Quá trình học tập và làm việc của Tiến sĩ Lê Văn Tri, nhà khoa học sở hữu nhiều bằng sáng chế nhất Việt Nam
Được biết, Tiến sĩ Lê Văn Tri sinh năm 1952 tại một gia đình công chức ở Thanh Hóa.
Với khả năng nhạy bén với môn Toán và Sinh học, năm 1969, ông đã chọn thi vào trường Đại học Tổng hợp Kisinhop, Liên Xô cũ và trúng tuyển vào khoa Tổng hợp sinh, chuyên ngành vi sinh vật.
Lý do ông chọn ngành vi sinh vật trong khi các bạn bè khác chọn ngành sinh lý động vật hay thực vật bởi ông nhận thấy đây là ngành giúp ông làm được nhiều thí nghiệm với đặc tính của vi sinh vật là phát triển rất nhanh, chỉ một tiếng cho ra đời bao thế hệ.
Trong suốt quá trình học tập, ông luôn tập trung nghiên cứu và phụ vIệc ở phòng thí nghiệm của Viện Hàn lâm Liên Xô để được sống với đam mê.
Với sự cần mẫn, nghiêm túc, cuối năm thứ tư, phần thưởng ông nhận được là giải nhì "Olympic sinh viên với tiến bộ khoa học kỹ thuật toàn liên bang Nga" khi mới 20 tuổi.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Kisinhop năm 1975, ông trở về quê phục vụ đất nước và được phân công làm việc tại Trung tâm nghiên cứu vi sinh vật thuộc Viện khoa học Việt Nam.
Năm 1988 ông bảo vệ luận án tiến sĩ sinh học tại Viện KH&CN Việt Nam với công trình "Nghiên cứu điều kiện sản xuất Gibberellin A3 trên môi trường xốp từ một số chủng nấm Fusarium moniliforme Sheldon và ứng dụng cho một số cây trồng ở Việt Nam".
Sau đó ông tiếp tục thực tập sau tiến sĩ tại Viện Sinh lý Thực vật Timiliazev (Moskva) và Viện Quang hợp – Thổ nhưỡng (Pusino) – Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô và trở về làm việc tại Việt Nam.
Hai năm sau, thời điểm Việt Nam chưa có doanh nghiệp khoa học công nghệ, ông và một số người bạn có ý tưởng thành lập liên doanh khoa học và sản xuất với mong muốn đưa sản phẩm tới người dân, tránh tình trạng nghiên cứu xếp ngăn kéo.
Những thành tựu của Tiến sĩ Lê Văn Tri
Mặc dù có thể trở thành doanh nhân với nhiều mối quan hệ trong và ngoài nước nhưng Tiến sĩ Lê Văn Tri vẫn thích sống với niềm đam mê trong phòng thí nghiệm.
Vào thời điểm đó, một đơn vị ở Liên Xô muốn ký hợp đồng về việc nhập giống khoai tây bi nảy mầm để làm giống, ở Việt Nam người dân thường vứt bỏ củ bé đi.
Và nhờ nghiên cứu, Tiến sĩ Tri đã thành công khi sử dụng phương pháp kích thích nảy mầm nhờ gibberellin - chất mà ông đã làm ra trong luận án tiến sĩ - với liều lượng phù hợp để khi khoai tây từ Việt Nam sang Liên Xô sẽ nẩy mầm thành cây giống.
Suốt 40 năm kiên trì với khoa học vì nền nông nghiệp phát triển bền vững, từ năm 1991 đến nay từ chỗ chỉ có 16 bằng sáng chế, hiện ông sở hữu 21 bằng liên quan đến công nghệ sinh học, như: Quy trình sản xuất phân phức hợp hữu cơ vi sinh; Chế phẩm tăng năng suất lúa, công nghệ xử lý rơm rạ sau thu hoạch làm phân bón hữu cơ tại ruộng bằng chế phẩm sinh học...
Các công nghệ đều được chuyển giao và nhận phản ứng tích cực từ người sử dụng.
Năm 2013, Tổ chức xác lập kỷ lục Việt Nam xác nhận tiến sĩ Lê Văn Tri - người có nhiều bằng sáng chế trong lĩnh vực công nghệ sinh học nhất.
Nhìn lại chặng đường đã qua, ông cho biết muốn thành công trong nghiên cứu khoa học phải kiên trì, tạo ra nhiều sáng chế ứng dụng vào thực tiễn sẽ "không bao giờ nghèo".
Mới đây nhất, Công trình thâm canh trồng sả trên vùng đất biến đổi khí hậu để thu tinh dầu phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh của tiến sĩ Lê Văn Tri (65 tuổi, Hà Nội) cùng đồng nghiệp, vừa giành giải nhất Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2016 (VIFOTEC) và cúp vàng WIPO thế giới 2016.
Mở đầu, Tiến sĩ Tri đã sử dụng công nghệ áp lực phá vỡ tế bào để chưng cất tinh dầu. Sau đó, nhận thấy thực trạng lượng lớn nguồn bã thải sau chưng cất tinh dầu tại các cơ sở hiện nay chưa được sử dụng hiệu quả, mà phương án xử lý chủ yếu vẫn là đốt, rải trên mặt ruộng gây ô nhiễm môi trường, ông đã nghiên cứu sử dụng nó làm nguyên liệu hữu cơ để sản xuất phân bón vi sinh, hạn chế sử dụng phân bón hóa học với sự hỗ trợ của máy băm nghiền lá sả khô 3A của anh Nguyễn Hải Châu.
Có thể nói, với gần 40 năm gắn bó và làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và vi sinh, Tiến sĩ Lê Văn Tri đã khẳng định được vị thế của mình là một nhà khoa học hàng đầu.