Tiệm bánh 65 tuổi ở Nhật Bản: Rộng 6m2, chỉ bán 2 loại bánh, nguyên thủ quốc gia muốn ăn cũng phải xếp hàng

“Nếu làm hãy làm ra sản phẩm hoàn hảo nhất, nếu không thì đừng làm nữa”.

Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp Nhật vẫn còn rất nhiều khó khăn. Nửa đầu năm 2016, có đến 4.273 doanh nghiệp Nhật lâm vào cảnh phá sản.

Giá trị các khoản nợ không trả được mà các doanh nghiệp Nhật đang ôm lên đến 793 tỷ yên.

Thế nhưng cùng lúc đó, có không ít cửa hàng nhỏ bán chỉ riêng 1 vài sản phẩm trong suốt hàng thập kỷ qua lại có lợi nhuận khiến nhiều ông chủ phải ước mơ.

Gần ga Kichijoji, Tokyo, Nhật Bản có một cửa hàng nhỏ rộng chỉ 6 mét vuông tên là Ozasa.

Cửa hàng này chỉ bán 2 loại bánh và 2 loại bánh đó mang lại cho cửa hàng doanh thu lên đến hơn 160 triệu yên mỗi năm.

Danh tiếng của cửa hàng bánh nổi tiếng này không chỉ giới hạn trong phạm vi nước Nhật mà còn thu hút hàng nghìn du khách nước ngoài tìm đến đây mỗi năm.

Tuy nhiên, gần như tất cả trong số đó phải ra về trong tiếc nuối.

Những ngày mùa hè tháng 7 tại Tokyo. 4h35 phút sáng, khi chuyến tàu đầu tiên của ngày đến ga Kichijoji, người ta thấy một người phụ nữ vội vàng đi ra khỏi ga tàu và đến xếp hàng bên ngoài cửa hàng.

Ngay sau bà là 2 người đàn ông trung niên đến từ tỉnh Ishikawa. Chỉ vài phút sau đó là một khách du lịch đến từ đảo Hokkaido, cực Bắc nước Nhật.

Tiệm bánh 65 tuổi ở Nhật Bản: Rộng 6m2, chỉ bán 2 loại bánh, nguyên thủ quốc gia muốn ăn cũng phải xếp hàng - Ảnh 1.

Mới chưa đến 5h sáng nhưng đã có nhiều người mang ghế đến xếp hàng chờ được mua bánh Yokan và Monaka.

Tuy nhiên còn có những người đến sớm hơn nữa, họ lấy số rồi tranh thủ đi công việc rồi quay lại mua bánh.

Chỉ trong khoảng 10 phút sau đó, thêm 2 sinh viên và 2 người già đến xếp hàng.

Và cứ như thế, sau 2 tiếng, tức là khoảng 6h rưỡi sáng, đã có 37 người xếp hàng. Đến 8h sáng, 150 suất mua bánh Yokan của cửa hàng Ozasa đã kín chỗ.

Tiệm bánh 65 tuổi ở Nhật Bản: Rộng 6m2, chỉ bán 2 loại bánh, nguyên thủ quốc gia muốn ăn cũng phải xếp hàng - Ảnh 2.

Đến 8h sáng đã có hàng chục người đứng chờ mua hàng.

10h cửa hàng mới mở cửa. Một tuần cửa hàng mở cửa 6 ngày, chỉ trừ ngày thứ Ba. 

Nhiều người mang theo cả ghế để ngồi trong lúc chờ đợi cho đỡ mỏi chân, có những người mang theo con nhỏ đứng chờ.

Những người bán hàng xung quanh đã quá quen thuộc với sự đông đúc của cửa hàng này, họ cho biết vào ngày thường, số lượng suất mua bánh hết chậm hơn. 

Nếu vào ngày thứ Bảy, Chủ Nhật, chỉ từ 4h rưỡi sáng đến 7h sáng, đã có 70-80 người xếp hàng kín, nhưng khi nào cũng chỉ có đúng 150 suất mua bánh yokan ozasa. 

Hàng chục người đến sau sẽ chỉ được mua bánh monaka.

Mỗi ngày, hiệu bánh chỉ bán ra đúng 150 chiếc bánh thạch nhân đậu yokan. Theo quy định, để cơ hội thưởng thức đến được với nhiều người hơn, mỗi người chỉ được phép mua 3 cái.

Tiệm bánh 65 tuổi ở Nhật Bản: Rộng 6m2, chỉ bán 2 loại bánh, nguyên thủ quốc gia muốn ăn cũng phải xếp hàng - Ảnh 3.

Quản lý cửa hàng bánh nhiệt tình cho khách xem những hộp bánh Yokan mới ra lò được đưa đến cho ngày bán hàng mới.

Trong khi khách bận rộn xếp hàng thì chủ nhân cũng tất bật không kém, ông Sochi Furawa, quản lý của cửa hàng cho biết hàng ngày chủ hiệu bánh, cũng như ông và những người làm việc trong cửa hàng phải thức dậy từ 3h sáng để làm các mẻ bánh và sau đó đóng hộp chuyển đến đây.

Bánh luôn phải đảm bảo đúng quy chuẩn và sự tươi ngon.

Cũng từ 5h sáng, khi những người khách đầu tiên xếp hàng bên ngoài thì những người chủ như ông cũng đang tất bật chuyển bánh, xếp bánh cho một ngày bán hàng mới.

Tiệm bánh 65 tuổi ở Nhật Bản: Rộng 6m2, chỉ bán 2 loại bánh, nguyên thủ quốc gia muốn ăn cũng phải xếp hàng - Ảnh 4.

Người khách đến xếp hàng sớm nhất, từ 4h rưỡi sáng. Phiếu màu vàng ghi số 1 là phiếu xếp hàng được phát đầu tiên trong ngày.

Tiệm bánh Saredo Yokan sau này có tên là Ozasa được mở ra tại Kichijoji vào năm 1951. Đến nay, lịch sử của hiệu bánh đã trải qua 65 năm.

65 năm qua, hiệu bánh vẫn trung thành với duy nhất 2 loại bánh bao gồm bánh monaka sốt đậu đỏ hoặc đậu trắng và bánh thạch nhân đậu yokan.

Tuy nhiên loại bánh làm nên sự nổi tiếng vượt trội của cửa hàng chính là bánh thạch nhân đậu yokan, dù loại bánh đầu tiên cũng mang lại doanh thu lớn.

Một du khách người Mỹ may mắn được đi xếp hàng cùng người bạn Nhật của mình nói: “Tôi đã đọc về hiệu bánh này trên mạng Internet và trong lần du lịch hiếm hoi đến Nhật, tôi quyết tâm dậy thật sớm để đến đây mua ăn thử một lần cho biết.”

Còn theo một phụ nữ Nhật khác đến từ Nara, anh trai bà đã ao ước ăn món bánh của cửa hàng này đến cả 40 năm nay mà điều kiện kinh tế có hạn nên họ không thể lên được thủ đô.

Nay họ cũng đã già, anh trai bà không đi lại được nữa, bà sẽ mua bánh và mang về ngay trong ngày để cả hai cùng thưởng thức

Từ năm 1951 đến năm 2011, tức là trong 60 năm, cửa hàng quy định mỗi người được mua 5 cái.

Tuy nhiên vào năm 2011, sau khi quá nhiều người phàn nàn về việc số lượng 30 người được mua mỗi ngày là quá ít, số lượng bánh từng khách hàng được mua giảm xuống chỉ còn 3.

Bánh có thể để được khoảng 5 tháng.

Những người thích bánh của cửa hàng Ozasa không chỉ giới hạn trong những người dân thường và khách du lịch, mà còn là rất nhiều doanh nhân của các tập đoàn hàng đầu nước Nhật, thậm chí cả rất nhiều chính trị gia.

Nhưng cửa hàng luôn có quy định rõ ràng: Không một ai, kể cả Thủ tướng hay bất kỳ thành viên nội các nào, được quyền ưu tiên không phải xếp hàng.

Quy định xếp hàng và mua hàng cũng rất ngặt nghèo: Khách đến phải lấy số, không được đứng chắn cây ATM, che máy bán hàng tự động, gây cản trở giao thông, nói chuyện ồn ào.

Mỗi người mỗi ngày chỉ được 1 suất mua 3 chiếc. Khi mua được nhận phiếu mua hàng và hóa đơn.

Tiệm bánh 65 tuổi ở Nhật Bản: Rộng 6m2, chỉ bán 2 loại bánh, nguyên thủ quốc gia muốn ăn cũng phải xếp hàng - Ảnh 5.

Đối với rất nhiều người khách, mua được bánh Yokan tại đây là niềm vinh dự và sau khi mua xong, họ chụp ảnh cho nhau làm kỷ niệm.

Cửa hàng cũng khẩn thiết đề nghị khách không được bán lại bánh mà hãy thưởng thức nó. Khách có thể mang theo một chiếc ghế nhỏ để ngồi chờ cho đỡ mỏi chân.

Khi bỏ hàng trong chốc lát, khách phải báo cho những người xung quanh và giữ phiếu. Tuyệt đối không đi ô tô đến cửa hàng vì không có chỗ đỗ xe.

Bà Atsuko Inagaki thừa hưởng cửa hàng bánh từ cha mình cách đây khoảng hơn 10 năm. Cha của bà có 6 người con gái nhưng chỉ duy nhất bà chịu được tính khí khắc nghiệt của ông.

Bà kể lại, ông cụ dạy rằng, người nghệ nhân mỗi khi bước vào làm bánh thì hãy quên hết thế giới bên ngoài, chỉ chuyên tâm vào những chiếc bánh thạch mà họ làm ra.

Cha của Atsuko Inagaki dạy bà một bài hát mà bà luôn phải nhớ như in trong đầu: “Hãy lắng nghe tiếng nói của lửa, của than đá, của gió xuyên qua cánh cửa, của những hạt đậu.

Hãy yêu những hạt đậu và lắng nghe giai điệu mà chúng tạo ra.” Và bà cho biết, chỉ khi nào sự nhập tâm vào chiếc bánh lên đến đỉnh cao, mới có thể tạo được ánh sáng tím cho những miếng thạch của mình.

Bà vẫn nhớ như in không biết bao nhiêu lần những chiếc bánh của bà làm ra chỉ được cha bà cắn đúng một miếng nhỏ và ném thẳng vào sọt rác và bỏ đi không nói gì.

Bà cho biết: “Cha tôi rất kiệm lời, tôi cứ miệt mài làm bánh cho ông ăn mỗi ngày trong suốt hơn 10 năm, cho đến một ngày, ông nói: “Được”, trái tim tôi như vỡ tan vì hạnh phúc”.

Cha bà luôn nhắc bà rất nhiều về việc đảm bảo nguồn đậu, nước, nguyên liệu thạch chuẩn nhất cho khách.

Kể cả nguồn nhiên liệu đốt nóng là than củi cũng phải được người trong gia đình kiểm soát cẩn thận hàng ngày để đảm bảo sự hoàn hảo.

Bà kể lại có lần mẻ thạch đã làm gần xong, bất chợt ông vào kiểm tra và bảo không đạt chuẩn, thế là tất cả mẻ thạch ngày hôm đó đổ đi và ông ra xin lỗi khách hàng.

Cha bảo bà: “Nếu làm hãy làm ra sản phẩm hoàn hảo nhất, nếu không thì đừng làm nữa”.

Tiệm bánh 65 tuổi ở Nhật Bản: Rộng 6m2, chỉ bán 2 loại bánh, nguyên thủ quốc gia muốn ăn cũng phải xếp hàng - Ảnh 6.

Bánh yokan.

Khi làm bánh, bà luôn phải rửa mặt, uống một cốc nước lạnh, cột tóc lên cao và đội mũ trùm để không một sợi tóc mảnh mai hay giọt mồ hôi nào có thể rơi xuống nồi bánh.

Sau đó, khoảng 2 bộ quần áo chuyên dụng luôn được chuẩn bị sẵn, cứ xong một mẻ bánh, bà sẽ thay một bộ quần áo.

Mỗi ngày gia đình chỉ nấu 3 nồi đậu, mỗi nồi đậu cần nấu đúng 10 tiếng rưỡi, chính vì vậy mỗi ngày chỉ có thể bán đúng 150 chiếc bánh thạch nhân đậu.

Hiện tại, giá mỗi chiếc bánh thạch nhân đậu là 675 yên (đã có thuế), mỗi ngày bán 150 chiếc, một tháng nghỉ 4 ngày, doanh thu từ bánh thạch nhân đậu của cửa hàng mỗi tháng ước khoảng xấp xỉ 2,65 triệu yên và một năm là 31,8 triệu yên.

Mỗi ngày cửa hàng bán ra 6.000 bánh monaka, giá trung bình khoảng 70 yên/cái, mỗi năm doanh thu từ bánh monaka đạt 131 triệu yên.

Vậy tính chung, cửa hàng vị trí khoảng 6 mét vuông nhỏ xíu này mỗi năm mang lại doanh thu 160 triệu yên (khoảng 35 tỷ đồng) cho chủ, một con số mơ ước với rất nhiều doanh nghiệp Nhật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại