"Đúng, thực tế là như vậy. Đây không phải là lần đầu tiên y kiến kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp trừng phạt thêm 12 tháng được đưa ra. Tuy nhiên, 28 nước không nhất trí với ý kiến đó. Tôi có thể nói rằng, hiện tại đã chắc chắn rằng các biện pháp trừng phạt sẽ được gia hạn thời gian thực thi thêm 6 tháng nữa chứ không phải 1 năm”, nguồn tin khẳng định.
Ngoài đòn trừng phạt mới của EU, Mỹ cũng tuyên bố áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Công ty Tài chính Nga. Theo thông báo của phía Mỹ, các biện pháp trừng phạt được áp dụng với công ty của Nga có liên quan đến việc không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Với những bước đi mới nhất nói trên của cả EU và Mỹ, cuộc chiến trừng phạt gây đau đớn cho cả hai bên tiếp tục được kéo dài và dường như không có hồi kết. Moscow tiếp tục phải thất vọng với EU.
EU và Mỹ bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga từ ngày 31/7/2014, sau khi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bùng phát và Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine.
Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Kết quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên.
Trong bối cảnh như vậy, không ít các nước thành viên của Liên minh Châu Âu có xu hướng muốn hàn gắn, khôi phục lại quan hệ với Nga để tránh phải tiếp tục hứng chịu những tổn thất gây ra từ cuộc chiến trừng phạt.
Ngay từ đầu, khi EU áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga, đã có mâu thuẫn nổi lên trong nội bộ nước này. Mâu thuẫn đó ngày càng trở nên sâu hơn khi các nước thành viên EU phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề từ chính sách trừng phạt Nga, đặc biệt là mức độ thiệt hại của các nước thành viên trong EU là khác nhau cũng như giữa EU và Mỹ.
Nga vốn là đối tác thương mại lớn thứ ba của Châu Âu, vì vậy, “đánh” vào nền kinh tế Nga đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp của các nước thành viên EU sẽ phải hứng chịu những hậu quả không khác gì những công ty của Nga.
Việc một số nước thành viên EU lên tiếng kêu gọi hủy bỏ chính sách trừng phạt Nga đã khiến Moscow không ít lần hy vọng. Tuy nhiên, trên thực tế, Nga luôn phải thất vọng trước quyết định của liên minh phương Tây. EU vẫn tiếp tục gia hạn nhiều lần các gói biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Kết quả là đến nay, cuộc chiến trừng phạt giữa Nga và EU không những không có dấu hiệu kết thúc mà còn ngày càng được kéo dài không hồi kết. EU vẫn khăng khăng gắn vấn đề Ukraine với quyết định dỡ bỏ biện pháp trừng phạt. Trong khi đó, Moscow nhiều lần nhấn mạnh, họ sẽ không lùi bước trong lập trường về cuộc khủng hoảng ở Ukraine và chính sách trừng phạt sẽ không có tác dụng với Nga, chỉ làm cho Nga mạnh lên dù có phải hứng chịu nhiều tổn thất.