Tổ chức Oxfam vừa công bố thông tin liên quan đến nhóm người giàu nhất thế giới, thuộc báo cáo "Lợi ích công hay tài sản tư", trong bối cảnh các nhà lãnh đạo toàn cầu tham dự Diễn đàn kinh tế Thế giới diễn ra tại Davos, Thuỵ Sỹ.
Theo ghi nhận của Oxfam, khối tài sản của nhóm tỷ phú đã tăng 12% vào năm ngoái, tương đương 2,5 tỷ USD một ngày. Trong khi đó, 3,8 tỷ người thuộc nửa nghèo nhất của nhân loại phải chứng kiến tài sản của mình sụt đi 11%.
Điều này cho thấy khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn đang hủy hoại cuộc chiến chống nghèo đói, gây tổn thất cho nền kinh tế cũng như châm ngòi cho làn sóng bất bình diễn ra trên toàn cầu.
Báo cáo cũng chỉ ra, các chính phủ đang khiến cho bất bình đẳng trở nên trầm trọng hơn qua việc đầu tư không thích đáng cho các dịch vụ công như dịch vụ chăm sóc y tế và giáo dục, mặt khác lại áp thuế thấp cho các tập đoàn và các nhóm giàu có, và thất bại trong việc chống trốn thuế.
Phụ nữ và trẻ em gái là những nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do bất bình đẳng kinh tế gia tăng.
Bà Winnie Byanyima, Giám đốc Điều hành của Oxfam Quốc tế nhận xét: "Con số trong tài khoản ngân hàng của bạn không nên là yếu tố quyết định con cái bạn được đi học bao nhiêu năm hay bạn sẽ sống bao lâu, nhưng đây lại là thực tế của quá nhiều quốc gia trên thế giới".
Theo bà, trong khi các tập đoàn và nhóm siêu giàu hưởng lợi từ việc đóng thuế thấp, hàng triệu trẻ em gái đang không được tiếp cận một nền giáo dục đàng hoàng và phụ nữ vẫn đang mất đi mạng sống vì thiếu chế độ chăm sóc thai sản.
Số lượng tỷ phú đã tăng gấp đôi kể từ khủng hoảng tài chính. Từ năm 2017 đến năm 2018, cứ 2 ngày lại có thêm một tỷ phú mới. Tuy nhiên, các cá nhân và tập đoàn giàu có lại đang đóng mức thuế thấp hơn so với mức phải họ đã đóng trong nhiều thập kỷ trước.
Trong khi đó, chỉ cần 1% giàu nhất thế giới đóng thêm 0,5% thuế tài sản, số tiền thu được sẽ nhiều hơn cả mức chi phí cho toàn bộ 262 triệu trẻ em đang thất học được tiếp cận giáo dục, và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cứu mạng sống cho 3,3 triệu người.
Oxfam cho biết tính trong năm 2015, chỉ có 4 xu trong mỗi USD tiền thuế trên toàn cầu là tiền thuế tài sản như thuế thừa kế hay thuế bất động sản. Những loại thuế này đang được cắt giảm, thậm chí xóa bỏ ở nhiều nước giàu và ít được áp dụng ở các nước đang phát triển.
Mức thuế mà các cá nhân và tập đoàn giàu có phải đóng cũng được cắt giảm đáng kể. Ví dụ, tỉ lệ cao nhất về thuế thu nhập cá nhân ở các nước giàu giảm từ 62% vào năm 1970, xuống còn 38% năm 2013. Tỉ lệ trung bình này ở các nước nghèo là 28%.
Ở một số quốc gia như Brazil, nhóm 10% nghèo nhất trong xã hội đang phải đóng mức thuế so với thu nhập của họ cao hơn nhóm 10% giàu nhất.
Trong khi đó, các dịch vụ công triền miên chịu cảnh đầu tư không thích đáng hoặc bị đưa cho các các công ty tư nhân đầu tư. Điều này đã gạt những người nghèo nhất ra ngoài lề.
Ở nhiều quốc gia, một môi trường giáo dục tốt hay dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng đã trở thành một khái niệm xa xỉ mà chỉ giới giàu có mới đủ khả năng chi trả.
Mỗi ngày, Oxfam cho biết có 10.000 người chết vì không tiếp cận được dịch vụ y tế mà họ có khả năng chi trả. Ở các nước đang phát triển, một đứa trẻ sinh ra trong gia đình nghèo có khả năng tử vong trước 5 tuổi cao gấp đôi so với đứa trẻ sinh ra trong gia đình giàu có.
Cắt giảm thuế tài sản chủ yếu mang lại lợi ích cho nam giới - nhóm sở hữu số tài sản nhiều hơn 50% so với nữ giới trên toàn thế giới, và nắm giữ hơn 86% các tập đoàn.
Ngược lại, khi dịch vụ công bị xao nhãng, phụ nữ và trẻ em gái phải gánh chịu nhiều hậu quả nhất.
Các em gái sẽ buộc phải thôi học đầu tiên khi không đủ tiền trả học phí, và phụ nữ sẽ phải dành thêm nhiều giờ cho các công việc không được trả lương như chăm sóc cho người thân bị ốm khi dịch vụ y tế không làm được điều này.
Oxfam ước tính nếu các công việc chăm sóc không được trả lương do phụ nữ trên toàn thế giới đang làm được vận hành bởi một công ty, công ty này sẽ thu về doanh thu hàng năm lên tới 10 nghìn tỷ USD – gấp 43 lần doanh thu của Apple, công ty lớn nhất thế giới.