Bên con đường 70 Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) nhộn nhịp là nơi có một bệnh viện “đặc biệt” mang tên Bệnh viện 09. Đây là nơi chuyên điều trị cho những bệnh nhân “đặc biệt”.
Ban đầu, bệnh viện chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, là các học viên tại các trại tạm giam, trung tâm lao động xã hội, sau này tiếp nhận thêm bệnh nhân tại cộng đồng.
Thành phần bệnh nhân khá phức tạp từ người nghiện chích ma túy, gái bán dâm, hoặc người bị gia đình bỏ rơi khi phát hiện bị nhiễm HIV. Bệnh viện có khoảng 100 giường bệnh, 170 cán bộ y, bác sĩ.
Đằng sau cánh cổng bệnh viện không chỉ có nỗi đau của bệnh nhân mà còn có tiếng thở dài của y bác sĩ - những người làm công tác điều trị.
Bị từ hôn vì là bác sĩ Bệnh viện 09
Là người công tác ở Bệnh viện 09 ngay từ ngày mới thành lập hồi đầu thập niên 90, bác sĩ (BS) Nguyễn Ngọc Hưng bồi hồi kể lại nhiều câu chuyện đau thương.
Tiếng thở dài phía sau cánh cổng Bệnh viện 09
Ông không giấu nổi nỗi buồn: Chẳng riêng gì những người mang trong mình căn bệnh HIV mới bị phân biệt đối xử, ngay cả chúng tôi - những bác sĩ điều trị - cũng đối mặt với sự kỳ thị đến đau đớn.
Khi tham gia hội thảo, sau khi giới thiệu làm ở Bệnh viện 09, một số người đầu tiên thể hiện thương cảm nhưng sau đó họ giữ một khoảng cách giao tiếp nhất định. Tôi chỉ còn biết thở dài. Đến cả hàng quán dịch vụ xung quanh viện này, người ta cũng ra chiều khó chịu, gượng ép khi đón tiếp chúng tôi.
BS Hưng tiếp lời: Thương nhất là những nữ đồng nghiệp trẻ, họ không thể lập gia đình cũng bởi sự kỳ thị nghiệt ngã đó.
BS Hưng kể lại cho chúng tôi nghe về trường hợp của nữ bác sĩ rất xinh đẹp. Cô cố giấu người yêu nơi công tác là Bệnh viện 09 nhưng cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Người yêu cô giận dữ và đòi chia tay.
Cuối cùng, sau những ngày khóc than quỵ lụy, cô cũng được người yêu chấp nhận. Thế nhưng bi kịch lại bắt đầu khi gia đình chồng cương quyết không chấp nhận. Bị từ hôn ngay sát ngày cưới, cô như người mất trí. Sau đó, nữ bác sĩ cũng rời bỏ bệnh viện vì không muốn bất hạnh thêm một lần nữa.
Nhưng BS Hưng cũng khẳng định, chưa bao giờ hối hận khi lựa chọn nghề nghiệp: "Chúng tôi bây giờ là những chiến sĩ thầm lặng chống giặc “H” – giặc tiềm tàng không nhìn thấy hình bóng của nó. Tuy không được vinh danh như những anh hùng trận mạc nhưng cảm thấy mình giúp ích cho đời".
Năm nào cũng có người chuyển công tác
Điều khiến BS Hưng trăn trở nhất là tương lai nhân sự Bệnh viện 09 sẽ như thế nào: “Mỗi năm ít nhất mấy trường hợp xin chuyển công tác vì không chịu được áp lực từ ánh mắt kỳ thị của xã hội. Thậm chí có BS đang là trưởng khoa bỏ hẳn việc, ra ngoài mở phòng mạch.
Gần như BS trẻ dấn thân vào nghề này rất hiếm. Chúng tôi không thể tuyển BS. Có những bác BS người Hà Nội muốn đến thử sức nhưng rồi một đi không trở lại.
Chỉ người ngoại tỉnh có ước muốn khát khao lập nghiệp, sinh sống ở đất Thủ đô nhưng không có khả năng xin đi các bệnh viện khác mới về đây.
Trong thâm tâm nhiều người chỉ xem đây là “chốn tạm” trong lúc tìm đường”, BS Hưng đượm buồn khi nhắc về điều này.