Tiết lộ gây sốc: Tu-154 xấu số rơi ở Biển Đen do bị cướp?

Quang Huy |

Theo ý kiến của cựu trưởng ca trực Trung tâm Quản lý không lưu Nga, ông Vitaly Andreev, máy bay Tu-154 rơi trên Biển Đen có thể là do tình huống khẩn cấp xảy ra trên boong.

"Không thể tự dưng rơi"

Theo ý kiến của cựu trưởng ca trực Trung tâm Quản lý không lưu Nga, ông Vitaly Andreev, người từng có thâm niên công tác 47 năm trong lĩnh vực hàng không, nguyên nhân của vụ máy bay Tu-154 rơi trên biển Đen sau khi cất cánh được vài phút từ sân bay Adler có thể là do một tình huống khẩn cấp xảy ra trên boong.

"Sau khi cất cánh và bay một đoạn đường ngắn – khoảng 2 phút – chiếc máy bay biến mất khỏi hệ thống điện đàm và không truyền tín hiệu về bất cứ hỏng hóc nào cho mặt đất, điều này có thể cho thấy trên boong đã diễn ra tình trạng khẩn cấp – hoặc có tác động từ bên ngoài, hoặc va phải vật cản", hãng thông tấn RIA Novosti trích dẫn lời ông Andreev.

Ông nhấn mạnh rằng Tu-154 là "cố máy rất ổn định" – "chúng không thể tự dưng rơi như thế".

Chuyên gia Andreev đề cập tới những trường hợp khi chiếc máy bay kiểu này hạ cánh thành công với cả 3 động cơ không hoạt động, cũng như đưa ra ví dụ rõ nhất đó là lần hạ cánh nổi tiếng tại một đường băng bỏ hoang ở rừng Taiga.

Chuyên gia này nhấn mạnh rằng, khả năng mất lái, bay không đúng quy đạo bay đã được xác định trước – các giả thiết của vụ tai nạn – không thể ngăn cản phi hành đoàn truyền tín hiệu về mặt đất.

"Có nghĩa là đã xảy ra sự việc bất ngờ nào đó, theo kinh nghiệm thực tế - những tình huống tương tự có thể xảy ra khi chiếc máy bay bị cướp", ông Andreev bổ sung.

Tiết lộ gây sốc: Tu-154 xấu số rơi ở Biển Đen do bị cướp? - Ảnh 1.

Máy bay Tu-154.

Chuyên gia này chỉ rõ rằng, những dữ liệu của thiết bị tự ghi âm các cuộc đàm thoại "với độ chính xác tới 99,99% có thể lý giải rằng, điều gì đã xảy ra trong buồng lái vào thời điểm xảy ra thảm họa".

Bên cạnh đó, tại Tiểu ban về quốc phòng và an ninh Thượng viện Nga tuyên bố rằng, giả thiết khủng bố xảy ra trên boong Tu-154 "là hoàn toàn bị loại bỏ". Nguyên nhân chủ yếu có thể là do hỏng hóc kỹ thuật hoặc lỗi của phi công.

"Hãy tin tôi đi, mảnh vỡ chỉ văng ra như thế khi chiếc máy bay bị nổ tung trên không trung"

Về phía mình, thiếu tá Không quân, phi công huấn luyện Andrei Krasnoperov cho biết rằng việc chiếc máy bay nhanh chóng biến mất khỏi màn hình radar sau khi cất cánh là rất đáng ngờ.

Khi đưa ra đánh giá về thông tin liên quan tới những mảnh vỡ của chiếc Tu-154 văng khắp nơi, ông Krasnoperov đề cập tới giả thiết một vụ nổ đã xảy ra trên boong. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh rằng dữ liệu cuối cùng có thể được lấy ra từ các hộp đen.

"Đó là điều quá đáng ngờ khi chiếc máy bay sau khi cất cánh đang lấy độ cao, khoảng vài phút, rồi biến mất khỏi màn hình radar", thiếu ra Krasnoperov trả lời phóng viên "Kommersant" (Nga).

Theo thông tin của Bộ Quốc phòng Nga, chiếc máy bay biến mất khỏi màn hình radar khoảng ở phút thứ 7, khi đang lấy độ cao hoặc quay đầu. Ông Krasnoperov cho biết rằng điều đó có nghĩa các động cơ hoạt động bufnh thường, nhiên liệu bình thường và những thứ đó khó có thể trở thành nguyên nhân dẫn tới thảm họa.

Ông so sánh tình huống này với thảm họa tại Sharm el-Sheikh (Ai Cập) và xác nhận ông cho đây có khả năng là một vụ khủng bố. "Máy bay rơi khi cất cánh là điều hãn hữu, nhất là loại máy bay này. Tu-154 có 3 động cơ, nó rất an toàn", ông Krasnoperov nói.

Chuyên gia Không quân Nga cho rằng dù Tu-154 không phải là loại máy bay mới, nhưng nó rất ổn định.

Theo lời của ông, trên chiếc máy bay loại này có "những hệ thống cáp song song, bao gồm cả hệ thống điều khiển máy bay, có nghĩa là khi một hệ thống này hỏng thì có thể sử dụng hệ thống khác". Ông cũng nhấn mạnh tới thâm niên kinh nghiệm của các phi công điều khiển Tu-154.

"Tôi hiểu rằng, chiếc máy bay đã cất cánh từ sân bay của chúng ta, và hệ thống giám sát điện tử đã theo dõi nó, cho nên không có chuyện cái gì đó va vào nó, nó đâm vào cái gì đó", ông Krasnoperov nói.

Việc chiếc máy bay này không gửi bất cứ tín hiệu cảnh báo nào, theo lời ông Krasnoperov, nói lên rằng nó bị mất tốc độ đột nhột và rơi vào tình trạng không thể điều khiển. "Trong trường này, phi công trong tình trạng quá tải này không thể không báo cáo được điều phối viên, mà cả bật tín hiệu cảnh báo", ông nói.

"Còn tình huống này là rơi đột ngột, nó chỉ xảy ra khi có điều gì đó bất thường, cái gì đó bị nổ, cái gì đó bị gãy. Thông thường, các máy bay này có thể bị gãy đuôi. Còn trong tất cả các tình huống còn lại thì phi công có thể bình tình truyền thông tin, bật tín hiệu cảnh báo gặp nạn, nhưng điều đó đã không xảy ra.

Có nghĩa rằng cái gì đó bất thường, đột ngột vào phút thứ 7 của chuyến bay. Vì thế tôi không thể đổ lỗi cho tổ lái, còn bản thân chiếc máy bay ít khi vỡ tan một cách đột ngột như vậy", ông kết luận.

Chuyên gia này cũng bình luận về những dữ liệu liên quan tới việc các mảnh vỡ của chiếc máy bay văng xa khoảng 15km. "Nếu chiếc máy bay này còn nguyên vẹn khi rơi thì không có chuyện mảnh vỡ văng ra như thế.

Chiếc máy bay vỡ tan tành, đơn giản là vỡ tan tành, có nghĩa nó bị nổ, có nghĩa là có kẻ nào đó nhận xách va ly, căn cứ vào việc đây là chuyến bay tới Syria, và hành khách là các nghệ sĩ của đoàn văn nghệ, có thể cái gì đó đã được nhét cùng vào đạo cụ âm nhạc, ai đó có thể giấu cái gì đó.

Hãy tin tôi đi, mảnh vỡ chỉ văng ra như thế khi chiếc máy bay bị nổ tung trên không trung", ông Krasnoperov nói.

Theo lời ông Kranoperov, khi chiếc máy bay rơi, sẽ có vết dầu loang, xung quanh đó sẽ là các mảnh vỡ. "Còn ở đây người ta tìm thấy có cả người trên bờ biển bị thương vì mảnh vỡ. Điều này nói lên việc các mảnh vỡ đã rơi tứ tung xuống đất, có nghĩa là nó bị nổ trên không trung", ông cho biết thêm.

Về phần mình, tổng giám đốc công ty "Liên minh công nghệ hàng không Avitel" Victor Pryadka cho biết rằng có thể do khiếm khuyết về cấu trúc chiếc máy bay khiến nó gặp nạn. Ông nhấn mạnh rằng, căn cứ vào mọi thứ có thể thấy chiếc máy bay này hoạt động bình thường.

Mọi thứ được "kiểm tra và soi kỹ lưỡng"

Theo một nguồn tin trong cơ quan an ninh cho biết, sau khi hạ cánh ở Adler, chiếc máy bay này đã được bảo vệ, chỉ có 2 cán bộ biên phòng và 1 cán bộ hải quân lên máy bay kiểm tra, chỉ có 1 hoa tiêu rời khỏi máy bay để giám sát công tác tiếp nhiên liệu.

"Chiếc Tu-154 cất cánh từ sân bay Chkalovsky, nơi mà hành khách và hành lý được kiểm tra và soi kỹ lưỡng", hãng thông tấn RIA Novosti trích dẫn lời nguồn tin nói trên.

"Theo kế hoạch sẽ tiếp nhiên liệu tại Mozdok, nhưng vì điều kiện thời tiết nên công việc này được chuyển tới Adler, và vì thế những thông tin về việc chiếc máy bay này sẽ được tiếp nhiên liệu tại sân bay Sochi chưa bao giờ được đưa ra", nguồn tin này giải thích.

"Người ta không chuyển đồ ăn lên máy bay, còn công tác tiếp nhiên liệu được nhân viên mặt đất thực hiện", nguồn tin bổ sung. Như vậy, đại diện cơ quan an ninh kết luận, "vào thời điểm hiện nay không có bất cứ thông tin nào chứng tỏ giả thiết khủng bố, và các cơ quan an ninh và điều tra không coi đây là giả thiết chính", nguồn tin nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bộ trưởng Giao thông vận tải Nga, ông Maxim Sokolov, người đứng đầu ủy ban của chính phủ về điều tra vụ rơi máy bay Tu-154 đã giải thích lý do các mảnh vỡ của chiếc máy bay gặp nạn lại nằm rải rác trên một diện tích lớn.

"Dòng chảy rất mạnh", hãng thông tấn RIA Novosti trích lời ông trước câu trả lời của các nhà báo khi hỏi về những nguyên nhân khiến cho mảnh vỡ của chiếc máy bay vung vãi khắp nơi trên một diện tích rộng.

Được biết, chiếc Tu-154 gặp tai nạn vào hôm chủ nhật, ngày 25/12/2016 gần thành phố Sochi (Nga). Trên máy bay có tổng cộng 92 người. Không có thông tin về người sống sót.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại