng tất yếu. Người người đi học Thạc sĩ để nâng cao trình độ. Và trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam, dần dần nhu cầu có tấm bằng tiến sĩ là một trào lưu. Do đó, mọi người có quan niệm học tiến sĩ như một hình thức "xóa mù".
Nếu bạn hiểu được bản chất của việc học tiến sĩ, bạn sẽ dễ dàng nhận ra xu hướng đó là một ngộ nhận mà tôi sẽ nói thêm trong bài tới.
Nếu việc phổ cập kiến thức là một yếu tố cần, bạn chỉ cần học những khóa bồi dưỡng ngắn hạn, hoặc có học thạc sĩ đi nữa thì cũng chỉ mất tối đa 2 năm. Sau đó bạn có thể quay trở lại việc làm của mình ở 1 trình độ khác. Học tiến sĩ đòi hỏi nhiều thời gian hơn nhiều, thậm chí phải làm gián đoạn công việc hiện tại của mình nữa.
5) Làm tiến sĩ cũng là thực hiện một nghề nghiệp? Vì việc học tiến sĩ thường kéo dài nhiều năm, và hầu hết đều được trả lương, nên không ít người xem đó là lối nghề nghiệp để chọn. Điều đó có nghĩa là khi xong PhD, bạn sẽ xong 1 công việc? Rồi sau đó? Bạn sẽ đi tìm một công việc khác? post doc chẳng hạn. Rồi bạn sẽ tìm được vị trí nào đó thêm vài năm. Rồi sau đó?…
Bao nhiêu lần đổi công việc nữa cho đến khi bạn xấp xỉ 40, không thể còn cạnh tranh với thế hệ trẻ, một làn sóng tốt nghiệp tiến sĩ mới cũng bắt đầu con đường của bạn đang đi. 40 quá khó để tìm một công việc mới, quá trẻ để nghỉ hưu, và điều quan trọng là bạn không có đồng hưu nào cho toàn bộ thời gian bạn học tiến sĩ.
Một xã hội giàu có ở các nước phương tây không có quỹ hưu cho những người này cho dù bạn tranh thủ xin được" tấm vé công dân" của họ, bởi vì trong suốt thời gian đó, bạn không có một vị trí xã hội nhất định.
6) Cuối cùng, cho dù bạn chọn tiếp tục con đường học vấn không vì bất cứ lý do nào ở trên, mà chỉ đơn thuần là vì tình yêu khoa học của bạn vô cùng lớn lao? Bạn cần phải biết rằng chỉ mỗi đam mê cháy bỏng đó cũng không đảm bảo được bạn sẽ thành công trong giai đoạn PhD và sau này.
Nếu không hình dung rõ ràng con đường mình đi "học tiến sĩ để làm gì", mục đích cụ thể cần đạt được, bạn chỉ như 1 hỏa tiễn hùng hục lao đi không phương hướng, không mục tiêu, rồi… chới với!