Tiết lộ bí mật tương đồng từ 3 vụ án của "tam hổ Thượng tướng" Trung Quốc

Thủy Thu |

Dư luận Trung Quốc đánh giá, "đánh bật quyền lực thực sự của Vương Kiến Bình chính là mở nắp tham nhũng của hệ thống Lực lượng cảnh sát vũ trang".

Ngày 24/2 vừa qua, cựu Hiệu trưởng Đại học quốc phòng Trung Quốc - Thượng tướng Vương Hỷ Bân đã bị bãi miễn tư cách đại biểu Nhân đại toàn quốc khóa XII.

Vương là Thượng tướng thứ 5 trong quân đội Trung Quốc bị ngã ngựa kể từ Đại hội XVIII của đảng Cộng sản Trung Quốc (2012), sau Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Điền Tu Tư và Vương Kiến Bình.

Đáng chú ý, tài khoản Wechat của tờ Tân Kinh (Trung Quốc) mới đây đã phát hiện ra những "bí mật" tương đồng từ ba vụ án của Vương Hỷ Bân, Điền Tu Tư và Vương Kiến Bình.

Khiêm tốn trước khi "ngã ngựa"

Tháng 11/2012, Hiệu trưởng Đại học Quốc phòng Vương Hỷ Bân lúc này đã 64 tuổi nhưng chưa được bầu vào Ủy ban trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII. Đến tháng 6/2013, Vương chính thức về hưu.

Sau khi về hưu, Vương tiếp tục nhậm chức trong Nhân đại Trung Quốc, trở thành Ủy viên Ủy ban Giáo dục-Khoa học-Văn hóa-Y tế Nhân đại toàn quốc và Ủy viên Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu Ban thường vụ Nhân đại toàn quốc.

Đặc biệt, Vương hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Kể từ khi về hưu đến khi bị bãi miễn tư cách đại biểu, ông này chỉ xuất hiện đúng ba lần.

Tiết lộ bí mật tương đồng từ  3 vụ án của tam hổ Thượng tướng Trung Quốc - Ảnh 1.

Thượng tướng Vương Kiến Bình. Ảnh: Sina

Tương tự Vương Hỷ Bân, Điền Tu Tư cũng thường "ẩn thân" sau khi về hưu. Thậm chí, khi bạn cũ tới thăm cũng bị ông từ chối tiếp chuyện.

Dù cho khi còn đương chức, Điền bị đánh giá là thô lỗ, nóng tính hay mắng mỏ cấp dưới. Theo một nguồn tin không chính thức, từng có một cán bộ "vì một câu nói của Điền mà phải đi giáo dục lao động hai năm".

Tạp chí Nhân vật hoàn cầu thuộc chủ quản của Nhân dân nhật báo đưa tin, cuối năm 2014, Vương Kiến Bình nhậm chức Phó tổng tham mưu Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Sau khi bị bắt, dư luận Liêu Ninh quê ông này tin rằng, "đánh bật quyền lực thực sự của Vương Kiến Bình chính là mở nắp tham nhũng của hệ thống Lực lượng cảnh sát vũ trang".

Giới quân nhân còn tiết lộ rằng, "trong quân đã lan truyền từ lâu việc Vương Kiến Bình sớm muộn cũng xảy ra chuyện". Do đó, khi cha đẻ của Vương mất tại Bắc Kinh thì cũng rất ít người đến tham dự.

Liên quan đến Quách, Từ

Trước khi về hưu khoảng hai tháng, Vương Hỷ Bân đã xuất bản một cuốn sách do Từ Tài Hậu viết lời tựa.

Trong khi đó, Vương Kiến Bình từng công tác tại quân khu Thẩm Dương với Từ Tài Hậu. Sau nửa năm Từ bị khai trừ đảng tịch, quân tịch và tước quân hàm Thượng tướng thì Vương từ Tư lệnh lực lượng cảnh sát vũ trang được bổ nhiệm chức danh Phó tổng tham mưu Quân giải phóng Trung Quốc.

Vương Kiến Bình còn có mối liên hệ với cựu "trùm an ninh", Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc đã "ngã ngựa" Chu Vĩnh Khang. Từ năm 2009 đến 2012, Vương thường trực tiếp báo cáo công việc lên Chu, khi ấy giữ chức Bí thư Ủy ban chính pháp trung ương.

Về phần Quách Bá Hùng, trong thời gian đương nhiệm chức vụ Tư lệnh quân khu Lan Châu, Quách đã đề bạt không ít cán bộ. Điền Tu Tư là Phó tư lệnh và có thời gian công tác tại quân khu Lan Châu gần 40 năm. Sau khi Quách trở thành Phó chủ tịch quân ủy thì Điền cũng nhanh chóng được thăng tiến.

Đi lên từ một binh nhì

Tiết lộ bí mật tương đồng từ  3 vụ án của tam hổ Thượng tướng Trung Quốc - Ảnh 2.

Thượng tướng Điền Tu Tư (ngồi giữa). Ảnh: Sina

Vương Hỷ Bân, Điền Tu Tư và Vương Kiến Bình tòng quân khá sớm với sự nghiệp đi lên từ một binh nhì.

Vương Hỷ Bân sinh năm 1948. Đúng 18 tuổi (năm 1966), Vương bắt đầu tham gia quân ngũ. Từ một binh sĩ Lục quân, từng bước từng bước đi lên chức vụ lãnh đạo quan trọng.

Điền Tu Tư sinh năm 1950, gia nhập quân đội năm 1968, tham gia pháo binh của quân khu Tân Cương. Đến năm 1971, Điền làm việc trong ban tuyên giáo chính trị Đoàn 56, Sư 13 quân chủng Pháo binh. Từ đó về sau, ông này bắt đầu một con đường quan lộ thuận lợi.

Vương Kiến Bình gia nhập quân ngũ khi mới chỉ có 16 tuổi. Đến năm 1992 khi mới 39 tuổi, Vương được bổ nhiệm trở thành Sư trưởng Sư đoàn 120 Quân đoàn 41 của quân đội Trung Quốc.

Đều có "kinh nghiệm đặc biệt"

Trong lễ duyệt binh kỷ niệm 50 năm Quốc khánh Trung Quốc (1999), Quân đoàn trưởng Quân đoàn 27 Vương Hỷ Bân trở thành chỉ huy đoàn xe diễu binh khi đó. Truyền thông Trung Quốc đánh giá, nhiệm vụ này là một kỳ thi lớn với Vương.

Sau đó 6 năm, Vương được bổ nhiệm chức Tham mưu trưởng quân khu Bắc Kinh. Hai năm sau được thăng hàm Trung tướng.

Điền Tu Tư lại có kinh nghiệm tác chiến. Năm 1985 khi dẫn dắt đội quân trinh sát, Điền đã yêu cầu đội quân này phải viết cả huyết thư lẫn di thư.

Cuối những năm 90 thế kỷ trước, Vương Kiến Bình rời quân đoàn 41 đến nhậm chức tại Lực lượng cảnh sát vũ trang Tây Tạng.

Theo báo cáo, điều kiện công tác tại Tây Tạng vô cùng gian nan, cấp trên điều Vương đến đây nhằm để rèn luyện Vương. Năm thứ hai được điều đến Tây Tạng, Vương Kiến Bình được phong hàm Thiếu tướng.

Bí mật về thông báo "ngã ngựa"

Tháng 7/1916, website quân đội Trung Quốc đưa tin: "Gần đây, cựu Chính ủy Không quân Điền Tu Tư đã bị lập án thẩm tra do vi phạm kỷ luật nghiêm trọng".

Cuối năm 2016, trả lời phiên họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho biết, cơ quan kiểm sát quân sự đã lập án điều tra cựu Tư lệnh Lực lượng cảnh sát vũ trang Vương Kiến Bình với tội danh nhận hối lộ.

Ngày 24/2, Ủy ban thường vụ Nhân đại toàn quốc khóa XII Trung Quốc quyết định bãi miễn tư cách đại biểu Nhân đại khóa XII đối với cựu Hiệu trưởng Đại học Quốc phòng - Thượng tướng Vương Hỷ Bân.

Theo thông báo, Vương bị bãi miễn tư cách đại biểu với tội danh vi phạm chức vụ (nhận hối lộ, mua bán chức vụ, xâm phạm quyền lợi công dân).

Theo tờ Tân Kinh, phần lớn các vụ án tham nhũng sau Đại hội XVIII cho thấy, khi cơ quan chức năng thông báo một cán bộ nào đó vi phạm kỷ luật nghiệm trọng không có nghĩa cán bộ này chỉ vi phạm kỷ luật mà không phạm pháp.

Bởi trong các án vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, quá trình điều tra cho thấy, những quan chức này đều liên quan tới tội danh phạm pháp, tham nhũng.

Do đó, dù cách biểu đạt khác nhau từ thông báo điều tra nhưng ba Thượng tướng Trung Quốc đều mang chung tội danh tham nhũng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại