Thúy Nga: "Tới tận bây giờ, tôi muốn gặp cha cũng phải lén lút, không cho dì ghẻ biết"

Cao Thanh Hương |

"Tôi về Nha Trang, gặp cha cũng phải lén lút, không cho dì ghẻ biết. Muốn cho tiền cũng phải dặn cha giấu đi vì tất cả tiền của cha tôi là cô ấy giữ hết", Thúy Nga tâm sự.

Là một nghệ sĩ hài, mang tiếng cười, niềm vui tới cho mọi người nhưng cuộc đời của Thúy Nga lại là những khúc quanh đầy nước mắt!

Cuộc hôn nhân đổ vỡ của cha mẹ gần như đã lấy đi nụ cười, niềm vui con trẻ của Thúy Nga. Sau này, khi đã trở thành một danh hài được triệu người ngưỡng mộ, lại một lần nữa, Thúy Nga đau khổ trong tình ái, để rồi làm mẹ đơn thân, một mình vượt qua giông gió nuôi con như chính người mẹ năm xưa đã từng nuôi Thúy Nga khôn lớn.

Tất cả những điều đó, chỉ có thể gọi bằng hai chữ: Định Mệnh.

Ba hay nhốt hai chị em trong nhà, khóa trái cửa lại vì không muốn con về với mẹ...

Thúy Nga hồi tưởng về biến cố gia đình mình: "Thời ấy, xã hội ít có người ly dị nên chuyện ba mẹ tôi chia tay là một sự kiện chấn động đối với tất cả mọi người, từ đồng nghiệp tới gia đình, họ hàng hai bên.

Lúc đó, tôi còn quá nhỏ nên không thể cảm nhận hết về biến cố của gia đình mình. Nhưng khoảnh khắc quyết liệt nhất mà tôi nhớ là cha mẹ tranh giành con cái, xem ai ở với ai.

Thúy Nga: Tới tận bây giờ, tôi muốn gặp cha cũng phải lén lút, không cho dì ghẻ biết - Ảnh 1.

Thúy Nga cùng mẹ và em trai.

Khi cha mẹ ly dị thì bản ngã của mỗi người là làm thế nào để giành được con, con là của mình. Ba tôi thời điểm đó làm lớn lắm, nhà do cơ quan ba cấp nên mẹ ra đi với hai bàn tay trắng. Vì mẹ không có điều kiện kinh tế nên tạm thời chị em tôi ở với ba.

Ba hay nhốt hai chị em trong nhà, khóa trái cửa lại, không cho ra ngoài. Phần vì ba không muốn con về với mẹ, phần vì ba đi làm, không có ai trông. Bệnh viện mẹ làm ở gần đó, cứ rảnh là mẹ qua thăm. Hai chị em ngồi trong cửa sổ, đưa tay qua song sắt cho mẹ nắm rồi nói chuyện. Mẹ đưa đồ ăn cho hai đứa. Ba mẹ con cứ gặp nhau qua cái song sắt cửa sổ đó.

Vì mẹ cũng quyết liệt muốn nuôi con nên một thời gian sau, mẹ xin được giấy của tòa cho con gái về ở với mẹ, con trai ở với cha. Thế là, em trai tôi ở với ba, còn mẹ nuôi tôi".

"Mở cửa sổ căn phòng nơi mẹ con tôi ở ra là nhà xác bệnh viện"

Khi cha mẹ chia tay, chị mới 6 tuổi. Từ đó tới nay đã mấy chục năm nhưng từng câu chuyện nhỏ nhất vẫn hằn sâu trong trí nhớ của chị. Khi một đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh gia đình cha mẹ không hạnh phúc, đứa trẻ đó thường "già dặn" hơn so với bạn cùng trang lứa?

Những đứa trẻ có hoàn cảnh gia đình hơi đặc biệt, nhất là khi cha mẹ chia tay thì chắc chắn là trầm tư, già nua hơn trong suy nghĩ so với những đứa trẻ khác.

Kỷ niệm tuổi thơ tôi nhớ hết. Tôi còn nhớ là, những vật dụng quý nhất trong nhà như nồi niêu xoong chảo, bếp điện mà bác gửi về từ Liên Xô cho mẹ, cũng phải chia đôi. Ba lấy một ít, mẹ lấy một ít. Mẹ tôi là bác sĩ nhưng thời bao cấp còn khổ lắm. Bệnh viện cấp cho mẹ một cái phòng nhỏ chừng 5,6 mét vuông ở trong bệnh viện để ở.

Căn phòng đó chỉ đủ chỗ đặt một cái giường rộng 80 cm, ngay đầu giường là vòi nước để tắm rửa, sinh hoạt. Kế bên là cái chạn để bát đũa, xoong chảo. Bên cạnh là một cái bàn nhỏ. Mở cửa sổ căn phòng nơi mẹ con tôi ở, ra là nhà xác. Ngày nào tôi cũng chứng kiến người ta mang người chết, mang hòm vào.

Thúy Nga: Tới tận bây giờ, tôi muốn gặp cha cũng phải lén lút, không cho dì ghẻ biết - Ảnh 3.

Kế bên nhà xác là bãi rác y tế, toàn bông băng máu mủ rất dơ bẩn. Xa xa là những nhà dân rất nghèo. Thời đó, con lai nước ngoài nhiều lắm, chúng đi lượm bao nylon về rồi tắm rửa, hát nghêu ngao, rất lạc quan.

Trò chơi của tôi mỗi ngày đều ngay tại phòng cấp cứu, tôi lấy chính những bệnh nhân ở phòng cấp cứu làm bệnh nhân của mình để chơi trò khám bệnh. 

Chơi ở phòng cấp cứu, ngày nào tôi cũng chứng kiến người bị tai nạn, người sắp chết, người khóc, kẻ la. Và hồi nhỏ, tôi sợ ma khủng khiếp, nhất là những đêm mẹ phải đi trực, chỉ một mình mình ở trong phòng. Tôi sợ hãi nhưng không dám nói mà chỉ xin đi trực cùng mẹ. Ca trực đêm, các y bác sĩ mỗi người được ăn một tô phở nhưng mẹ không ăn mà lấy phần đó cho tôi.

Bởi vì hồi còn ở với ba, tôi hay bị ngất xỉu do không được ăn uống đầy đủ. Có những buổi sáng ngủ dậy, tay chân tôi run lẩy bẩy vì đói quá. 

Tôi bò từ phòng ngủ ra bếp, bẻ trái chuối đã chín đen để ăn nhưng ăn xong vẫn xỉu. Mỗi lần tôi xỉu, ba lại bồng vào viện cấp cứu. Mẹ nói tôi bị đói, rồi pha một lon sữa bò ấm cho uống thì tôi tỉnh.

Đó là điều tranh cãi lớn nhất của ba mẹ tôi. Mẹ nói, ba là đàn ông không biết chăm sóc con cái, để con xỉu hoài không tốt. Cũng nhờ điều đó mà mẹ mới giành được tôi về nuôi.

Muốn gặp cha cũng phải lén lút, sợ dì ghẻ biết...

Vậy khi cha của chị lập gia đình mới thì sao? Người xưa bảo "mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng"...!

Nói chung, tuổi thơ của tôi rất nhiều nước mắt, đau buồn nhiều hơn vui. Người vợ sau của ba tôi vốn sống cực khổ. Hồi đó ba tôi gặp cô ấy ở dưới quê rồi đưa lên thành phố. Lúc đầu, cô ấy đối xử với chị em tôi rất tốt. Chính tôi năn nỉ ba lấy cô ấy vì cô ấy tốt và sống rất được lòng hàng xóm. Nhưng khi cô ấy trở thành vợ của ba tôi, bước được chân vô nhà, cô ấy thay đổi 180 độ.

Thúy Nga: Tới tận bây giờ, tôi muốn gặp cha cũng phải lén lút, không cho dì ghẻ biết - Ảnh 5.

Đánh tôi thì cô ấy không dám nhưng mỗi lần tôi qua nhà thăm ba và em trai, cô ấy không thích. Mỗi lần em tôi làm gì không đúng thì cô ấy đánh. Nhất là khi cô ấy sinh em bé, cô ấy ăn riêng, chị em tôi ăn riêng với rất ít đồ ăn, thịt phải đếm từng miếng.

Tôi ở lại nhà ngủ là cô ấy kiếm chuyện gây lộn với ba tôi. Thậm chí, vì không muốn cho tôi dùng quạt, cô ấy đập cho hư. Lúc đó, tôi tuy còn nhỏ nhưng cái gì thấy bất an là tôi nói thẳng.

Có lần tôi nói với cô ấy: "Tại sao ngày xưa cô tốt với chị em tôi mà khi bước vô nhà, cô thay đổi nhiều vậy. Cô là mẹ thứ hai, cô tới đây để chăm sóc cha tôi và chị em tôi nhưng cô làm vậy là không được". Cô ấy chửi "mày là vợ của cha mày hay tao là vợ của cha mày. Giờ tao là vợ của cha mày, quyền quyết định là của tao".

Chuyện quá khứ, kể ra thì có rất nhiều điều làm mình đau lòng. Sau đó, dì ghẻ dựng lên một câu chuyện, nói tôi qua nhà chơi rồi ăn cắp đồ của cô ấy. Ba tôi bảo con đừng qua nữa. Kể từ đó, mấy chục năm nay, tôi không bước vào ngôi nhà đó nữa. Dù nhiều lúc, ba lén lút năn nỉ, tôi cũng không qua.

Thực sự tới tận bây giờ, cha con tôi muốn gặp nhau cũng rất khó khăn. Ba muốn gặp tôi là phải "dựng một câu chuyện" để được vào Sài Gòn gặp con chứ không dám nói là tới nhà thăm con. 

Khi ba đặt chân tới Sài Gòn, 1 ngày cô ấy gọi 20 cuộc điện thoại. Ba phải nói dối là đang ở đâu đó nhưng cô ấy vẫn dò xét "có phải đang ở nhà con Thúy Nga không"? 

Ngay cả khi tôi về Nha Trang, gặp cha cũng phải lén lút, phải hẹn cha ở đâu đó, không cho dì ghẻ biết. Muốn cho tiền cũng phải dặn cha giấu đi vì tất cả tiền của cha tôi là cô ấy giữ hết. Đối với tôi, đó là sự ích kỷ tàn độc.

Hối hận vì không để cho mẹ lập gia đình mới

Khi nào thì chị em chị được đoàn tụ?

Cao điểm nhất là khi dì ghẻ đối xử với em tôi không tốt thì mẹ mới chính thức được đưa em về nuôi, hai chị em được ở với mẹ. 

Hồi em tôi ở với ba, nó cũng gầy yếu, xanh xao, xỉu lên xỉu xuống. Mình không trách cha được vì cha là đàn ông, gà trống nuôi con. Cha cũng toàn tâm toàn ý hết mình rồi nhưng chăm cẩn thận thế nào cũng không thể bằng một người phụ nữ, không thể bằng mẹ chăm con. 

Thật sự, nếu chị em tôi ở với ba thì chắc chắn sẽ học giỏi vì ba có kỹ năng sư phạm tốt, ba lại từng là thủ khoa trường. Ba học rất giỏi, làm thơ hay, hát cũng hay.

Vài năm sau, bệnh viện của mẹ xây khu tập thể dành cho y bác sĩ thì mẹ được cấp một căn phòng to hơn. Nói là to hơn những mọi sinh hoạt thường ngày vẫn chung hết, bếp, phòng ngủ đều trong một không gian còn toilet thì dùng chung với cả khu tập thể. Nhưng ít nhất, mẹ đã mua được chiếc giường 1m4 để cả 3 mẹ con ngủ thoải mái.

Nhờ sống chung khu tập thể nên tôi đi theo các chị, con của các y bác sĩ trong đó đi chợ, nấu ăn. 8 tuổi, tôi có thể nấu ăn rất ngon và biết cả đi chợ. Cậu tôi ở Liên Xô về, mua cho cái bếp điện. Nấu cơm bằng nồi nhôm nữa nên tôi bị chạm điện hoài, giật tưng tưng tưng.

Thúy Nga: Tới tận bây giờ, tôi muốn gặp cha cũng phải lén lút, không cho dì ghẻ biết - Ảnh 7.

Vậy còn mẹ chị, sau này, bà có đi thêm bước nữa?

Hồi đó, mẹ cũng có nhiều người để ý theo đuổi nhưng phần vì mẹ thương các con, phần vì chị em tôi sợ mất mẹ nên hễ ai tới nhà là chúng tôi tỏ thái độ không vui, không thích. Sau này lớn, đó là điều mà tôi hối hận nhiều nhất vì đã để cho mẹ cô độc.

Chia sẻ bên lề cuộc phỏng vấn, Thúy Nga bảo, chị chỉ mong "dì ghẻ" sẽ nhận ra cái sai của mình trong cách cư xử với con chồng và để cho cha con chị được gần gũi nhau, đúng nghĩa là "máu thịt" phải thế!

Cảm ơn Thúy Nga đã chia sẻ!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại