Thương vụ ngót 10 triệu USD đem Cây cầu London hết hạn sử dụng từ Anh về Mỹ

CHI CHI |

Chi phí tháo dỡ cầu London tốn 2,5 triệu USD, trong khi chi phí di dời công trình từ nước Anh sang Mỹ mất tới 7 triệu USD.

Cầu London chắc hẳn là một cái tên quen thuộc với nhiều người trên thế giới. Đây chính là cây cầu được sử dụng trong mật mã "Cầu London đã sập" để ám chỉ việc Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời. Nó thường bị nhầm lẫn với cầu tháp London - biểu tượng của thủ đô Anh quốc. Cầu London chỉ là một cây cầu có kiến trúc bình thường nằm cách cầu tháp London vài trăm mét, bắc qua sông Thames với mục đích chính là phục vụ giao thông, không phải điểm đến du lịch. Thế nhưng lịch sử của cây cầu này lại vô cùng thú vị. Cây cầu hiện tại đang nằm ở thủ đô nước Anh là phiên bản mới được xây dựng từ năm 1973. Còn cầu London thực sự trước đó thì đang nằm ở... nước Mỹ.

Thương vụ ngót 10 triệu USD đem Cây cầu London hết hạn sử dụng từ Anh về Mỹ - Ảnh 1.

Cầu London ngày nay ở thủ đô Anh quốc mới được xây dựng không lâu

Cuộc đàm phán bán cây cầu cũ

Vào đầu những năm 1960, các quan chức ở Anh đã phát hiện ra một điều đáng lo ngại: Cầu London đang bị sập. Nhịp cầu dài 1.000 foot đã tồn tại hơn 130 năm và sống sót sau khi bị đứt gãy trong Chiến tranh Thế giới thứ II, nhưng nó không còn đủ sức để phục vụ cho lưu lượng giao thông hiện đại và đang dần chìm xuống sông Thames với tốc độ một inch sau 8 năm. Việc cải tạo được cho là không thực tế vì tốn quá nhiều chi phí. Vì vậy chính quyền London đã quyết định xây dựng phá bỏ cầu và xây dựng thay thế một công trình hiện đại, thân thiện với xe hơi hơn.

Thương vụ ngót 10 triệu USD đem Cây cầu London hết hạn sử dụng từ Anh về Mỹ - Ảnh 2.
Thương vụ ngót 10 triệu USD đem Cây cầu London hết hạn sử dụng từ Anh về Mỹ - Ảnh 3.

Ảnh chụp cây cầu London vào thế kỷ 19

Như một lẽ hiển nhiên, cây cầu London cổ gần 200 năm tuổi đã xuống cấp được dự định sẽ bị phá bỏ và đem ra bãi phế liệu. Thế nhưng một ủy viên hội đồng thành phố tên Ivan Luckin đã thuyết phục các đồng nghiệp của mình rằng có thể bán cây cầu này. Năm 1968, ông đến tận nước Mỹ ở bên kia đại dương để tiếp thị, tìm khách hàng tiềm năng.

Luckin biết rằng cầu London có thể là một "sản phẩm" vô cùng khó bán. Được hoàn thành vào năm 1831 từ một thiết kế của kỹ sư John Rennie, nó có kiến trúc bình thường, kém hào nhoáng hơn nhiều một số cầu vượt khác ở cả nước Anh lẫn nước ngoài. Người dân London coi cây cầu chỉ là công trình công cộng để qua sông, nhưng sau khi đến Mỹ, Luckin đã quảng bá nó như một "nhân chứng" thời gian.

"Cầu London không chỉ là một cây cầu, nó là người thừa kế 2.000 năm lịch sử từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, đến thời kỳ La Mã Londinium", ông tuyên bố trong một cuộc họp báo ở New York.

Quả thật, sau đó chính trị gia này đã tìm được người mua, đó là doanh nhân người Mỹ Robert P. McCulloch. Ông vốn là một tỷ phú xuất thân bần hàn, sau đó thành công nhờ thành lập các công ty bán dầu, động cơ và cưa máy. McCulloch luôn được gọi là một tỷ phú lập dị và có nhiều phi vụ ít ai ngờ tới, thích theo đuổi các kế hoạch kinh doanh "trên trời".

Thương vụ ngót 10 triệu USD đem Cây cầu London hết hạn sử dụng từ Anh về Mỹ - Ảnh 4.

Robert P. McCulloch đứng trên Cầu London trước khi nó được tháo dỡ. Ảnh chụp ngày 18/4/1968

Kế hoạch mua cầu London của tỷ phú nước Mỹ được suy tính một cách bài bản. Vào năm 1963, ông đã mua hàng nghìn mẫu đất gần Hồ Havasu ở Arizona, một vùng nước bị cô lập do một con đập trên sông Colorado tạo ra. McCulloch đã thành lập cộng đồng Thành phố Hồ Havasu tại địa điểm này và ông mộng biến nó thành một ốc đảo du lịch nổi tiếng. Nhưng ông vẫn đang gặp khó khăn trong việc thu hút du khách. Khi nghe đến phi vụ bán cầu London của nước Anh, Robert P. McCulloch ngay lập tức cho rằng cây cầu này có thể sẽ là thứ mình cần để biến thành phố của mình thành một địa điểm đặc sắc. 

"Tôi đã có ý tưởng nực cười là mang nó đến sa mạc Arizona. Tôi cần cây cầu, nhưng ngay cả khi tôi không cần nó để làm du lịch, tôi có thể vẫn sẽ mua nó thôi", ông từng nói đùa với Tạp chí Chicago Tribune.

Các cuộc đàm phán được tiến hành nhanh chóng trong suốt mùa xuân năm 1968. Theo McCulloch, phần khó khăn nhất là quá trình ra giá bán với chính quyền Thành phố London. Cuối cùng, sau khi biết rằng việc tháo dỡ cây cầu sẽ tiêu tốn 1.200.000 USD, McCulloch đề nghị trả giá gấp đôi số tiền đó. Vào tháng 4 năm 1968, với mức giá cuối cùng là 2.460.000 USD, Robert McCulloch đã trở thành chủ nhân của "món đồ cổ lớn nhất thế giới".

Hành trình di dời công trình 10.000 tấn

Cây cầu London đã được tháo rời và đưa lên tàu chở hàng, đi qua kênh đào Panama đến Long Beach, California. Từ đó, nó được chở đến thành phố Hồ Havasu. Nó được lắp ráp lại từng mảnh và khánh thánh một lần nữa vào tháng 10 năm 1971. Chi phí vận chuyển được ước tính gấp gần 3 lần phí mua cầu - 7 triệu USD. Khi đến "nhà mới" cầu được sửa sang để không bị đổ sập. Các yếu tố chịu lực của cây cầu là một cấu trúc mới, nhưng đá từ cây cầu ban đầu được giữ nguyên vẹn. 

Dự án độc nhất vô nhị của tỷ phú McCulloch được cho là đã thành công. Sau vụ mua bán được cả thế giới quan tâm và đưa tin, nhiều người đã đến mua đất ở thành phố Hồ Havasu. McCulloch đã thu hồi lại vốn chi phí mua và lắp ráp lại cây cầu. Ngày nay, thành phố ghi tên cây cầu là "điểm thu hút du lịch lớn thứ hai của Arizona, sau Grand Canyon.

Thương vụ ngót 10 triệu USD đem Cây cầu London hết hạn sử dụng từ Anh về Mỹ - Ảnh 5.

Cầu London cho đến ngày hôm nay vẫn đang ở nước Mỹ và vẫn được sử dụng. Tuy nhiên, một vụ tai nạn giao thông gần đây đã làm hỏng một đoạn của cây cầu. Ngay sau đó, nó đã được sửa chữa và một loạt các sự kiện, lễ hội đặc biệt vẫn được tổ chức trên và xung quanh cây cầu hàng năm.

Thương vụ ngót 10 triệu USD đem Cây cầu London hết hạn sử dụng từ Anh về Mỹ - Ảnh 6.

Cầu London nổi tiếng hơn khi được di dời sang bên kia đại dương

Nguồn: History

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại