Tiêm kích tàng hình F-22 là một chương trình vô cùng đắt đỏ, trị giá 108 tỷ đô la và vào thời điểm được phát triển, nó là máy bay chiến đấu tiên tiến nhất trên thế giới.
Để vận hành và bảo trì F-22, cơ quan chủ quản phải tiêu tốn không ít tiền của. Ví dụ như, Không quân Mỹ đã phải bỏ ra 68.000 đô la mỗi giờ bay - nhiều hơn F-15E Strike Eagle và F-16C Fighting Falcon.
Vậy tại sao Quân đội Mỹ vẫn nhất quyết “tậu” F-22, bất chấp chi phí đắt đỏ?
Đắt xắt ra miếng
F-22 Raptor được đưa vào sử dụng năm 2005 với tư cách là máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không uy lực nhất của Không quân Mỹ và ngày nay vẫn được coi là tiêm kích phản lực hùng mạnh nhất mà phương Tây từng chế tạo.
Raptor được phát triển từ cuối những năm 1970 với mục đích khôi phục vị thế thống lĩnh trên không của Mỹ, điều mà trước đây nước này đã đạt được nhờ F-15C Eagle nhưng sau đó 10 năm lại bị soán ngôi bởi sự ra đời của Su-27 Flanker và MiG-31 Foxhound do Liên Xô chế tạo.
Đây là những lý do chính có thể lý giải cho quyết định của Lầu Năm Góc: Khả năng tàng hình; tốc độ siêu hành trình; có thể bay ở tốc độ cao mà không cần đốt sau; tính linh hoạt cao; và tất nhiên là khả năng cơ động tuyệt vời. Không quân Mỹ cho rằng F-22 rất đáng để đầu tư.
F-22 Raptor của Không quân Mỹ (USAF) trong một cuộc thử nghiệm hoạt động
F-22 là một chương trình đầy tham vọng và lạc quan của Quân đội Mỹ nhưng số lượng đặt hàng lại sớm bị cắt giảm. Ban đầu, Không quân Mỹ muốn mua 750 chiếc F-22.
Con số đó giảm xuống còn 648 chiếc vào năm 1996 và tiếp tục bị cắt giảm thêm vài lần nữa cho đến khi chỉ còn 183 chiếc vào năm 2006. Một phi đội gồm 195 chiếc F-22 cuối cùng cũng đã được sản xuất, 8 chiếc trong số đó là máy bay thử nghiệm.
Tiêm kích F-22 rất được Nhật Bản và Australia quan tâm nhưng luật liên bang cấm xuất khẩu loại máy bay này nên Không quân Mỹ là khách hàng duy nhất. Mỗi chiếc F-22 có giá từ 137 triệu USD đến 340 triệu USD, tùy thuộc vào cách tính chi phí bay.
Máy bay cũng có chi phí vòng đời như tiếp nhiên liệu, bảo dưỡng và phụ tùng ước tính lên tới 59 tỷ USD. Lớp phủ tàng hình của F-22 thường luôn phải được bảo trì vì các chuyến bay siêu thanh tạo ra nhiệt độ rất cao.
Không quân Mỹ có kế hoạch sử dụng F-22 cho đến năm 2030, đồng thời liên tục duy trì hoạt động nâng cấp cho đến khi nó được thay thế bằng máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không thế hệ kế tiếp (NGAD).
Bộ đôi F-22. Ảnh: Lockheed Martin
Vai trò chưa thể thay thế
Lầu Năm Góc tin rằng vai trò thống trị trên không của F-22 và các thuộc tính tàng hình khiến nó trở thành một phần quan trọng trong kho vũ khí của Mỹ trong bối cảnh các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc gia tăng.
F-22 có thể lén theo dõi máy bay chiến đấu của đối phương mà không bị phát hiện và thu thập dữ liệu của nhiều mục tiêu. Nhận thức tình huống của phi công cũng được tăng cường.
Về tên lửa không đối không, F-22 mang theo 6 tên lửa tầm xa AIM-120D AMRAAM và 2 tên lửa tầm ngắn AIM-9X trong khoang vũ khí bên trong, tức có trọng tải tương tự như chiếc F-15C tiền nhiệm và gấp hai lần F-35A. AIM-120D có tầm bắn 180km và thay thế cho tên lửa AIM-120C cũ hơn có tầm bắn 105km.
Động cơ của F-22 cho phép nó tạo ra nhiều lực đẩy hơn bất kỳ máy bay chiến đấu nào khác. Đối phương khó có thể phát hiện và đuổi kịp F-22. Các hệ thống tác chiến và đối kháng điện tử được trang bị gia tăng đáng kể khả năng sống sót cho F-22.
Đúng là F-22 rất đắt đỏ mà lại còn rất tốn kém trong quá trình bảo trì. Thế nhưng, Không quân Mỹ vẫn cần nó như một lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không và để xâm nhập vào không phận được phòng thủ dày đặc của đối phương.
F-22 thực tế là một người bạn đồng hành tốt với F-35 và cũng tích hợp rất tốt với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư như F-15 và F-16.