Tích tụ đất đai cho sản xuất hàng hóa: Chuyện buồn dự án “siêu nông”

Trung Thành |

Câu chuyện về “siêu dự án” nông nghiệp chết yểu đã hơn 10 năm, chủ nhân dự án cũng không muốn nhắc lại chuyện buồn đó!

Câu chuyện về “siêu dự án” nông nghiệp chết yểu đã hơn 10 năm, chủ nhân dự án cũng không muốn nhắc lại chuyện buồn đó!

Ông Tạ Quyết Thắng chỉ ngao ngán: “Tôi thoát ra khỏi dự án này như thoát được một kiếp nạn”.

LTS: Chủ trương tích tụ đất đai cho sản xuất lớn, sản xuất hàng hóa được kỳ vọng sẽ đem đến đột phá trong nông nghiệp, có thể hình thành một thị trường đất đai đúng nghĩa kết hợp với chính sách chuyển đổi sinh kế phù hợp cho nông dân. Đây là một trong những nội dung Chính phủ đề nghị đưa vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Tích tụ đất đai cho sản xuất hàng hóa: Chuyện buồn dự án “siêu nông” - Ảnh 1.

Một phần diện tích đất nông nghiệp của 36 hộ dân đến nay vẫn đang bị bỏ hoang

Cuối năm 2009, ông Tạ Quyết Thắng – Giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường (Hải Phòng) ký hợp đồng thuê hàng trăm ha ruộng của các hộ dân thuộc các xã An Tiến (huyện An Lão), Khởi Nghĩa (huyện Tiên Lãng) và 3 xã Trấn Dương, Cổ An, Tam Đa (huyện Vĩnh Bảo) để ấp ủ “siêu” dự án nông nghiệp.

Với mức giá thuê 125 kg thóc/sào/vụ, khí đó là “món hời” cho hàng nghìn hộ nông dân, bởi trào lưu thoát ly làm công nhân ở Hải Phòng ngày đó đang “mốt”. Nhiều cánh đồng “bờ xôi ruộng mật” nhưng đã bỏ hoang bỗng nhiên như “của trên trời” rơi xuống cho người nông dân. Ấy là chưa kể, chính người dân có ruộng cho thuê lại được nhận làm công nhân trên những nông trại ấy.

Và hàng trăm ha ruộng đã được Công ty TNHH Sơn Trường ký với các hộ nông dân được sự nhất trí của chính quyền địa phương. Vốn là doanh nghiệp có tiềm lực tài chính khá tốt nên Sơn Trường đã thanh toán đầy đủ theo các điều khoản trong hợp đồng đã ký kết với người dân. Mô hình “liên minh nông trang” được ra đời từ đó.

Ý tưởng đẹp đẽ ấy từ doanh nghiệp và người nông dân tưởng sẽ được đơm hoa kết trái. Sau khi hoàn thiện các thủ tục theo quy định, Công ty TNHH Sơn Trường đã tiến hành xây dựng một số công trình để phục vụ cho việc trồng rau.

Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn khi đi vào hoạt động, mô hình “chủ nghĩa hóa” ấy đã không vận hành như mong muốn. Người dân vốn quen tác phong làm việc kiểu “hợp tác xã” nay được áp dụng phương án “khoán sản phẩm” thì thấy khó khăn, bế tắc rồi bỏ việc.

Sau hơn 1 năm hoạt động không hiệu quả, đến năm 2011 Công ty TNHH Sơn Trường đã quyết định trả lại đất cho các hộ dân để họ tiếp tục sản xuất. Vậy là ruộng hoang lại quay về… ruộng hoang.

Vũng lầy dự án

“Mình đi không đúng đường, bởi vì có nói đúng cũng không ai nghe. Bởi, nó cực kỳ phức tạp, phải có sự tư duy từ bậc tối cao” – đó là những lời ít ỏi khi ông Thắng nhắc lại chuyện buồn này. Bởi, khi trả lại ruộng cho bà con, chuyện đã không đơn giản như lúc thuê. Với những diện tích chưa triển khai, bà con nông dân đã vui vẻ nhận lại, bởi họ đã được trả tiền thuê ruộng như cam kết mà chẳng mất gì.

Tích tụ đất đai cho sản xuất hàng hóa: Chuyện buồn dự án “siêu nông” - Ảnh 2.

“Siêu dự án” nông nghiệp có lẽ là dự án “tiền mất, tật mang” đầy đau đớn đối với Sơn Trường

Tuy nhiên, vướng mắc nhất ở phần thuê của 501 hộ dân tại xã An Tiến (huyện An Dương) mà doanh nghiệp đã đưa vào hoạt động. Đã có 465 hộ dân được thanh toán sản lượng, tuy nhiên còn lại 36 hộ dân chưa thực hiện được việc đền bù do vướng thủ tục pháp lý. Câu chuyện bồi thường cho 36 hộ dân lình xình và kéo dài nhiều năm sau đó.

Nguyên nhân được xác định do chính quyền huyện An Lão ngày đó đã như người ngoài cuộc, không phối hợp xử lý rốt ráo dẫn đến sự việc kéo dài và phát sinh nhiều phức tạp.

“Siêu dự án” nông nghiệp có lẽ là dự án “tiền mất, tật mang” đầy đau đớn đối với Sơn Trường. Không chỉ mất thời gian, mất uy tín mà những người trong cuộc đều hiểu rằng doanh nghiệp đã phải bỏ ra rất nhiều tiền ném cho dự án này. Câu chuyện không chỉ đơn thuần là tiền, bởi ai cũng biết sau này Sơn Trường có thể bỏ ra 80 tỷ đồng tặng riêng cho nhân dân Hải Phòng mà không đưa ra bất kỳ điều kiện nào.

Mất tiền, mất niềm tin và chịu đầy… thị phi, dự án “siêu nông nghiệp” của Sơn Trường bị cho rằng ôm đất đón dự án. Và, cũng như cây cầu nói trên, người ta cho rằng Sơn Trường có “động cơ” chứ chẳng ai bỏ tiền túi làm “từ thiện” gần trăm tỷ chẳng với điều kiện gì.

Với dự án “siêu nông nghiệp”, Sơn Trường đã mất tất (thậm chí cả niềm tin). Thứ được nhất của doanh nghiệp, đó là… bài học!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại