Đã 4 năm kể từ ngày Kim Đào bước chân vào showbiz. Đó là quãng thời gian không quá dài nhưng cũng không phải là ngắn với cô gái Rạch Giá có số phận vô cùng đau khổ như Kim Đào để cuộc đời bước sang một trang mới...
Bị đàn chị coi thường: "Không diễn với mấy người tay ngang"
Có một sự thật là nhiều người trọng bằng cấp. Nghề nào cũng thế, có bằng cấp thì được nhìn bằng con mắt khác. Với showbiz, chuyện này còn được xem trọng hơn. Bản thân Kim Đào là diễn viên trưởng thành từ gameshow, khi ra làm nghề, Đào có được mọi người tôn trọng?
Chị nói đúng, ngành nghề nào cũng vậy, tay ngang thì không bao giờ nhận được sự tôn trọng của những người học trường lớp đàng hoàng. Em từ Đấu trường tiếu lâm ra nên khi đi quay với mấy anh chị diễn viên được đào tạo từ trường lớp, không được mọi người tôn trọng.
Em nhớ kỷ niệm là hồi mới vô nghề, em đen, mập xấu lắm, lại không biết trang điểm như bây giờ. Khi đi quay, mấy anh chị nhìn em bĩu môi "trời ơi, diễn viên đó hả. Diễn viên gì nhìn kỳ vậy trời". Em xấu hổ lắm nên chỉ biết cố gắng chăm chút vào kịch bản, phần diễn của mình để mọi người không coi thường.
Kim Đào sinh năm 1991 tại Rạch Giá trong một gia đình lao động nghèo, không có ai làm nghệ thuật.
Rồi có lần em đi phim sitcom cùng một chú nghệ sĩ lớn. Em run nên chăm chăm vào học kịch bản để không bị sai. Chú bảo "con đừng để tâm từng chữ trong kịch bản, con chỉ cần nắm ý thôi rồi chú cháu mình nói với nhau thì mới tự nhiên. Con đọc y chang kịch bản thì khô khan lắm".
Em làm theo và hai chú cháu diễn rất ngọt. Nhưng tới khi em đi phim khác thì lại xảy ra chuyện. Hôm đó em quay chung với một chị diễn viên làm nghề khá lâu năm. Em đóng vai người ở trong nhà chị ấy. Chị ấy đóng vai bà chủ.
Câu thoại của em là "trời ơi, bà mặc bộ đồ này, ai biết bà U50 đâu". Lúc diễn, em nghĩ chỉ cần nắm ý rồi diễn tự nhiên thì hay hơn nên nói "trời ơi, bà mặc bộ đồ này, ai biết bà 50 tuổi đâu".
Em vừa nói xong thì chị ấy kêu "cắt, không diễn nữa". Mọi người hỏi tại sao, chị bảo "tôi không thích diễn với mấy người tay ngang. Mấy người này diễn không tôn trọng kịch bản gì hết, người ta là U50 chứ đâu phải 50 tuổi".
Mọi người bảo em nói vậy cũng không sao, vẫn đúng ý nhưng chị ấy nói "Tôi không thích, còn mấy người thích vậy thì tôi không quay nữa". Em xin lỗi chị ấy rồi xin đạo diễn cho quay lại cảnh đó. Chị ấy còn nói "Mai mốt đừng sắp tôi diễn chung với mấy người ta ngang này nha"!
Lúc đầu, em buồn ghê lắm. Nhưng rồi em quyết tâm, mình đã không được học hành đàng hoàng thì phải cố gắng học hỏi nhiều nhiều hơn nữa từ các cô chú anh chị trong nghề và coi phim nhiều hơn để lấy kinh nghiệm, để mọi người không nói mình "ăn may" từ gameshow mà có thực lực.
Xuất phát điểm của mình đã không bằng người ta thì mình phải cố gắng gấp 10, thậm chí gấp 100 lần.
Tuổi thơ của Kim Đào là những ngày tháng vất vả mưu sinh cùng mẹ. Cô lập gia đình năm 19 tuổi. Kim Đào nuôi con một mình khi hôn nhân đổ vỡ sau đó không lâu.
Đã "có giá" trong mắt bạn bè
Đang từ một cô bé quê mùa sống bằng nghề rửa ly mướn ở quán cà phê bỗng chốc trở thành diễn viên được mọi người biết mặt biết tên. Đó là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời Kim Đào. Và khi cuộc sống sang một trang đời mới, Đào được hàng xóm láng giềng, bạn bè ở quê nhìn nhận lại như thế nào?
Thật sự là cuộc đời em sang một trang mới, huy hoàng. Nhất là thời điểm mà đài nào cũng có em. Hồi còn rửa ly mướn ở quán cà phê, em còn đi làm shipper, dọn nhà theo giờ, lau chùi toilet các kiểu... Việc gì em cũng làm miễn là có tiền.
Có lần em đi giao đồ cho một chị ở tiệm spa. Trời mưa lớn nên giao đồ xong, em đứng trú mưa dưới mái hiên của tiệm.
Đang đứng, chị ấy ra đuổi, kéo mái hiên vô, không cho mình trú mưa. Chị ấy bảo "dơ hành làng của chị, tiệm sang, đừng đứng vậy". Đúng là tiệm spa nhìn sang thật. Em buồn lắm.
Tới khi tivi phát sóng chương trình Đấu trường tiếu lâm. Chị ấy xem xong inbox em bảo "trời ơi, em dễ thương quá hà, hoàn cảnh vậy đó hả. Thôi bữa nào rảnh qua chị xăm chân mày, xăm môi miễn phí, không lấy tiền nha, chỉ cần chụp với chị tấm hình thôi"...
Thật sự là ở dưới Rạch Giá, bây giờ em có giá lắm (cười). Mỗi lần về là được đón tiếp huy hoàng. Hồi lớp 5, em tốt nghiệp với điểm số cao nhất trường 23. Toán 10. Văn 10. Điểm dân tộc Khơ me và điểm học sinh giỏi nữa là em 23 điểm. Em được tuyển thẳng vô trường điểm dù trái tuyến.
Trường điểm đó toàn cậu ấm cô chiêu, con nhà giàu ở Rạch Giá nên khi các bạn tốt nghiệp, các bạn đều là ông chủ, bà chủ của các bar, nhà hàng, spa lớn dưới quê chỉ có em là đi rửa ly mướn, phải ngồi kế cái toilet.
Khi chương trình phát sóng, các bạn chia sẻ clip rồi chat trong nhóm bạn học ngày xưa khoe học chung lớp. Các bạn nhắn tin cho em bảo, chừng nào về tao đãi mày ăn, ghé nhà hàng tao nha, chụp ảnh với tao nha... Em vui nhưng cảm giác cũng rất kỳ, không biết nói sao.
Kim Đào vất vả mưu sinh bằng nghề rửa ly mướn ở quán cà phê, giúp việc theo giờ, shipper... trước khi đến với Đấu trường tiếu lâm và được khán giả biết tới.
Khán giả thương, tặng cả xe máy
Thế còn với khán giả thì sao, Đào có được thương không?
Lúc mới lên Sài Gòn, em chưa biết chăm chút ngoại hình nên ngày nào không đi diễn, em luộm thuộm lắm, sáng ra là đầu bù tóc rối đi siêu thị chơi. Vì em chưa bao giờ nghĩ, một ngày nào đó sẽ có người xin chụp hình với mình.
Hôm đó, em đang chơi ở siêu thị với con, có một cô cứ đi theo em hoài. Một hồi cô ấy lại gần nói "Con có phải là Tư Măng trong nhóm Tỉ Muội không". Em bảo "dạ phải". Cô ấy nói "Cô khoái mày lắm, mày cho cô chụp tấm hình nha".
Lúc cô ấy đưa điện thoại lên, em tá hỏa âm binh. Em không thể tưởng tượng được, con nhỏ trong điện thoại đó là mình, mắt em còn ghèn luôn, đầu thì bù rù. Em bảo "thôi cô ơi, để bữa nào mình chụp ha cô, con nhìn con thấy ghê quá".
Cô ấy nhất định không, bảo "cô thích mày vậy nè, bình dân. Chụp với cô đi, về cô khoe mọi người. Mày ở ngoài cưng quá hà". Rồi khi em đi diễn được khán giả lên tặng hoa, em vui giống như lên mây vậy.
Còn một kỷ niệm nữa mà em không bao giờ quên. Hồi lên Sài Gòn, em đem theo chiếc xe máy cùn, nó hay trục trặc lắm. Em lại chạy đi giao đồ quá nhiều. Mới lên hơn 1 năm, chưa biết đường Sài Gòn mà em dám đi ship đồ luôn thế là đi lạc.
Hôm đó, người ta đặt bánh, kêu giao tới Tên Lửa. Ông ấy dặn em đi thẳng bến xe miền Tây là thấy Tên Lửa rồi gọi ông ấy. Em cứ nghĩ chỗ đó trưng cái Tên Lửa giống như người ta trưng máy bay thời xưa. Em chạy hoài, chạy hoài không thấy. Điện thoại thì lúc nghe lúc không.
Lúc ông ấy nghe máy thì hỏi "thấy Tên Lửa chưa"? Em bảo chưa. Ông ấy dặn "Chừng nào thấy Tên Lửa thì gọi". Em chạy hoài, tới khi nhìn lên thì thấy biển báo "Long An kính chào quý khách". Em đứng đó khóc luôn.
Trên đường chạy ngược về, em thấy ghi đường Tên Lửa. Em điện ông ấy, ông ấy bảo lâu quá, trễ giờ cúng rồi, không nhận nữa. Hôm đó, mọi người trong xóm trọ em được ăn no bánh.
Em kể chuyện đó là vì với chiếc xe đó, em chạy khắp nơi, xuống Vũng Tàu diễn cũng đi xe đó nên nó hư hoài, hỏng hoài, hay chết máy giữa chừng. Có lần em đang đi giao đồ ở cầu vượt đường Cộng Hòa, xe chết máy trôi ngược lại. May có người giúp đẩy lên, không thì em bị tai nạn rồi.
Từ Đấu trường tiếu lâm, Đào tiếp tục ghi dấu ấn ở gameshow Làng hài mở hội trong nhóm Tỉ Muội và đắt show các chương trình gameshow, sitcom, phim truyền hình.
Sau hôm đó, em đăng lên facebook hỏi muốn mua xe trả góp vì xe hư mà em không có tiền, lại không có giấy tờ, không biết có mua được không.
Một anh khán giả ở Quảng Ngãi rất thích nhóm Tỉ Muội nhắn em. Anh ấy là chủ hiệu cầm đồ, khách cầm chiếc xe 2 năm rồi không quay lại lấy. Nếu em không chê thì anh ấy tặng. Xe còn chạy rất tốt.
Em đưa địa chỉ nhưng thật sự không tin là có người tặng mình món quà giá trị đến vậy. Mấy ngày sau, có người điện em ra bến xe miền Đông lấy xe. Em mừng quá chừng. Xe còn rất mới và chạy rất ngon. Em không ngờ là có một ngày được khán giả thương đến vậy.
Được danh hài Hoài Linh đặt nghệ danh Kim Đào
Trải qua bao nhiêu giông tố cuộc đời mới có được ngày hôm nay. Nhìn lại, Kim Đào nghiệm ra điều gì và nghĩ gì về quá khứ đó của mình?
Em thấy mình rất may mắn. Em trải qua nhiều chuyện buồn nhưng cũng có nhiều chuyện vui.
Ngày xưa em bị suy nghĩ tiêu cực, cứ nghĩ về gia đình mình, cuộc sống của mình và tự hỏi sao mình kém may mắn như thế nhưng giờ nhìn lại, em thấy, nhờ tuổi thơ đó, khó khăn đó mà em có được những trải nghiệm và cảm xúc mà các bạn khác chưa chắc có. Bên cạnh đó là một nguồn năng lượng sống mạnh mẽ.
Những trải nghiệm đó giúp em hóa thân vào nhân vật dễ hơn. Đóng người nghèo khổ cũng cảm được sâu sắc hơn. Những trải nghiệm đó luôn thôi thúc em phải sống hết mình, không chờ đợi ngày mai mà phải hết mình từng phút từng giây.
Và những ngày tháng đã qua là kỷ niệm hay hay để bây giờ em có thể kể với mọi người rằng: ngày đó em khổ vậy đó nhưng nếu mình cố gắng thì mọi chuyện sẽ tốt hơn. Hãy cứ hy vọng vào những điều tốt đẹp đang chờ mình phía trước, dù ở hoàn cảnh nào cũng không được nghĩ tiêu cực, bi quan.
Kim Đào được danh hài Hoài Linh đặt nghệ danh. Từ đó tới nay đã 4 năm và Đào dần khẳng định thực lực của mình trong nghề...
Bằng chứng là khi em thi Làng hài mở hội, có dịp em được anh Hoàng Mèo dẫn lên đền của anh Bốn Hoài Linh. Anh Hoài Linh bảo em đừng lấy tên Hồng Đào, anh thấy em tướng giống má Kim Ngọc, em xin lót chữ Kim của má đi. Anh Hoài Linh kêu em ra thắp nhang xin má Kim Ngọc, xin cái duyên của má để sống với nghề.
Sau 4 năm, giờ em đã thay đổi nhiều. Mọi người cũng thay đổi cách nhìn về em. Các bạn trẻ thi gameshow cũng hay hỏi ý kiến em khi làm tiểu phẩm.
Điều đó làm em rất vui và nó cho thấy, những gì mình cố gắng học hỏi bao lâu nay là đúng. Sự cố gắng, học hỏi, sự tiến bộ của mình hàng ngày được mọi người ghi nhận là có thực lực để làm nghề này chứ không chỉ là con nhỏ tay ngang, may mắn nổi lên từ gameshow nữa.
Cảm ơn Kim Đào đã chia sẻ!