Theo hãng tin DW (Đức), các quan chức NATO đã đảm bảo với Phần Lan và Thụy Điển khi họ cùng nhau đăng ký trở thành thành viên NATO vào tháng 5/2022 rằng quy trình của họ sẽ diễn ra nhanh nhất trong lịch sử.
Và trên thực tế, điều đó đã xảy ra, nhưng Thụy Điển vẫn chậm mất gần một năm so với Phần Lan để chính thức trở thành thành viên NATO vào ngày 7/3 vừa qua. Sự phản đối từ phía Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary đã khiến Thụy Điển phải chấp nhận sự chậm trễ đó.
Oscar Jonsson - nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc phòng Thụy Điển - cho biết, Thụy Điển đã tuyên bố mong muốn tham gia NATO nhưng bị các đồng minh tương lai cản trở là "điều tồi tệ nhất" khiến Thụy Điển bị mắc kẹt, dù chỉ là tạm thời.
"Nếu chỉ nhìn vào những thực tế gần đây, bạn có thể thấy rằng Nga đã tấn công hai quốc gia mà họ cho là đang trên đường gia nhập NATO", ông nói với DW, đề cập đến Georgia và Ukraine, "nhưng không có quốc gia thành viên NATO nào".
Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary cản trở
Theo DW, phải mất khoảng 20 tháng để Thụy Điển có được sự chấp thuận của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ và vài tuần nữa với Hungary. Mỗi nước đều yêu cầu tiến trình ngoại giao bổ sung và hóa ra trong cả hai trường hợp đều là các thỏa thuận ngẫu nhiên hoặc không ngẫu nhiên về máy bay chiến đấu.
Thổ Nhĩ Kỳ chỉ "bật đèn xanh" cho Thụy Điển sau khi được đảm bảo về việc mua máy bay chiến đấu F-16 từ Mỹ đã bị đình trệ từ lâu.
Đối với Hungary, nước này đã có thêm 4 máy chiến đấu JAS-Gripens từ Thụy Điển trước khi Quốc hội Hungary bỏ phiếu thông qua việc chấp thuận cho Thụy Điển gia nhập NATO vào ngày 26/2. Sau đó, tân Tổng thống Hungary Tamas Sulyok đã phê chuẩn nghị quyết này ngay khi ông nhậm chức vào ngày 5/3.
Điều 5 của Hiệp ước NATO
Theo DW, Thụy Điển đã ký kết nhiều thỏa thuận an ninh song phương với các nước NATO trong nhiều năm dựa trên ý định đứng ngoài liên minh quân sự này, nhưng không thỏa thuận nào trong số đó có tính chất ràng buộc như Điều 5 của Hiệp ước NATO: "mọi người vì một người và một người vì mọi người".
Pal Jonson - Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển, người trước đây từng đứng đầu Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Thụy Điển - đã ủng hộ tư cách thành viên NATO trong nhiều thập kỷ khi nói rằng, đất nước của ông "có thể hy vọng, chúng ta có thể giả định, chúng ta có thể ước rằng chúng ta nhận được sự hỗ trợ từ NATO [trong trường hợp bị tấn công], nhưng chúng ta không thể biết cho đến khi chúng ta gia nhập liên minh".
Tuy nhiên, theo DW, mối lo ngại đó là không đủ đối với phần lớn người dân Thụy Điển cho đến khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và nước láng giềng Phần Lan không mất nhiều thời gian để trở thành thành viên NATO.
Thụy Điển có còn là quốc gia trung lập?
Nhà nghiên cứu Oscar Jonsson cho biết, mặc dù việc gia nhập NATO được nhiều người trong và ngoài Thụy Điển miêu tả là sự từ bỏ hình ảnh vốn ấp ủ của đất nước này như một quốc gia trung lập và không liên kết quân sự, nhưng thực tế không phải vậy.
Ông Jonsson lưu ý rằng, quân đội Thụy Điển đã tham gia hầu hết mọi hoạt động quân sự của NATO kể từ những năm 1990, sau khi tham gia "Quan hệ đối tác vì hòa bình" của tổ chức này vào năm 1994, và nước này đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự của NATO từ lâu.
Sự đoàn kết của NATO bây giờ đã chắc chắn
Nhưng nếu những người ủng hộ NATO tại Thụy Điển lo lắng vì họ không có sự đảm bảo theo Điều 5 của hiệp ước trước khi trở thành thành viên NATO, thì các đồng minh NATO cũng không chắc chắn về cách hành xử của Thụy Điển trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Jim Townsend hiện là nhà phân tích của Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) và từng làm việc ở Lầu Năm Góc, chủ yếu tập trung vào chính sách của châu Âu và NATO, đặc biệt là các nước Bắc Âu. Ông nói với DW rằng, việc Thụy Điển gia nhập, cùng với sự gia nhập của Phần Lan, là "rất quan trọng đối với NATO".
Ông Townsend giải thích rằng, dù có liên kết chặt chẽ với NATO nhưng trước khi gia nhập liên minh thì Thụy Điển và Phần Lan không thể coi bất cứ điều gì là đương nhiên nếu khủng hoảng nổ ra.
Ông nhớ lại: "Khi [các nhà hoạch định quân sự Mỹ] đang lên kế hoạch và tính toán về khu vực Baltic - Bắc Âu và đối đầu với người Nga, bạn không bao giờ thực sự biết điều gì sẽ xảy ra nếu [Thụy Điển/Phần Lan] cho phép chúng tôi sử dụng không phận hoặc liệu họ có định ngồi ngoài không… bạn không bao giờ biết được."
Nga phải lo lắng
Ông Townsend cho biết, khi mọi sự mơ hồ đã được xóa bỏ, người Nga giờ đây phải lo lắng. Việc Thụy Điển gia nhập đã củng cố sự hiện diện của NATO ở Bắc Cực.
Tại đó, Nga có "cơ sở quân sự nhạy cảm nhất... tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm... máy bay ném bom chiến lược và đó là nơi họ thực hiện rất nhiều thử nghiệm", Townsend lưu ý.
Ngoài lợi thế về địa chiến lược, Thụy Điển còn mang đến những tài sản quân sự tuyệt vời cho kho vũ khí tiềm năng của NATO. Trung tâm Wilson có trụ sở tại Washington đưa ra ba lợi ích chính cho liên minh:
- Ngành công nghiệp quốc phòng của Thụy Điển - một trong những ngành công nghiệp quốc phòng lớn nhất châu Âu, sản xuất một số "thiết bị tinh vi nhất trên thị trường".
- "Năng lực công nghệ cao trong khu vực tư nhân của Thụy Điển" cùng với "số lượng lớn các khoáng sản quan trọng—như quặng sắt và kim loại đất hiếm—rất quan trọng đối với ngành công nghiệp quốc phòng".
- Lực lượng không quân của Thụy Điển - lực lượng lớn nhất trong các nước Bắc Âu và là một trong những lực lượng lớn nhất ở châu Âu.