Thủy quái khổng lồ vùng Amazon có lớp vảy cứng như áo giáp chống đạn

Đăng Nguyễn |

Arapaima giga, loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới hay còn được gọi là cá hải tượng long, là sinh vật bản địa vùng Amazon. Chúng từng có lúc biến mất do bị đánh bắt quá mức, nhưng nay các quần thể đang dần phát triển lại.

Thủy quái khổng lồ vùng Amazon có lớp vảy cứng như áo giáp chống đạn - Ảnh 1.

Hải tượng long nổi tiếng bởi kích thước to lớn khổng lồ như quái vật ở vùng nước ngọt. Chúng có thể phát triển chiều dài lên tới 4 mét và nặng 200kg.

Với khả năng hít thở trong không khí, cá hải tượng long có thể sống ở vùng nước nghèo oxy và vẫn sống ở nơi hoàn toàn không có nước. Chúng thường chỉ ăn cá, nhưng cũng có khi đi săn chim, bò sát, các loài động vật có vú nhỏ, nghiền nát con mồi bằng bộ hàm sắc nhọn và chiếc lưỡi dày.

Thủy quái khổng lồ vùng Amazon có lớp vảy cứng như áo giáp chống đạn - Ảnh 2.

Cá hải tượng long được coi là kẻ hủy diệt của vương quốc động vật, song chúng cũng có một khuyết điểm chết người: Đó là thịt chúng ăn rất ngon. Với tên gọi Pirarucu, nghĩa "cá tuyết của Amazon", loài cá này được săn lùng đặc biệt nhờ thịt chắc và ít xương. Cá hải tượng long là một nguồn thực phẩm quan trọng cho cộng đồng địa phương và cũng được các du khách đánh giá cao.

Săn bắt quá mức dẫn đến số lượng cá hải tượng long suy giảm mạnh. Vào những năm 1990, nhà chức trách Brazil đã ban hành lệnh cấm săn bắt cá hải tượng long. Tuy nhiên, việc săn bắt trái phép vẫn diễn ra, khiến quần thể cá hải tượng long hoàn toàn biến mất khỏi một số khu vực ở vùng Amazon.

Nhờ cố gắng suốt 2 thập kỷ, các nhà bảo tồn động vật học và cư dân địa phương đang dần hồi sinh quần thể cá hải tượng long, theo CNN.

Điều tốt là loài cá nước ngọt khổng lồ này không hoàn toàn biến mất khỏi bữa ăn hàng ngày của người dân. Bởi việc tiêu thụ cá hải tượng long cũng rất cần thiết cho mô hình bảo tồn bền vững.

Cứu lấy thuỷ quái khổng lồ vùng Amazon

Video: Nỗ lực cứu loài quái vật khổng lồ vùng Amazon.

Ngày nay, hoạt động đánh bắt cá hải tượng long bị cấm hoàn toàn tại Brazil, trừ các khu vực được chọn và có cộng đồng quản lý hợp pháp, João Campos-Silva, một nhà môi trường học Brazil, nói. Campos-Silva làm việc cho tổ chức Institutio Juruá - một tổ chức liên kết với cư dân địa phương và ngư dân trong chương trình khai thác đánh bắt hợp lý và hồi sinh loài cá hải tượng long.

Vào mùa mưa, cá hải tượng long dành toàn bộ thời gian di chuyển qua những khu rừng ngập nước để sinh sản. Chúng sẽ quay trở lại các khu vực hồ khi mực nước giảm.

Thủy quái khổng lồ vùng Amazon có lớp vảy cứng như áo giáp chống đạn - Ảnh 4.

Theo chương trình bảo tồn cá hải tượng long, không được đánh bắt nhiều hơn 30% quần thể cá trưởng thành mỗi năm. Các nhà nghiên cứu điều tra số lượng cá thể thường niên và tính toán số lượng khai thác phù hợp.

Các cộng đồng cư dân địa phương canh giữ cổng vào khu vực hồ quanh năm để bảo vệ cá hải tượng long khỏi những kẻ săn bắt trái phép. Người dân chỉ được đánh bắt từ giữa tháng 8 cho đến tháng 11. Bất cứ cá thể nào với kích thước nhỏ hơn 1,55 mét đều sẽ được thả về sông nước.

Francisco das Chagas Melo de Araújo, người còn được biết đến với cái tên Seu Preto, là một lãnh đạo cộng đồng ở Xibauazinho, một trong những khu vực đầu tiên triển khai kế hoạch bảo tồn.

"Trước khi có lệnh kiểm soát số lượng cá hải tượng long, chúng tôi không có chút quyền hành nào để gìn giữ khu vực hồ này. Những kẻ đánh bắt trái phép cứ tới và khai thác đến tận cùng", ông nói. "Các hồ của chúng tôi hoàn toàn bị khai thác cạn kiệt, đến mức không còn cá hải tượng long sinh sống trong hồ".

Sau khoảng 11 năm, Preto phấn khởi nói về 4.000 cá thể cá hải tượng long sống trong hồ ở khu vực.

Thủy quái khổng lồ vùng Amazon có lớp vảy cứng như áo giáp chống đạn - Ảnh 6.

Nghiên cứu của Campos-Silva về các hồ quanh sông Juruá trong cùng khoảng thời gian, cho thấy số lượng cá hải tượng long đã tăng lên gần 4 lần. Do số lượng cá thể ngày càng tăng, cá hải tượng long đã di cư sang các hồ mới, mở rộng phạm vi sinh sống.

CamposSilva nói, ước tính hiện có khoảng 330.000 cá thể sống trong hơn 1.358 hồ trong 35 khu vực bảo tồn. Hơn 400 cộng đồng địa phương chịu trách nhiệm quản lý.

Thu nhập từ đánh bắt, khai thác cá từ các cộng đồng cư dân địa phương cũng giúp đóng góp cho xã hội. Các khoản tiền được sử dụng để đầu tư xây dựng trường học và cơ sở hạ tầng, bảo vệ an ninh xã hội và đầu tư cơ sở chăm sóc sức khoẻ, thúc đẩy bình đẳng giới.

Đóng góp vào sự phát triển cộng đồng

Raimunda Pires de Araújo, con gái của Seu Preto, nói rằng cô từng không biết cách làm thế nào để kiếm ra tiền. Hiện tại, cô đang chịu trách nhiệm quản lý công việc xử lý và làm sạch cá được đánh bắt, từ đó tạo ra thu nhập. "Những cơ hội may mắn này giúp chúng tôi có thêm niềm tin để đứng lên xây dựng một cuộc sống tốt hơn", cô nói.

"Công việc của chúng tôi được công nhận trên toàn quốc và cả quốc tế, làm chúng tôi cảm thấy tự hào và hãnh diện hơn", ông Preto nói. "Giờ chúng tôi đã có cơ hội để giúp các cộng đồng khác tự tin và mạnh mẽ hơn".

Thủy quái khổng lồ vùng Amazon có lớp vảy cứng như áo giáp chống đạn - Ảnh 8.

Campos-Silva mong rằng những kết quả tốt đẹp của chương trình bảo tồn sẽ cổ vũ nhiều cộng đồng hơn tham gia và giúp đỡ bảo vệ thiên nhiên môi trường hoang dã của vùng Amazon.

"Chúng ta đang đối mặt với sự giảm sút nặng nề số lượng cá thể động vật có xương sống", ông nói. "Chúng ta đang tạo ra các kết quả tích cực và khẳng định rằng chúng ta có thể làm được".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại