Tiếp viên hàng không tiết lộ sự thật khi phục vụ giới siêu giàu

Vân Anh |

Sở hữu máy bay riêng cũng là một cách để giới thượng lưu thể hiện địa vị xã hội.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dành thời gian xếp hàng ở khu vực an ninh, vật lộn với những chuyến bay trễ giờ... là những điều bạn có thể đối mặt ở hạng phổ thông. Tuy nhiên, ở đâu đó trên bầu trời, những người siêu giàu đang tận hưởng mọi thứ bằng máy bay riêng - nơi họ có cả rạp chiếu phim, phòng ngủ và phòng khách của riêng mình.

Theo CNN, máy bay riêng là đặc quyền chỉ dành cho một số ít người may mắn và có tài sản khổng lồ. Từ lâu, máy bay riêng đã trở thành biểu tượng của sự giàu có và đẳng cấp nơi tầng lớp thượng lưu.

Tiếp viên hàng không kể chuyện làm việc với giới thượng lưu: Lương cao nhưng áp lực lớn

Một trong những yếu tố không thể thiếu của chuyến bay dành giới siêu giàu (hay chuyến bay VIP) là những tiếp viên hàng không. Dù được hưởng nhiều đặc quyền song họ cũng đối mặt với vô số áp lực, mệt mỏi trong công việc.

Tiếp viên hàng không cho các chuyến bay VIP cần trau dồi nhiều kỹ năng như pha chế đồ uống, dọn dẹp, trợ lý cá nhân, bảo mẫu cho thú cưng... Điều đặc biệt nhất của tiếp viên hàng không cho giới thượng lưu là họ không có đồng phục riêng nhưng một số bên vẫn yêu cầu phải đi giày cao gót và trang điểm.

Tiếp viên hàng không Mary Kalymnou đã làm việc trong ngành được hơn 13 năm. Cô từng làm việc với nhiều khách hàng cao cấp như hoàng gia, nguyên thủ quốc gia, CEO và người nổi tiếng.

Tiếp viên hàng không tiết lộ sự thật khi phục vụ giới siêu giàu - Ảnh 1.

Mary Kalymnou

Mary Kalymnou cho hay, trong nhiều trường hợp, giới thượng lưu thường mang những đồ vật kỳ lạ lên máy bay, chẳng hạn như vẹt, kim cương, hơn 20 túi đồ mua sắm…

Mary cho biết công việc tiếp viên hàng không cho khách hàng thượng lưu đòi hỏi rất nhiều sự hy sinh, kiên nhẫn, khéo léo và lòng tự trọng cao. Khách hàng luôn đòi hỏi những thứ tốt nhất và người phục vụ phải luôn trong tư thế sẵn sàng làm hết sức nếu không muốn bị thay thế. Nếu không làm tốt, tiếp viên hàng không sẽ nhanh chóng bị thay thế.

"Mọi cô gái đều có thể học hỏi và theo đuổi lĩnh vực này. Nhưng chỉ có một số ít người trở nên nổi bật. Bạn có thể dễ dàng bị mất việc nếu có một nhân viên xinh, thông minh hoặc ăn nói tốt hơn. Do đó, chuyên nghiệp thôi là chưa đủ. Nếu bạn muốn theo ngành này lâu dài, bạn phải là người duy nhất", Kalymnou nói.

Về mức lương, Kalymnou cho hay có thể kiếm được từ 200 - 590 USD/ngày (~4.3 triệu - 14.2 triệu đồng) tùy thuộc vào bản hợp đồng với chủ sở hữu máy bay. Họ hiếm khi nhận được tiền boa nhưng lại thường được khách tặng quà như túi xách đắt tiền. Và đặc quyền tuyệt vời nhất mà Kalymnou nhận được từ công việc là cô được tiếp xúc hàng ngày với giới thượng lưu, cũng như có cơ hội đặt chân đến nhiều địa điểm mới như Nhật Bản, Bali, Maldives.

"Đặc quyền lớn nhất cũng là một phần của công việc. Dù có nhiều áp lực, song công việc này đưa tôi đến nhiều địa điểm khác nhau. Nói đơn giản, bạn đi du lịch để kiếm sống và bạn làm những gì mình thích", Kalymnou tâm sự.

Tiếp viên hàng không tiết lộ sự thật khi phục vụ giới siêu giàu - Ảnh 2.

Tiếp viên hàng không trên chuyến bay VIP gặp nhiều áp lực trong công việc (Ảnh minh hoạ)

3 bí mật đằng sau máy bay tư nhân của giới thượng lưu

Bên cạnh việc thuê máy bay riêng, nhiều người giàu còn mua luôn máy bay để làm phương tiện di chuyển. Theo New York Magazine, có 3 bí mật đằng sau những máy bay riêng của giới thượng lưu, mang lại cho bạn góc nhìn khác về tầng lớp này:

- Máy bay tư nhân chỉ dành dành cho giới siêu giàu

Theo Viện Nghiên cứu Chính sách của Mỹ, ước tính chỉ có 0,0008% người thuộc tầng lớp giàu có nhất trên thế giới có thể sở hữu máy bay riêng. Họ có tài sản ròng trung bình là 190 triệu USD (~4,5 nghìn tỷ đồng). Hầu hết chủ sở hữu máy bay riêng là nam giới, trên 50 tuổi, kiếm được nhiều tiền trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính hoặc bất động sản.

Giá thành mua một máy bay tư nhân không phải con số nhỏ. Máy bay phản lực nhỏ nhất trên thị trường - chiếc Cirrus SF50 Vision Jet chở được 5 hành khách, có giá 2,2 triệu USD (~53 tỷ đồng). Trong khi những chiếc máy bay đắt đỏ nhất, có sức chứa khủng có thể lên tới 350 triệu USD (~8,4 nghìn tỷ đồng).

Tuy nhiên, điều mà nhà giàu nhận ra sau khi mua máy bay tư nhân là bỏ tiền mua chúng chỉ mới là sự bắt đầu. Bởi chi phí vận hành và bảo dưỡng máy bay tư nhân mới là con số đắt đỏ hơn nhiều. Chỉ tính riêng chi phí vận hành, một chiếc máy bay cỡ trung có thể tốn lên tới 3.000 - 6.000 USD/giờ bay (~72 triệu - 144 triệu đồng).

Tiếp viên hàng không tiết lộ sự thật khi phục vụ giới siêu giàu - Ảnh 4.

Kylie Jenner là một trong những ngôi sao Hollywood sớm sở hữu máy bay riêng khi còn trẻ

- Lý do phổ biến nhất thúc đẩy giới siêu giàu mua máy bay riêng

Đó chính là sự hạn chế tiếp xúc với những người không quen biết, chẳng hạn như chào sân viên soát vé, yêu cầu hành khách khác đổi chỗ...

Alexandra Price (Giám đốc Thương hiệu tại VistaJet - một công ty chuyên cho thuê máy bay tư nhân) cho bay: "Nếu bay hạng phổ thông, bạn có thể tiếp xúc hơn 700 người. Nhưng nếu có máy bay riêng, số lần tiếp xúc này chỉ có hơn 20".

Thông thường, máy bay tư nhân thường bắt đầu di chuyển từ các sân bay nhỏ, đảm bảo sự riêng tư như sân bay Teterboro (thành phố New York) hay Van Nuys ở (thành phố Los Angeles)... Tài xế sẽ đưa khách hàng lên thẳng máy bay trên đường băng. Sau đó, họ được chào đón bởi tiếp viên hàng không riêng, đưa đồ ăn ưa thích phục vụ sẵn và kéo giúp họ hành lý. Khách hàng VIP không cần mang vali có khoá kéo. Họ có đặc quyền riêng là có thể mang theo bất kỳ thứ gì lên máy bay.

Ở một số máy bay tư nhân cao cấp, hành khách được hưởng không khí trong lành và đậm đặc hơn so với chuyến bay của hãng hàng không bình thường. Về cơ bản, máy bay tư nhân là hệ thống hàng không tách biệt, được hưởng nhiều đãi ngộ, kể cả chất lượng không khí so với máy bay thường.

- Kích thước máy bay tư nhân thể hiện địa vị của chủ nhân

Giống như xe hơi, hãng và kích thước của máy bay tư nhân có thể nói lên địa vị xã hội của chủ nhân. Những hành khách giàu có nhất thường chọn máy bay tư nhân là Dassault, Bombardier và Gulfstream.

Tờ New York Magazine cũng chia sẻ những tiết lộ thú vị về gu chọn máy bay tư nhân của những ngôi sao nổi tiếng và CEO hàng đầu thế giới. Chẳng hạn tỷ phú Jeff Bezos, vận động viên Tiger Woods, diễn viên Oprah Winfrey và tỷ phú Bill Gates đều sở hữu máy bay Gulfstream. Trong khi đó, ca sĩ đình đám Taylor Swift có đến 2 chiếc Dassault Falcons, còn cặp vợ chồng quyền lực Jay-Z và Beyoncé sở hữu một chiếc Bombardier Global.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại