Thượng úy công an Đắk Lắk: "Tôi không có tài sản nào ngàn tỷ cả"

Hoàng Đan |

Thượng úy Hằng - người được cho sở hữu quán "cà phê gỗ ngàn tỷ” tại TP Buôn Ma Thuột khẳng định mình không có tài sản nào như vậy và đang làm đơn khởi kiện.

Không có tài sản "gỗ ngàn tỷ"

Trao đổi với chúng tôi vào sáng nay 24/7, Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, thông tin không chính xác về cơ ngơi "gỗ ngàn tỷ" tại quán cà phê Không Gian Xưa mà con gái ông - Thượng úy Trần Lê Thúy Hằng là một trong những người góp vốn đã gây ảnh hưởng lớn đến uy tín, danh dự của gia đình.

"Hiện con gái tôi đang làm đơn và đầu tuần sẽ gửi các cơ quan chức năng và khởi kiện để yêu cầu làm rõ thông tin không chính xác này", tướng Rơi nói.

Cùng trao đổi với chúng tôi, Thượng úy Trần Lê Thúy Hằng đã bày tỏ sự bức xúc trước những thông tin không chính xác về quán cà phê Không Gian Xưa.

Theo Thượng úy Hằng, Không Gian Xưa là một quần thể có tổng diện tích khoảng 1ha. Trong khuôn viên diện tích này, bà và 5 người khác là chủ sở hữu các diện tích khác nhau.

Cá nhân bà chỉ sở hữu phần diện tích đất thuộc khu nhà hàng ăn uống và quán cà phê vào khoảng 4 sào, đồng thời, có giấy tờ, sổ đỏ chứng minh bà là người sở hữu. Ngoài ra, các diện tích còn lại là của 5 chủ khác.

Đối với các khuôn viên khác như hồ sinh cảnh, nhà rường gỗ, nơi đặt các bức tượng gỗ, bàn ghế được chạm trổ tinh vi... bà Hằng nhấn mạnh, đó là của các chủ khác và bà không có liên quan.

"Tôi có đầy đủ bằng chứng, giấy tờ để chứng minh việc này", bà Hằng nói.

Về khu nhà hàng ăn uống và quán cà phê, Thượng úy Hằng cho biết thêm, diện tích đất này được bà mua vào năm 2011 khi đang công tác tại Ngân hàng đầu tư và phát triển Đắk Lắk và đây là khu đất nằm ở ngoại ô, ven thành phố chứ không phải trung tâm, giá lúc mua cũng rất rẻ.

Đến cuối năm 2013, sau khi chuyển sang ngành công an, bà và một người bạn cùng góp vốn mở nhà hàng, quán cà phê Không Gian Xưa.

Trong đó, bà góp vốn bằng phần diện tích đất còn người bạn bỏ tiền xây dựng các công trình. Đồng thời, trong giấy đăng ký kinh doanh cũng ghi tên người bạn.

Bà Hằng cũng khẳng định, gỗ làm nhà hàng và quán cà phê là các loại gỗ tạp, thuộc loại 4, 5, 6, có giá trị thấp.

"Gỗ để làm nhà hàng thì vẫn còn đó và đây đều là các loại gỗ tạp, loại 5, 6, có giá trị thấp, ai cũng có thể mua được chứ không có gỗ quý giá gì cả. Tôi khẳng định và có đầy đủ giấy tờ chứng minh là tôi chỉ sở hữu phần diện tích đất của quán cà phê và nhà hàng vào khoảng 4 sào, còn lại không có gì cả.

Cũng không có tài sản nào lên tới ngàn tỷ cả. Hiện tôi đang làm đơn để gửi các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ và khởi kiện việc họ đưa thông tin không chính xác, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tôi và của gia đình.

Chúng tôi cũng không hiểu vì động cơ gì mà họ không tìm hiểu kỹ, hỏi lại gia đình tôi để đưa, gán tôi vào như vậy. Không biết có ai đứng sau việc này...", bà Hằng nói.

Cùng với đó, theo bà Hằng, hiện chủ sở hữu các hạng mục khác ở đây cũng rất bức xúc trước việc bị đưa thông tin không chính xác và bị "xâm nhập gia cư bất hợp pháp" vào khuôn viên, nhà của họ.

"Một số chủ của các ngôi nhà cũng rất bức xúc, họ cũng đang làm đơn kiện lên công an bởi vì họ bị xâm nhập gia cư bất hợp pháp, khi chưa có sự đồng ý của họ mà lại phá cửa để vào, chụp hình, thậm chí có nhà còn bị mất tài sản...", bà Hằng nói thêm.

Không làm gì sai 

Liên quan đến thông tin bà đang làm cảnh sát kinh tế thì việc tham gia góp vốn kinh doanh như vậy có đúng không, Thượng úy Hằng nêu rõ, bà làm đúng với các quy định của pháp luật.

"Theo quy định thì không cấm bởi tôi không đứng tên trong giấy đăng ký kinh doanh mà chỉ góp vốn. Ở đây là góp bằng diện tích đất còn vốn kinh doanh và việc điều hành trực tiếp là do người khác. Tôi không có liên quan đến việc kinh doanh.

Cũng cần nói thêm, Đảng viên hiện nay cũng được phép làm kinh tế. Dân có giàu thì nước mới mạnh và quan trọng là mình kinh doanh có hợp pháp hay không. Tôi không làm gì sai, không làm gì cấm là được...", bà Hằng trả lời.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Phạm Công Út (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc báo Dân Việt đăng thông tin ở đây không phải hành vi vi phạm pháp luật về hình sự về vu khống, cũng không phải lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích công dân, tổ chức.

"Thông tin này là thông tin báo chí nên có thể chưa thực sự đúng hoàn toàn. Nếu chưa đúng thì sẽ là vi phạm Luật Báo chí cũng như Luật Dân sự.

Với Luật Báo chí thì nếu thông tin đó xâm phạm đến danh dự, uy tín thì được quyền khiếu nại yêu cầu đính chính, cải chính hoặc kiện ra tòa yêu cầu bồi thường, với mức bồi thường tối đa là không quá 10 tháng lương cơ sở theo quy định của Nhà nước", luật sư Út nói.

Về việc Thượng úy Hằng là cảnh sát kinh tế thì có được góp vốn kinh doanh không, luật sư Út cho hay, theo quy định hiện hành thì cấm những người quản lý Nhà nước tham gia hoạt động, kinh doanh ở doanh nghiệp tư nhân trong cùng một ngành nghề.

"Ở đây, cảnh sát kinh tế họ quản lý mọi mặt về kinh tế, do đó, chị Hằng tham gia kinh doanh, cung cấp dịch vụ thì cần phải xem lại nó có nằm trong phần quản lý của chị này không. Nếu có thì về mặt hành chính là nghiêm cấm.

Cụ thể, trong trường hợp này, nếu phát hiện ra việc kinh doanh nhà hàng, cà phê này có nằm trong phần quản lý của chị Hằng thì một là yêu cầu chuyển chị công tác sang bộ phận khác hoặc nếu tiếp tục ở bộ phận quản lý đó thì không được kinh doanh như vậy...", luật sư Út nói thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại