"Đôi hài 7 dặm" giúp doanh nghiệp thành công
Tiến sĩ Marco Iansiti, giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard, nhận xét: "Các mô hình kinh doanh truyền thống có xu hướng tập trung vào kỹ năng nội bộ không còn phù hợp trong một thế giới với các hệ sinh thái có tính kết nối cao. Ngày nay, các công ty thành công thường tận dụng những kỹ năng được chia sẻ của một mạng lưới đối tác hoàn chỉnh để đạt được lợi thế cạnh tranh".
Trong khi đó, nhiều công ty, tập đoàn lớn trên thế giới đã trải qua một quá trình dài ứng dụng tư duy logic phân tích và giải quyết vấn đề, nhưng coi nhẹ tính sáng tạo, khiến giải pháp chiến lược thiếu tính linh hoạt và kịp thời. Không ít "ông lớn" công nghệ đã và đang "rùa bò" trong việc đáp ứng nhu cầu, mong muốn, hành vi khác biệt của tầng lớp người tiêu dùng mới. Đây chính là lý do khiến các đế chế Nokia, Kodak, Toshiba… từ từ lụi tàn, sụp đổ.
Tư duy thiết kế chính là giải pháp tạo ra nền văn hóa nuôi dưỡng tư duy và hành động sáng tạo, giúp doanh nghiệp thoát khỏi lối kinh doanh truyền thống, tích cực tham gia các hệ sinh thái kinh doanh để cộng sinh trên thị trường.
Tư duy này tập trung vào việc tạo ra giá trị cho khách hàng bằng cách tập trung vào nghiên cứu, phát triển và chạy thử các sản phẩm, dịch vụ mới. Thay vì tập trung vào việc giảm chi phí hoặc tăng doanh số bằng cách tăng giá hoặc quảng cáo, tư duy thiết kế trong tăng trưởng kinh doanh tập trung vào việc tạo ra giá trị cho khách hàng và xây dựng mối quan hệ lâu dài với họ. Qua đó, doanh nghiệp sẽ tăng trưởng bền vững và tạo ra lợi nhuận dài hạn.
Bài học nhìn từ các ông lớn
Trước đây, các nhà thiết kế thường chỉ tham gia vào các phần sau của quá trình phát triển sản phẩm mới, với trọng tâm là tính thẩm mỹ và chức năng của sản phẩm. Sau đó, nhiều tổ chức xã hội, doanh nghiệp đã nhận ra lợi ích của việc tích hợp quá trình thiết kế vào các chính sách và thực tiễn của tổ chức. Họ đã sử dụng tư duy thiết kế để nâng cao năng lực xây dựng và đổi mới.
Những công ty đã áp dụng tư duy thiết kế để tăng trưởng kinh doanh trong giai đoạn kinh tế nền tảng sử dụng các nguyên tắc đóng góp vào thành công hiện tại và tương lai của họ. Các giá trị và nguyên tắc lãnh đạo thể hiện những mô hình lặp đi lặp lại như trường hợp của Apple, Amazon, Google, Tencent và Alibaba. Nhiều tuyên bố trong số này tương đồng với tư duy thiết kế và tư duy hệ thống, là cơ sở cho việc thiết kế hệ sinh thái kinh doanh.
Yếu tố quan trọng nhất với các công ty được nhắc đến ở trên là định hướng khách hàng. Trong trường hợp của Amazon, khách hàng là đối tượng ưu tiên hàng đầu - "100% định hướng khách hàng".
Amazon đưa ra 16 nguyên tắc lãnh đạo, bao gồm: Nỗi ám ảnh về khách hàng; Quyền sở hữu; Phát minh và đơn giản hóa; (Các nhà lãnh đạo) đúng, rất nhiều; Học hỏi và tò mò; Tuyển dụng và phát triển tốt nhất; Nhấn mạnh vào các tiêu chuẩn cao nhất; Nghĩ lớn; Thiên vị cho hành động; Tiết kiệm; Nhận được sự tin tưởng; Đào sâu; Có bản lĩnh; không đồng ý và cam kết; Cung cấp kết quả; Phấn đấu trở thành nhà tuyển dụng tốt nhất trên Trái đất; Thành công và mở rộng quy mô mang lại trách nhiệm rộng rãi.
Bộ giá trị của Google cũng đặt người dùng lên hàng đầu. Cụ thể, bộ giá trị này bao gồm: Đặt người dùng ở vị trí đầu tiên, những thứ khác sẽ tự động theo sau; Tốt nhất là làm điều gì đó đúng đắn; Nhanh tốt hơn là chậm; Dân chủ trong các hoạt động trên Internet; Không phải lúc nào bạn cũng ngồi vào bàn làm việc khi cần câu trả lời; Kiếm tiền mà không làm hại bất kỳ ai; Luôn có thêm những thông tin ở đâu đó; Thông tin là cần thiết trên tất cả các biên giới; Trang trọng mà không cần mặc vest; Tốt thôi là chưa đủ.
Trong khi đó, Apple đặt ra 7 nguyên tắc lãnh đạo. Đó là: Sản phẩm tuyệt vời - thiết kế những sản phẩm tuyệt vời sẽ thay đổi thế giới; Đơn giản, không phức tạp - đơn giản tốt hơn phức tạp; Xuất sắc - tham gia vào các thị trường trong đó tạo ra sự đóng góp đáng kể; Nói không - nói không với hàng nghìn dự án trong khi đang tập trung vào một vài dự án thực sự quan trọng và có ý nghĩa với chúng ta; Cộng tác - cộng tác chặt chẽ, cộng tác chéo (tạo cảm hứng lẫn nhau) để đổi mới sáng tạo một cách độc đáo; Chấp nhận sai lầm - xuất sắc trong công ty, trung thực trong việc xử lý sai lầm, và can đảm để thay đổi; Hệ sinh thái - quyền sở hữu và kiểm soát công nghệ chính đằng sau các sản phẩm và dịch vụ.
Văn hóa của Tencent cũng bao gồm: Khách hàng là trung tâm (lắng nghe khách hàng, đáp ứng nhu cầu và vượt quá cả sự mong đợi của họ); Tất cả nhân viên được liên tục khuyến khích để nâng cao danh tiếng của công ty (nhân viên tự hào khi được Tencent tuyển dụng); Phát triển bền vững và trở thành người chơi được công nhận trong nền kinh tế số (những dự án cộng tác với các tác nhân khác trong hệ sinh thái kinh doanh hướng tới đôi bên cùng có lợi là nền tảng thành công của chúng ta);...
Trong khi đó, đồng hương Alibaba đưa ra sứ mệnh "102 năm", có nghĩa là tư duy và xây dựng mối quan hệ dài hạn với những người tham gia trong hệ sinh thái kinh doanh. Tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị của Alibaba gói gọn trong 10 câu.
Nổi bật trong đó là: Giúp khách hàng dễ dàng kinh doanh mọi lúc, mọi nơi; Là sự lựa chọn đầu tiên với các nền tảng mà dữ liệu được chia sẻ; Là một công ty có nhân viên hạnh phúc nhất; Tồn tại ít nhất 102 năm; Khách hàng trước tiên (quyền lợi của người dùng và khách hàng trả tiền sẽ được ưu tiên hàng đầu)...
Tất cả những lý thuyết và ứng dụng thực tế kể trên có thể được tìm thấy trong bộ sách về tư duy thiết kế (design thinking), gồm cuốn "Tư duy thiết kế ứng dụng trong phát triển doanh nghiệp" của Michael Lewrick.
Ông là tác giả sách bestseller, đoạt giải thưởng về tư duy thiết kế và lãnh đạo tư tưởng thiết kế hệ sinh thái kinh doanh, doanh nhân kinh doanh và là giáo sư thỉnh giảng tại nhiều trường đại học khắp thế giới.
Trong cuốn "Tư duy thiết kế ứng dụng trong phát triển doanh nghiệp" (NXB Công Thương, Alpha Books vừa phát hành), tác giả chia sẻ các phương pháp và công cụ thiết kế quan trọng nhất mà doanh nghiệp cần để tạo nên thành công cho hệ sinh thái của riêng mình.